Rộn ràng xuống giống lúa Đông xuân

30/11/2018 | 07:33 GMT+7

Sau khi bão số 9 đi qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân tại nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuống giống lúa Đông xuân 2018-2019 với nhiều kỳ vọng.

Nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống hơn 16.000ha lúa Đông xuân.

Diện tích gieo sạ tăng nhanh

Những ngày này, chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) hay ở nhiều cánh đồng khác sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng của tiếng máy bơm thoát nước từ trên ruộng xuống kênh hay tiếng máy trục san phẳng mặt ruộng, cũng như hình ảnh nhiều nông dân đang be bờ, đánh rãnh nước trên ruộng và xuống giống lúa Đông xuân. Đang chuẩn bị gieo sạ cho 7 công ruộng của gia đình, ông Nguyễn Văn Thảo, nông dân ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho hay: “Nếu sạ đúng cữ lúa giống thì tôi đã xuống giống xong cách nay 2 ngày. Nhưng mấy ngày trước nghe thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là có bão số 9 và khả năng xuất hiện những cơn mưa lớn trên địa bàn tỉnh nên tôi cùng bà con ở cánh đồng này không dám xuống giống mà để hôm nay mới gieo sạ cho chắc ăn”.

Cũng đang đánh đường nước chuẩn bị xuống giống gần 2ha đất của gia đình nằm cặp ranh ông Thảo, ông Trần Văn Thêm chia sẻ: “Là vụ lúa chính trong năm nên bà con đều tính toán mọi khâu. Đó là xuống giống theo khung lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện để né rầy nâu và các loại dịch hại khác. Hơn nữa phải theo dõi thời tiết, nếu sạ mà gặp ngay lúc mưa dầm thì rất nặng công cấy giặm. Còn ruộng nào mà lúa chết mộng nhiều phải tốn thêm tiền mua lúa giống sạ thêm vào, trong khi giá lúa giống cấp xác nhận đang ở mức từ 11.000-13.000 đồng/kg (tùy giống)”.

Theo nghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, do bà con đang tập trung cao điểm xuống giống nên diện tích lúa Đông xuân được gieo sạ xong trong những ngày qua đang tăng mạnh. Ước tính trong 3 ngày gần đây, mỗi ngày nông dân toàn tỉnh có thể xuống giống trên 2.000ha. Ngoài đẩy nhanh tiến độ xuống giống thì có một điểm đáng ghi nhận khác là dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng qua theo dõi của ngành nông nghiệp các địa phương, năm nay người dân sử dụng giống lúa từ cấp xác nhận trở lên trong gieo sạ rất nhiều và thực hiện việc giảm lượng giống gieo sạ bằng hình thức sạ thưa, sạ hàng cũng tăng mạnh.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Để tạo được ý thức cho người dân, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc tập huấn, trình diễn thực tế trên đồng, nhất là thông qua các lớp tập huấn của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) mà tỉnh đang thực hiện. Sau khi bà con tận mắt chứng kiến và thấy được những hiệu quả từ việc tiết giảm lượng giống gieo sạ sẽ kéo theo giảm nhiều khâu khác tiếp theo trong sản xuất nên bà con nông dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, có một thực tế mà nông dân cần lưu ý là trong quá trình mua giống cấp xác nhận để gieo sạ thì nên chọn mua những loại giống có nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua những loại giống đựng trong bao bì không có nhãn mác được lưu thông khá nhiều trên thị trường trong thời gian gần đây để sử dụng làm lúa giống vì có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng hạt lúa về sau.          

Nhiều kỳ vọng

Lúa Đông xuân là vụ sản xuất chính của nông dân với hy vọng một vụ mùa bội thu trên các mặt, nhưng năm nay kỳ vọng lại càng lớn hơn bởi có nhiều yếu tố thuận lợi đang diễn ra. Trước tiên, bà con nhận định năm nay chi phí đầu tư sẽ thấp và năng suất lúa có thể đạt cao hơn so với cùng kỳ. Bởi, mùa lũ vừa qua có mực nước cao hơn so với trung bình nhiều năm nên đem về một lượng phù sa khá dồi dào trên ruộng, đồng thời còn giúp nhiều cánh đồng tháo chua, rửa phèn tốt. Ông Nguyễn Văn Đa, ở khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, thông tin: “So với mùa lũ năm rồi thì mực nước năm nay ở cánh đồng nơi đây cao hơn khoảng 20cm. Thông thường năm nào có lũ lớn, cộng với thời tiết thuận lợi thì vụ lúa Đông xuân năm đó sẽ trúng mùa”.

Bên cạnh điều kiện sản xuất thuận lợi thì một yếu tố khác đang tạo sự phấn khởi và kỳ vọng ngay trong thời điểm nông dân đang xuống giống là giá bao tiêu lúa được nhiều thương lái đặt cọc trong lúc này rất hấp dẫn. Qua ghi nhận từ nhiều nông dân đã nhận tiền cọc thì giống lúa IR 50404 được bao tiêu với giá 5.250 đồng/kg, giống lúa hạt dài OM 5451 và RVT từ 5.800-6.800 đồng/kg. Phấn khởi khi vừa xuống giống lúa Đông xuân và ký hợp đồng bao tiêu xong với thương lái, ông Nguyễn Văn Út, ở phường V, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Năm nay, hơn 6 công ruộng của tôi và cả cánh đồng lúa nơi đây đều canh tác giống IR 50404. Tuy mới xuống giống, nhưng đã có thương lái đến đặt tiền cọc và bà con đã nhận với giá là 5.250 đồng/kg, tăng gần 300 đồng/kg so với cùng kỳ. Từ mức giá hấp dẫn này sẽ là động lực để bà con cố gắng đầu tư sản xuất để lúa đạt năng suất cao, cho nguồn lợi nhuận hấp dẫn khi thu hoạch”.

Cùng niềm phấn khởi về giá lúa được bao tiêu, ông Nguyễn Văn Thảo, nông dân ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết thêm: “Cánh đồng lúa của tôi cũng vừa ký hợp đồng xong với thương lái khi còn nhiều hộ chưa xuống giống xong và mức giá ký kết là 6.800 đồng/kg, giống lúa RVT. Có một điều nông dân đồng thuận cao trong đợt ký hợp đồng năm nay là thương lái không đưa ra giá “chết” mà là giá theo thị trường. Nghĩa là đến ngày thu hoạch, giá lúa sẽ được thương lái mua không thấp hơn so với giá đã ký hợp đồng, trường hợp giá trên thị trường cao hơn giá ký kết thì vẫn mua theo nhưng rẻ hơn 100 đồng/kg. Đây là cách làm mới nhằm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng khi giá lúa lên cao hoặc xuống thấp”.

Với dự báo về tình hình xuất khẩu lúa gạo trong những tháng tới đây của Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thuận lợi, nhất là đối với những giống lúa có phẩm chất gạo tốt nên đây chính là lý do khiến thị trường hợp tác tiêu thụ lúa gạo ngay những ngày mới xuống giống giữa nông dân và doanh nghiệp diễn ra rộn ràng không khác gì không khí đầu vụ gieo sạ vào những ngày qua. Mặt khác, nhờ thực hiện công tác kêu gọi doanh nghiệp đến hợp đồng tiêu thụ lúa cho nông dân được các ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương thực hiện quyết liệt trong thời gian qua, từ đó tạo được mối quan hệ tốt nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh tìm đến hợp tác. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Nếu như vụ lúa Đông xuân năm trước, toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp đến Hậu Giang hợp đồng bao tiêu và tiêu thụ lúa cho nông dân thì sang năm nay số lượng doanh nghiệp đến tỉnh bao tiêu lúa cho bà con đến lúc này đã hơn 24 doanh nghiệp. Đây chính là tín hiệu tích cực giúp cho việc tiêu thụ lúa của nông dân tới đây sẽ thuận lợi và bán được giá cao. Bởi trước khi đến hợp đồng bao tiêu, giữa doanh nghiệp và bà con đều có sự gặp gỡ để trao đổi thông tin về nhu cầu giữa các bên, từ đó đi đến thống nhất việc chọn canh tác giống lúa gì và giá sàn bảo hiểm trước khi gieo sạ…

Qua thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, đến nay nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống hơn 16.000ha lúa Đông xuân 2018-2019 (kế hoạch 79.000ha). Trong đó, địa phương có diện tích xuống giống nhiều nhất là huyện Châu Thành A (5.750ha), kế tiếp là huyện Long Mỹ (3.706ha), Vị Thủy (4.821ha), Phụng Hiệp (576ha), thị xã Long Mỹ (410ha) và thành phố Vị Thanh (213ha). Theo thông tin từ nông dân, hiện có 4 giống lúa đang được bà con ưu tiên gieo sạ trong lúc này là OM 5451, RVT, Jasmine 85 và IR 50404. 

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>