Phát triển lúa gạo bền vững

14/12/2017 | 08:27 GMT+7

Nhằm tạo đầu ra ổn định cho mặt hàng chủ lực của tỉnh là cây lúa, thời gian qua, Hậu Giang đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và đang mang lại nhiều hiệu quả.

Mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn của thành viên HTX Bắc Xà No trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả.

Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực, với tổng diện tích gieo trồng cả năm khoảng 207.000ha. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa của bà con vẫn còn bấp bênh bởi giá cả thị trường không ổn định, thiếu doanh nghiệp bao tiêu do diện tích sản xuất manh mún. Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trên và để giúp việc sản xuất lúa của nông dân mang tính bền vững, một trong những giải pháp mà tỉnh đang tích cực triển khai đó chính là hình thành mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, với diện tích hiện tại là 6.467ha, phân bổ ở các địa phương như: huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Tại mỗi cánh đồng lớn đều có gắn với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp để có giải pháp đầu tư, từng bước hình thành HTX lớn mạnh về mọi mặt. Việc làm này đang từng bước mang lại sự hài lòng cho nhiều HTX và bà con thành viên.

Ông Trương Thành Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bắc Xà No, ở ấp 7A2, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thông tin: “HTX nằm trong mô hình cánh đồng lớn của xã Vị Thanh và được hợp nhất từ HTX Nông nghiệp Vị Thanh 1 và HTX Nông nghiệp Vị Thanh 2 vào tháng 6 năm nay. Mục đích là nhằm giúp HTX lớn mạnh hơn về vốn, thành viên và diện tích canh tác để dễ áp dụng các biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu về số lượng hàng hóa và chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp”.

Sau khi hợp nhất, hiện HTX Bắc Xà No có diện tích đất chuyên sản xuất lúa chất lượng cao là 500ha, dự kiến tổng sản lượng lúa cả năm của HTX khoảng 3.000 tấn. Ngoài sản xuất lúa, HTX còn mở thêm nhiều dịch vụ khác để tăng thu nhập cho xã viên như: bơm tưới, làm đất, sạ, máy cấy, thu hoạch, cung ứng vật tư nông nghiệp, lúa giống, tín dụng nội bộ. Bên cạnh việc củng cố, nâng chất để phát triển HTX theo mô hình HTX kiểu mới, thời gian qua, HTX Bắc Xà No còn được các ngành có liên quan hỗ trợ, đầu tư về cơ sở hạ tầng ngày một hoàn chỉnh, gồm: nạo vét kênh mương, xây dựng đê bao khép kín với 2 trạm bơm điện phục vụ bơm tưới cho toàn bộ khu vực sản xuất của HTX. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất lúa giống theo phương pháp cấy.

“Từ những hỗ trợ trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất lúa của thành viên. Hiện thu nhập bình quân của HTX đạt từ 700-800 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân từ 150-200 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt từ 20-25 triệu đồng/năm”, ông Trương Thành Huy, Giám đốc HTX Bắc Xà No, thông tin thêm.  

Giống như HTX Bắc Xà No, hiện HTX Nông nghiệp Phước Trung, nằm trong cánh đồng lớn rộng khoảng 600ha ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A cũng đang từng bước lớn mạnh về mọi mặt. Hiện tại, HTX Phước Trung có diện tích 100ha, trong đó có 30ha sản xuất lúa giống. Hàng năm, HTX cung ứng cho thị trường khoảng 1.800 tấn lúa, trong đó có 350 tấn lúa giống. Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, cho biết: “Điều kiện cơ sở hạ tầng trong cánh đồng lớn tại HTX khá tốt, đây là động lực giúp xã viên sản xuất hiệu quả. Song song đó, công tác tập huấn kỹ thuật cũng được ngành chuyên môn hỗ trợ HTX quyết liệt nên trình độ sản xuất lúa của bà con nâng lên rõ nét và năng suất lúa bình quân qua các vụ tại HTX đạt 6,5 tấn/ha”.

Từ việc gắn kết giữa HTX với cánh đồng lớn trong sản xuất lúa để HTX ngày càng lớn mạnh và cung ứng ra nguồn lúa chất lượng được thực hiện trong thời gian qua đã giúp việc mời gọi doanh nghiệp đến các HTX này để thực hiện liên kết, hợp đồng bao tiêu được thuận lợi hơn. Theo đó, với sự kêu gọi của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện các cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh đều có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp đầu vào và đầu ra thu mua lúa hàng hóa với mức giá cao hơn thị trường. Tính đến nay, có 5 công ty, doanh nghiệp được Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và huyện, thị xem xét, thống nhất cho chủ trương tham gia xây dựng cánh đồng lớn và có 3 công ty được UBND tỉnh phê duyệt dự án cánh đồng lớn. Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, cho biết thêm: “Những năm gần đây, nhờ có doanh nghiệp đến hợp đồng bao tiêu nên người dân trong và ngoài HTX ở cánh đồng lớn nơi đây rất an tâm sản xuất, vì sản phẩm làm ra có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng, giá cả minh bạch và ổn định”.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng chia sẻ: Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền để giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ chế, chính sách, cũng như những ưu điểm, lợi ích khi tham gia sản xuất trong cánh đồng lớn. Từ đó, đã dần thay đổi nhận thức của người dân trong quy trình, kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và tập quán sản xuất theo kiểu truyền thống. Điều đáng mừng hơn là diện tích canh tác lúa của nông dân được doanh nghiệp bao tiêu đều tăng qua các năm. Cụ thể, nếu năm 2014 là 1.660ha thì đến năm 2017 này đã tăng lên 9.258ha. Đây là một sự cố gắng rất lớn của ngành nhằm xây dựng mối liên kết “4 nhà” ngày càng phát triển để giúp nông dân sản xuất lúa được ổn định và bền vững.

Cũng theo ông Đồng, để phát huy những kết quả đạt được trong quá trình phát triển lúa gạo bền vững, tới đây ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm giúp tăng năng suất, chất lượng lúa. Đồng thời, tập trung xây dựng phát triển mô hình cánh đồng lớn từ 6.467ha lên 11.000ha trong vụ lúa Đông xuân 2017-2018 này và gắn với phát triển HTX trên các mặt. Đồng thời, liên kết sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm làm ra theo chuỗi giá trị lúa gạo; xây dựng vùng nguyên liệu (mỗi địa phương xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo phù hợp với yêu cầu thị trường); khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>