Phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp

29/03/2019 | 07:02 GMT+7

Bên cạnh tập trung thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, còn xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Xã Trường Long Tây đang xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả.

Đảng ủy xã Trường Long Tây thông tin, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong quý I địa phương đã tập trung hoàn thiện nhiều nhiệm vụ. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, xã đã chỉ đạo thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân 2018-2019, vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xuống giống lúa Hè thu. Bên cạnh đó, địa phương còn tập trung vào các mô hình phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp theo Đề án 1.000 nhằm nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. Hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Ngoài ra, chỉ đạo tổ kỹ thuật, cán bộ thú y tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân phòng chống dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là dịch tả lợn (heo) châu Phi.

Hiện trên địa bàn có một số mô hình làm ăn có hiệu quả cho thu nhập cao, nhất là mô hình nuôi dê đang phát triển mạnh với số lượng 665 con. Bên cạnh đó còn có mô hình trồng xen cam xoàn và bưởi da xanh, bình quân 1ha cho thu nhập khoảng 700-800 triệu đồng; mô hình trồng thanh long ruột đỏ mới phát triển trong thời gian gần đây, dù chưa thống kê thu nhập cụ thể nhưng hiện giá bán rất khả quan. Ông Đinh Công Giàu, ở ấp Trường Phước, cho biết 4 năm trước ông cải tạo 3 công đất vườn tạp rồi trồng thanh long ruột đỏ. Từ khi trồng thanh long, nguồn thu nhập của gia đình ổn định hơn nhờ việc xử lý cho trái quanh năm.

“Tôi trồng thanh long ruột đỏ đã 4 năm nay, tôi nghĩ cây trồng này thích hợp với vùng đất nơi đây. Đây là loại dễ trồng nhưng tốn nhiều công chăm sóc, quan trọng nhất là kỹ thuật xử lý ra hoa, cho trái. Trước kia, tôi cũng học hỏi kinh nghiệm nhiều chỗ mới dám đầu tư. Một công thanh long, nếu trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 20-30 triệu đồng. Thanh long ruột đỏ nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật thì trái đạt chất lượng, vị ngọt thanh, ngon miệng rất được ưa chuộng”, ông Giàu chia sẻ.

Ngoài ra, xã Trường Long Tây còn phát triển một số mô hình làm ăn hiệu quả khác đang được người dân tin tưởng ứng dụng như: trồng bưởi da xanh khoảng 0,5ha, xoài trên 14ha, cam sành trên 14ha, cam xoàn trên 15ha, chanh không hạt 0,45ha… Bà Võ Thị Nhung, ở ấp Trường Thọ A, cho biết 5 công bưởi da xanh sau nhà dự kiến năm nay sẽ cho trái đợt đầu tiên. Hiện cây trồng đang được chăm sóc kỹ, cây phát triển tốt, lá xanh mướt. “Trước kia, tôi trồng cam và dâu nhưng không hiệu quả nên phá trồng lại bưởi da xanh. Đang chuẩn bị chuyển 14 công đất còn lại để trồng xen bưởi da xanh, chanh và trồng thêm nhãn. Bây giờ phải trồng xen nhiều loại để mình có thu nhập quanh năm, không bị phụ thuộc vào một loại nào hết”, bà Nhung bộc bạch.

Ông Tô Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho biết trong quý II, UBND xã tập trung chỉ đạo xuống giống lúa Hè thu theo lịch thời vụ. Trong chăn nuôi đảm bảo ổn định số lượng con giống, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật. Chỉ đạo hợp tác xã, tổ hợp tác trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Về chuyển đổi cây trồng, hiện xã đã rà soát lại những hộ còn vườn tạp để vận động cải tạo trồng các loại nông sản như chanh không hạt, sầu riêng, nhãn Ido, bưởi da xanh…

Vụ lúa Đông xuân 2018-2019, xã Trường Long Tây đã thu hoạch dứt điểm 1.738ha, năng suất bình quân 7,6 tấn/ha. Diện tích cây màu gieo trồng được 192,5ha. Tổng diện tích vườn cây ăn trái hiện có 217ha; quý I, có 61,4ha cây ăn trái cho thu hoạch. Xã có 2 hợp tác xã hoạt động, có mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Xã cũng chỉ đạo củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>