Sản xuất theo mô hình chuỗi: Nông dân còn trăn trở

20/03/2018 | 07:27 GMT+7

Sau thời gian thí điểm mô hình trồng rau theo hướng chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp hỗ trợ nông dân canh tác. Nhưng đến nay vấn đề đầu ra cho chuỗi rau vẫn là bài toán khó !

Thời gian qua, ngành chuyên môn đã tranh thủ kinh phí để hỗ trợ tem, nhãn, phân hữu cơ vi sinh, giống, mở các lớp tập huấn cho nông dân trong chuỗi.

Thăm hỏi các hộ dân đang tham gia mô hình trồng rau theo quy trình chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm, hầu hết bà con đều cho rằng hiện chưa có nguồn tiêu thụ tương xứng. Sản phẩm làm ra vẫn còn bán ở các chợ trên địa bàn như trước. Đương nhiên, giá cả không chênh lệch so với thị trường. Như vậy, tại sao bà con vẫn kiên trì gắn bó với sản xuất quy trình chuỗi?

Trả lời câu hỏi này, nông dân Dương Văn Mách, ở phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chuyện trồng rau theo hướng chuỗi an toàn thực phẩm tốn công hơn canh tác rau thông thường rất nhiều. Nhưng vì uy tín và tâm huyết hướng tới việc cố gắng xây dựng thương hiệu nên tôi kiên trì. Nông dân trong chuỗi chúng tôi đề xuất ngành nông nghiệp và tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí, khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó, những hộ bên ngoài thấy được sẽ chấp nhận ưu điểm của lối canh tác này rồi thay đổi theo. Có như vậy, mô hình sẽ càng phát triển về quy mô cũng như tạo được sức lan tỏa”.

Ngành chức năng thông tin, thí điểm mô hình sản xuất rau màu theo chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm có diện tích khoảng 5.000m2. Đến nay đã tranh thủ kinh phí để hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, dụng cụ đựng rau, tem, nhãn, giống, mở các lớp tập huấn cho bà con nông dân, hỗ trợ lưới che chắn bên trên..., có một điểm thu mua, cung ứng sản phẩm cho thị trường tiêu thụ. Để xúc tiến đầu ra, ngành nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực liên kết, giới thiệu với các doanh nghiệp về chuỗi rau. Đồng thời, do yêu cầu của một số đơn đặt hàng nên ngành nông nghiệp đang hướng tới xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho chuỗi. Từ nay đến năm 2020, ngành chuyên môn sẽ định hướng cho người dân về việc nâng chuỗi rau sản xuất theo hướng an toàn lên tiêu chuẩn VietGAP và mở rộng diện tích sản xuất. Nhưng hiện cái khó vẫn là kinh phí thực hiện.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho biết: Nguồn kinh phí khuyến nông được giao hàng năm rất ít nên ngành vẫn chưa thể thực hiện nhiều hộ. Hiện nay, khó khăn nhất vẫn là kinh phí và việc tái chứng nhận. Chúng tôi cũng đã lập dự án xây dựng tiêu chuẩn VietGAP trên rau theo mô hình chuỗi trên địa bàn thành phố Vị Thanh, nhưng do kinh phí quá cao nên đã có buổi làm việc với công ty để nghiên cứu lại nhằm tiết giảm kinh phí thực hiện. Dự kiến, trước mắt sẽ chọn khoảng 3 hộ trong chuỗi để thí điểm xây dựng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang mới đây, đại diện Công ty TNHH Công nghệ NhoNho cho rằng hiện việc sản xuất trong chuỗi còn manh mún, không tập trung. Trước mắt cần tiếp tục đầu tư khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân canh tác rau màu theo chuỗi kiểm soát và cần thêm một đơn vị kết nối vận chuyển tiêu thụ…

Vào cuối tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đã đi thực tế tham quan mô hình trồng rau màu theo chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm ở thành phố Vị Thanh. Qua thăm hỏi tình hình sản xuất, tiêu thụ, tìm hiểu nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc hiện nay của nông dân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng khi vận động nông dân tham gia sản xuất theo hướng chuỗi phải kết hợp đảm bảo đầu ra. Từ đó tạo được sức lan tỏa, hộ sản xuất theo chuỗi an tâm về đầu ra, tập trung canh tác theo quy trình để tạo ra sản phẩm đảm bảo uy tín, chất lượng. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành công thương tính toán tìm hướng liên kết với các siêu thị trên địa bàn. Bên cạnh đó thành phố Vị Thanh chọn lựa một vị trí để chuẩn bị trước, còn ngành nông nghiệp tiếp tục liên hệ với các đơn vị đã có thương hiệu tạo điều kiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm chuỗi.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>