Quản lý chăn nuôi cá sấu trong mùa lũ

01/11/2017 | 09:13 GMT+7

Hàng năm, trước khi vào mùa nước nổi, ngành kiểm lâm tăng cường các hoạt động rà soát, kiểm tra chuồng nuôi cá sấu. Đồng thời, hướng dẫn người dân đảm bảo điều kiện nuôi nhốt an toàn đối với loài động vật hoang dã có tính hung dữ này.

Ngành chức năng kiểm tra chuồng nuôi cá sấu của người dân ở địa bàn thị xã Long Mỹ.

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 5 hộ nuôi và 2 tổ chức có nuôi cá sấu với 400 cá thể. Đây không phải loài vật được khuyến khích nuôi, chủ yếu là người dân nuôi tự phát. Tuy nhiên, ngành kiểm lâm luôn đặc biệt quan tâm khâu quản lý, nhất là chuồng trại, điều kiện nuôi nhốt phải đảm bảo đúng quy định. Theo đánh giá từ cơ quan quản lý, hầu hết người chăn nuôi loài vật hoang dã có tính hung dữ này đều ý thức rất cao trong việc thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chuồng trại.

Ông Liều Văn Hà, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, nuôi cá sấu khoảng 3 năm nay, hiện tổng đàn có 70 con, trong đó 9 con cá sấu lớn có trọng lượng khoảng 30kg/con. Biết rằng đây là loài động vật hung dữ nên ngay từ đầu, gia đình đã nhờ ngành chức năng hướng dẫn tiêu chuẩn trước khi xây chuồng. Lúc nuôi, ông còn quan tâm rào chắn kỹ lưỡng bên trong, phía ngoài làm hàng rào kết hợp với lưới B40 bao bọc xung quanh, cắm biển báo không để người lạ hiếu kỳ quấy rối chúng. Ông Hà cho biết: “Chăn nuôi là phải đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng. Quá trình nuôi mới hay có tăng giảm đàn, tôi đều báo cáo với cơ quan quản lý và thực hiện đầy đủ thủ tục theo hướng dẫn”.

Theo ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ, trên địa bàn huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ có 5 hộ nuôi cá sấu, hầu hết người nuôi đều đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn an toàn về chuồng trại. Bên cạnh đó, khi người dân cần về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, ngành đều sẵn sàng giúp đỡ. Như ban đầu, một số hộ nuôi ở xã Lương Nghĩa chưa đảm bảo về chiều cao chuồng nuôi, qua kiểm tra thì đơn vị yêu cầu người dân xây dựng thêm theo đúng quy chuẩn, sau đó rào chắn bằng lưới B40 cho chắc chắn.

Ông Thế Anh thông tin thêm, về thủ tục hành chính, ngành kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương công khai dán thông báo hướng dẫn tại một số xã vùng sâu. Hiện đã triển khai ở địa bàn xã Vĩnh Viễn A, Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ hướng tới tiếp tục thực hiện ở phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ. Cụ thể, hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký chăn nuôi các loài hoang dã, thủ tục cấp sổ, xuất bán; hướng dẫn thủ tục xác nhận vận chuyển gỗ, cây trồng phân tán… Người dân chỉ cần liên hệ với UBND xã để được hướng dẫn chi tiết, chuẩn bị đầy đủ thủ tục trước khi đến Hạt Kiểm lâm để hạn chế thời gian và chi phí đi lại.

Ngoài quản lý chăn nuôi cá sấu của người dân, ngành chức năng cũng thường xuyên theo dõi, quản lý các cá thể cá sấu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và Khu du lịch sinh thái Tây Đô. Đồng thời, rà soát trên một số tuyến sông, địa bàn tiếp giáp. Ông Trần Thanh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phụng Hiệp, cho biết: “Ngành chức năng luôn phối hợp với địa phương, các ngành liên quan tiếp nhận thông tin báo từ người dân. Vừa qua, chúng tôi tiếp nhận tin báo ở địa bàn xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, giáp ranh với địa bàn xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, xuất hiện cá sấu, ngành kiểm lâm 2 địa phương phối hợp bắt được 1 cá thể cá sấu và giao về tỉnh Sóc Trăng xử lý”.

Trước mùa lũ năm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã tiến hành kiểm tra lại chuồng trại của hộ nuôi, hiện đã rà soát và kiểm tra xong. Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Chúng tôi có công bố số điện thoại đường dây nóng 0293.3876555 để tiếp nhận thông tin phản ánh khi người dân phát hiện cá sấu. Đồng thời, chi cục đã có công văn gửi chi cục kiểm lâm các tỉnh lân cận đề nghị phối hợp, siết chặt công tác quản lý chăn nuôi, vận chuyển loài vật này ở các địa bàn giáp ranh”.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>