Sản xuất nông nghiệp thời hạn, mặn

23/04/2018 | 08:38 GMT+7

Nắng nóng gay gắt, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp do đang vào cao điểm mùa khô đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của người dân tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian qua và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hiện nhiều vùng tại các tỉnh, thành ở ĐBSCL sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân 2017-2018 đã chuyển sang gieo sạ vụ lúa Hè thu 2018. Tình hình nguồn nước phục vụ cho sản xuất nơi đây nhìn chung đang thuận lợi; tuy nhiên tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ. Riêng tại Hậu Giang thì một số nơi bà con đang gặp khó về nguồn nước sản xuất, ty nhiên điều đáng mừng là tình hình xâm nhập mặn có biến động nhưng chưa ảnh hưởng lớn. 

Một số diện tích lúa Hè thu mới gieo sạ trên địa bàn thành phố Vị Thanh bị khô nước.

Gặp khó nguồn nước sản xuất

Vừa canh máy bơm nước và tranh thủ giặm lại những chỗ có lúa bị chết đối với 1,2ha đất ruộng của gia đình đã gieo sạ được gần nửa tháng, ông Phan Văn Liệt, ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Năm nay, nguồn nước dưới kênh kém hơn mọi năm rất nhiều. Hiện nước chỉ đầy kênh vào khoảng từ 5 giờ sáng đến gần 11 giờ trưa, còn sau đó đến tối là cạn dần và có hôm cạn gần tới đáy, đây là trường hợp ít xảy ra trong nhiều năm gần đây. Do đó, tranh thủ thời gian ít ỏi buổi sáng, tôi và bà con nơi đây cố gắng đưa nước lên ruộng, thế nhưng cũng chỉ ngập xem xép đất là không còn đủ nước để bơm”.

Cũng theo ông Liệt, do nước bơm lên ruộng ít, trong khi lúc này nắng nóng gay gắt đã làm cho nước bốc hơi rất nhanh nên sau khi bơm nước xong thì cách khoảng 2 hoặc 3 ngày lại phải lấy máy ra bơm tiếp. Bên cạnh đó, những chỗ đất gò cao do không giữ được nước lâu nên cỏ dại mọc lên khá nhiều dù trước đó đã xịt thuốc diệt mầm cỏ. Chính vì vậy, ngoài tốn công, chi phí mua dầu bơm nước thì tới đây còn tốn thêm tiền mướn người nhổ cỏ.

Cách ruộng ông Liệt không xa, ông Lương Văn Danh Lợi đang bơm nước mướn cho 3ha đất lúa của người dân bị khô nứt nẻ vì đã gieo sạ 7 ngày nhưng đây là lần đưa nước vào đầu tiên. Ông Lợi chia sẻ: “Nhiều ngày qua, tôi luôn trực máy ngoài đồng để bơm nước mướn cho bà con. Hiện giá bơm nước cũng tương đương cùng kỳ là 60.000 đồng/giờ, nhưng phải tốn thời gian bơm nhiều hơn. Cụ thể, khi có nước nhiều thì 1 giờ có thể bơm ngập từ 7-8 công ruộng, còn lúc này chừng 5 công là cao. Riêng 3ha lúa đang bơm đất khô nứt nẻ thì khả năng tôi sẽ bơm cả ngày mới đủ nước”.

Theo nhiều nông dân canh tác lúa nơi đây, vào thời điểm này năm trước, nước dưới kênh khá nhiều và bà con chỉ việc khai cống là nước chảy ngập cánh đồng, có thời điểm nước từ kênh tràn bờ làm ngập cây lúa phải đặt máy bơm ra. Riêng năm nay thì ngược lại, khi phải mướn người bơm từ kênh vào ruộng nhưng phải lựa thời điểm chứ không phải lúc nào cũng có nước nhiều. Hiện tình trạng khó khăn về nguồn nước không chỉ có tại cánh đồng lúa ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh, mà còn xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn tỉnh.

Anh Đặng Thanh Thương, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho biết: “6 công ruộng phía sau nhà đã gieo sạ được 6 đêm và nay đã đến thời điểm đưa nước vào nhằm hạn chế cỏ dại, cũng như cung cấp nguồn nước cho cây lúa phát triển do mặt đất đã khô nhưng nắng nóng hiện khá gay gắt. Thế nhưng, việc bơm nước cũng gặp không ít trở ngại khi nước chỉ đủ bơm vào sáng sớm, đến trưa thì cạn nên tôi thường bơm mấy lần liên tiếp mới ngập ruộng”.

Xâm nhập mặn chưa đáng ngại

Qua theo dõi của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nhất của tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm thì kết quả đo mặn trong những ngày gần đây ở một số điểm chính bên ngoài hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, như: cống Ba Cô, Hóc Pó, nhà thờ Bào Ráng, trước UBND xã Lương Nghĩa… dao động từ 2-3‰ (giảm phân nửa so với cách nay khoảng 10 ngày), còn bên trong tuyến đê bao chỉ từ 0,2-0,4‰.

Ông Hồ Anh Vũ, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Tuy độ mặn lên xuống thất thường nhưng chủ yếu nằm bên ngoài tuyến đê bao, còn bên trong thì vẫn đảm bảo nguồn nước phục vụ cho người dân sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền và người dân cũng đã dần quen với tình hình xâm nhập mặn nên hầu hết mọi người đều có giải pháp chủ động phòng tránh, nhất là khi được chính quyền địa phương thông báo có độ mặn cao. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục cập nhật sát tình hình thời tiết và thường xuyên đo độ mặn để kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó nhằm hạn chế ảnh hưởng cho người dân, nhất là gần 6.000ha lúa Hè thu trên địa bàn huyện đã gieo sạ và sẽ còn tiếp tục xuống giống trong thời gian tới.

Nếu như tình hình xâm nhập mặn tại Hậu Giang chưa đáng ngại và còn trong tầm kiểm soát thì một số tỉnh, thành khác ở vùng ĐBSCL lại gặp khó về vấn đề này. Điển hình tại Kiên Giang, khoảng cuối tháng 2 vừa qua, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến khu vực phía Bắc kênh Rạch Giá - Hà Tiên từ cửa Đông Hồ nên dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nước ngọt cho một số diện tích cây trồng thuộc 2 huyện Kiên Lương và Giang Thành. Thế nhưng, hiện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã khắc phục được tình hình và có nước ngọt cho người dân.

Theo Tổng cục Thủy lợi, từ đầu năm 2018 đến nay, phạm vi ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính ở khu vực ĐBSCL, như: Vàm Cỏ, Cửu Long, Hàm Luông, sông Hậu, vùng ven Biển Tây… có chiều sâu xâm nhập từ 32-52km, thấp hơn từ 1-24km so với trung bình nhiều năm. Nhận định từ giữa tháng 4 đến nửa đầu tháng 5 tới đây, tình hình xâm nhập mặn có khả năng biến động lớn. Cụ thể, vùng cách biển từ 40-50km, mặn với nồng độ 4‰ sẽ xuất hiện thường xuyên, riêng các ngày triều cường cao, mặn có thể vượt trên 4‰; vùng ven Biển Tây, khả năng nguồn nước ngọt sẽ hạn chế, xâm nhập mặn biến động bất thường, nếu mưa muộn thì nước mặn sẽ xâm nhập sâu; vùng Long Phú - Tiếp Nhật (Sóc Trăng), sẽ có ảnh hưởng nước mặn cao; vùng giáp ranh Sóc Trăng - Bạc Liêu, xâm nhập mặn phụ thuộc nhiều vào chế độ vận hành các cống ngọt hóa ven Quốc lộ 1 từ Bạc Liêu đi Cà Mau; vùng cách biển từ 50-65km trở lên, trong thời gian tới tuy ít gặp xâm nhập mặn với 4‰, nhưng các đợt triều cường dâng cao, mặn vẫn đạt 4‰ và làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, Tổng cục Thủy lợi đề nghị các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo xâm nhập mặn. Tăng cường phổ biến rộng rãi qua phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động ứng phó nhằm giảm thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Tranh thủ lúc thủy triều dâng, bà con bơm nước vào đồng nhưng độ mặn phải ở ngưỡng cho phép; đồng thời các địa phương xác định thời điểm xuống giống lúa Hè thu phù hợp với tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn nhằm đạt hiệu quả mùa vụ tốt nhất…

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống hơn 43.000ha lúa Hè thu (kế hoạch 76.800ha), tập trung nhiều ở huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh. Hiện các trà lúa trong giai đoạn mạ đến làm đòng và phát triển tốt, trong đó diện tích lúa ở giai đoạn mạ chiếm nhiều nhất, với gần 30.000ha.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>