Quyết tâm thắng lợi vụ lúa Thu đông

28/07/2021 | 09:28 GMT+7

Vụ lúa Thu đông thường canh tác trong điều kiện thời tiết bất lợi như mưa bão, lũ lụt... Tuy nhiên, nhằm đảm bảo lương thực, đáp ứng thị trường xuất khẩu và nguồn thu nhập nên ngành nông nghiệp cùng người dân vùng ĐBSCL quyết tâm cho vụ lúa thắng lợi.  

Áp dụng biện pháp sạ hàng sẽ giúp nông dân Hậu Giang hạn chế bị ảnh hưởng do mưa, bão trong vụ lúa Thu đông.

Giữ vững diện tích

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Quan điểm chung trong chỉ đạo sản xuất vụ lúa Thu đông năm nay tại vùng ĐBSCL là đẩy mạnh việc khuyến cáo người dân giữ vững diện tích, năng suất và sản lượng nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh trong điều kiện khó khăn chung về tình hình dịch Covid-19 như hiện nay. Đồng thời, mục tiêu kế tiếp là đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong nước; cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tạo nguồn lúa giống không nhỏ phục vụ cho vụ lúa Đông xuân kế tiếp.

Từ quan điểm trên, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT đề ra kế hoạch trong vụ lúa Thu đông năm nay là nông dân toàn vùng ĐBSCL phấn đấu xuống giống đạt khoảng 700.000ha, trong đó năng suất cố gắng đạt 5,51 tấn/ha để thu về sản lượng gần 4 triệu tấn lúa. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho hay: Trên cơ sở kế hoạch sản xuất đề ra và sự phân bổ chỉ tiêu cụ thể thì từng địa phương vùng ĐBSCL sẽ có biện pháp là thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước phục vụ sản xuất, sự phát sinh, phát triển của dịch hại để bố trí thời vụ xuống giống thích hợp dựa trên nguyên tắc tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng và tổ chức khai thác có hiệu quả các nguồn lực phục vụ sản xuất để vụ lúa đạt thắng lợi trên các mặt. 

Tại tỉnh Hậu Giang, theo kế hoạch phân bổ của Bộ NN&PTNT thì ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến vụ lúa Thu đông năm nay nông dân trong tỉnh sẽ xuống giống 36.700ha, tập trung tại các vùng có điều kiện canh tác thuận lợi về đê bao khép kín kiên cố để chủ động nguồn nước tưới tiêu, hạn chế thiệt hại khi có mưa giông, lũ lụt.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thông tin: Những vùng thu hoạch lúa Hè thu sớm xong, hiện nông dân đã tranh thủ vệ sinh đồng ruộng và xuống giống xong đợt 1 (từ ngày 3 đến 9-7) của vụ lúa Thu đông theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh. Tổng diện tích lúa Thu đông đã gieo sạ đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh là hơn 20.000ha, tập trung ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy và một phần thành phố Vị Thanh. Sang đợt xuống giống thứ 2 (từ ngày 2 đến 8-8 tới), nông dân trong tỉnh sẽ phấn đấu gieo sạ đạt diện tích còn lại theo kế hoạch đề ra và nỗ lực giữ vững diện tích khoảng 40.000ha lúa Thu đông như cùng kỳ. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với một số vùng có tập quán xuống giống lúa Thu đông trễ so với khung thời vụ của tỉnh do ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn trước đó thì cũng cần kết thúc việc gieo sạ trước ngày 31-8 tới nhằm đảm bảo lịch thời vụ cho vụ lúa quan trọng là Đông xuân kế tiếp.

Giống như Hậu Giang, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho hay: Địa phương có 2 kịch bản cho vụ lúa Thu đông, đó là kế hoạch đề ra ban đầu sẽ xuống giống 70.000ha, nhưng phấn đấu tăng thêm 10.000ha. Tuy nhiên, trước tình hình thuận lợi về thị trường tiêu thụ lúa gạo, nhất là giá lúa ở mức hấp dẫn nên qua nắm bắt thông tin từ người dân thì nhiều khả năng, Kiên Giang sẽ kết thúc xuống giống lúa Thu đông với diện tích khoảng 88.000ha.

Chủ động các giải pháp

Tổng Cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT dự báo khu vực ĐBSCL từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay là thời kỳ mùa lũ trên sông Mekong và các sông Nam bộ. Trong đó, đỉnh lũ của năm có khả năng xuất hiện vào khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Riêng lũ nội đồng đầu vụ sẽ xuất hiện vào cuối tháng 7 này, với mực nước lớn nhất đạt từ 2-3m, tập trung ở đầu nguồn sông Cửu Long; còn trên sông Tiền, sông Hậu và khu vực ven biển Đông thì mực nước lớn nhất đạt 1-2m. Bên cạnh đó, nhận định mực nước lũ chính vụ năm nay sẽ ở mức từ 3,4-3,8m và đây được xem là mức xấp xỉ và cao hơn báo động I. Vì vậy, đối với một số khu vực thuộc vùng giữa và ven biển của ĐBSCL, do ảnh hưởng của lũ kết hợp với triều cường được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nên có khoảng 363 ô bao có nguy cơ bị ảnh hưởng nước lũ, với tổng diện tích khoảng 65.408ha. Cụ thể các tỉnh bị ảnh hưởng gồm: Đồng Tháp, Tiền Giang, thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang và Hậu Giang. Trong đó, tỉnh Hậu Giang dự báo có gần 29.000ha sẽ bị ảnh hưởng lũ, chiếm gần 50%. 

Cùng với tình hình lũ thì theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, thời tiết vùng ĐBSCL trong mùa mưa năm nay sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn kèm theo giông lốc sẽ thường xuyên xuất hiện trên diện rộng nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là vụ lúa Thu đông.

Từ những dự báo trên, để đảm bảo việc sản xuất lúa Thu đông mang lại hiệu quả trên các mặt, ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL đã, đang triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm. Điển hình tại tỉnh Hậu Giang, bên cạnh việc xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống phù hợp cho từng cánh đồng thì ngành chức năng các địa phương trong tỉnh còn tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết trước khi quyết định thời điểm gieo sạ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Về cơ cấu giống, nông dân trong tỉnh Hậu Giang đang ưu tiên sử dụng một số giống có khả năng chống chịu trong điều kiện bất lợi do thời thiết ở vụ Thu đông như: OM 18, OM 5451, OM 6976, OM 2517, OM 4900...

Đang cùng nhân công giặm lại những chỗ trống cho gần 1ha lúa Thu đông trong giai đoạn mạ của gia đình, ông Nguyễn Văn Út, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Nhiều vụ lúa Thu đông qua, tôi và bà con ở cánh đồng này đều chọn canh tác giống lúa OM 18. Bởi đây là giống cứng cây, rễ ăn sâu trong đất nên thường ít bị đổ ngã khi gặp mưa giông vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, vì vậy rất phù hợp với điều kiện canh tác vào mùa mưa bão như vụ lúa Thu đông. Ngoài ra, nhờ hạn chế đổ ngã nên cho năng suất cao, hạt lúa chất lượng, từ đó bán lúa dễ dàng và được giá hơn so với một số giống khác”.

Bên cạnh việc sử dụng giống lúa phù hợp thì ngành nông nghiệp và người dân trong tỉnh Hậu Giang còn tăng cường ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” hay áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM… Từ việc áp dụng các mô hình trên không chỉ giúp người dân sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết trong vụ Thu đông, cũng như làm giảm giá thành sản xuất, nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn vừa chủ động đối phó với diễn biến giá cả thị trường trong nước và vừa đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khó tính của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dương, ở ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Hơn 10 năm qua, vụ lúa nào tôi cũng áp dụng biện pháp sạ hàng cho hơn 2ha lúa của gia đình. Ưu điểm của mô hình là tiết kiệm lúa giống, hạn chế dịch hại tấn công. Đặc biệt, trong vụ lúa Thu đông này, nhờ cây lúa thưa, cộng thêm sử dụng giống lúa ít đổ ngã là OM 18 nên hạn chế bị ảnh hưởng do mưa bão; nhờ vậy lúa thường cho năng suất vượt trội hơn so với hộ không áp dụng mô hình và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thông tin thêm: Cùng với các giải pháp trên thì hiện đơn vị cũng đề nghị ngành chức năng các địa phương trong tỉnh thường xuyên kiểm tra và thực hiện tu bổ hệ thống đê bao, bờ bao, cống đập ở những đoạn hư hỏng hoặc xuống cấp để bảo vệ tốt diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó có lúa Thu đông trước tình hình mưa, bão đang về. Bằng mọi giải pháp, Hậu Giang phấn đấu đạt diện tích lúa Thu đông như kế hoạch và chỉ đạo sản xuất đạt thắng lợi trên các mặt…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>