Sản xuất lúa Thu đông 2017: Nhiều thách thức

07/07/2017 | 08:25 GMT+7

Theo nhận định của ngành chức năng, bên cạnh những mặt thuận lợi trước mắt thì việc sản xuất lúa của nông dân tại Hậu Giang, cũng như các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vụ lúa Thu đông (lúa vụ 3) đã và đang xuống giống.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các nhà khoa học vừa khảo sát, hướng dẫn nông dân Hậu Giang cách phòng, trị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Những điều kiện thuận lợi

Theo Cục Trồng trọt, năm nay toàn vùng ĐBSCL sẽ sản xuất 832.000ha lúa Thu đông, tăng hơn 7.000ha so với năm 2016; sản lượng ước đạt hơn 4,65 triệu tấn, tăng gần 450.000 tấn so với vụ Thu đông 2016. Việc tăng diện tích lúa Thu đông, là để bù đắp việc sụt giảm hơn 226.000 tấn lúa trong vụ Đông xuân vừa rồi. Nếu như cách đây 10 năm, chỉ có 5 tỉnh ở ĐBSCL sản xuất lúa Thu đông thì hiện nay cả vùng đều làm lúa vụ này.

Hậu Giang là một trong 4 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang) của ĐBSCL nằm trong vùng ngập nông, thuộc vùng phù sa ngọt của sông Tiền và sông Hậu. Đây là vùng tương đối thuận lợi cho sản xuất lúa vụ 3, vì ít bị ảnh hưởng của ngập lũ. Chính vì vậy, hàng năm ngành nông nghiệp tỉnh đều lên kế hoạch và chỉ đạo cho các ngành chuyên môn luôn đồng hành cùng nông dân để sản xuất vụ lúa Thu đông đạt thắng lợi. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Ngoài điều kiện thuận lợi là ít bị ngập lũ, vụ lúa Thu đông còn có tính chất quan trọng đối với địa phương. Bởi, đây là vụ lúa sản xuất nhằm cung cấp nguồn giống chất lượng cho vụ Đông xuân kế tiếp, nếu sử dụng giống của vụ Hè thu thì thời gian cách ly quá dài, không đảm bảo tỷ lệ nẩy mầm.

Dự kiến trong vụ lúa Thu đông năm nay, toàn tỉnh xuống giống 50.000ha, phân bổ ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã xuống giống gần 30.000ha. Để giúp nông dân né rầy, hạn chế dịch bệnh và xuống giống tập trung, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống cụ thể cho nông dân. Theo đó, thời gian bắt đầu xuống giống từ ngày 10-6 và kết thúc ngày 13-8. Dựa vào khung thời gian trên, tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương mà cán bộ ngành nông nghiệp sẽ khuyến cáo nông dân gieo sạ hợp lý. Ngoài ra, giống lúa mà ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nông dân sử dụng trong vụ này là OM 5451, OM 6976, OM 2517, OM 4900, OM 576… Đồng thời, áp dụng tốt các biện pháp, kỹ thuật canh tác, như: sạ thưa, sạ hàng, mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái…

Song song với những mặt thuận lợi trên thì nông dân Hậu Giang cũng như các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL còn phấn khởi về thị trường giá lúa đang ổn định ở mức cao. Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho hay: Tình hình xuất khẩu gạo thời gian gần đây rất khả quan và nhiều triển vọng tăng trưởng về lượng và giá cả có lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp trong thời gian tới. Mặc dù thế, nhưng để thị trường gạo ổn định, các địa phương trong vùng chỉ đạo sản xuất lúa Thu đông năm nay cần có sự định hướng và khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, nhằm góp phần không làm xáo trộn thị trường.

Đối mặt nhiều khó khăn

Bên cạnh những mặt thuận lợi trên, theo dự báo của ngành chức năng, vụ lúa Thu đông năm nay, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn, mà trước tiên là tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn, lún xoắn lá đang gây hại mạnh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Ghi nhận tại Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 4.000ha lúa Thu đông bị nhiễm rầy nâu, trong đó đáng ngại là đã có nhiều diện tích lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, với tỷ lệ từ 1-3%. Ông Nguyễn Văn Duy, nông dân ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, thông tin: “8 công ruộng của tôi trước đó bị nhiễm rầy nâu khá nặng, giờ xuất hiện thêm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá với tỷ lệ khoảng 3% nên khả năng năng suất lúa tới đây sẽ bị giảm là điều khó tránh khỏi”.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Sau gần 10 năm vắng bóng, nay dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện trở lại trên nhiều diện tích lúa Thu đông của bà con nông dân. Hiện toàn ngành đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh, bảo vệ năng suất lúa cho nông dân. 

Ngoài dịch bệnh, vụ lúa Thu đông năm nay, người dân còn đối mặt với tình hình mưa, bão, lũ diễn biến phức tạp. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vùng Nam bộ trong thời kỳ từ tháng 6 đến tháng 8 lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 30%, nhưng đến tháng 10 lại thấp hơn khoảng 30% so với TBNN. Còn lũ ở thượng nguồn sông Mekong có khả năng đến sớm hơn so với TBNN. Trong tháng 8 và tháng 9, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên cao dần và đỉnh lũ năm nay xuất hiện trong nửa đầu tháng 10, đạt mức báo động II.

Trước những dự báo về mưa, lũ có thể diễn biến phức tạp, để đảm bảo việc sản xuất vụ lúa Thu đông đạt thắng lợi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Quan điểm chỉ đạo của Bộ là ưu tiên sản xuất vụ Thu đông ở những vùng an toàn đối với lũ, lấy mức lũ năm 2011 để bố trí sản xuất lúa cho vùng ngập sâu khu vực Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra bằng những giải pháp đồng bộ về thời vụ, cơ cấu giống, hệ thống công trình đê bao, cống đập, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy…

Ngoài các giải pháp trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường còn yêu cầu các địa phương cần chủ động nắm tình hình sâu bệnh có thể bùng phát. Đặc biệt hiện nay, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang gây hại ở một số địa phương, nếu không chủ động phòng bệnh hiệu quả thì bệnh sẽ gây hại giống như 10 năm về trước. Do đó, các địa phương phải thực hiện nguyên tắc trên 2% diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cần phải tiêu hủy ngay…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>