Sức sống vùng hạn, mặn

12/05/2020 | 17:38 GMT+7

Với mục tiêu đưa nền sản xuất nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng đến yếu tố “thuận thiên” theo tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương, người dân nơi đây tích cực thực hiện nhiều mô hình cho hiệu quả thiết thực.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Hậu Giang và vùng ĐBSCL gặp khó về thị trường tiêu thụ và giá bán giảm.

Bài 1: Khó khăn kép

Mùa khô năm 2020 đánh dấu nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân Hậu Giang nói riêng và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói chung khi đối mặt với khó khăn kép về hạn, mặn và dịch Covid-19, từ đó gây ra không ít hệ lụy.

Hạn, mặn gay gắt

Nếu như mùa khô năm 2016 được đánh dấu là năm xảy ra tình hình xâm nhập mặn gay gắt nhất lịch sử trong vòng 100 năm qua, trong đó nồng độ mặn cao nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 19,7‰. Thì đến mùa khô năm 2020, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục trở nên gay gắt, với độ mặn thường xuyên ở mức từ 12‰ đến hơn 20‰ xuất hiện trên nhiều tuyến kênh nội đồng nằm cách xa cửa biển hơn 60km.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay: Trên khu vực sông Mekong, mùa khô năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, trong đó lưu lượng nước về các tỉnh, thành vùng ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn kỷ lục là 2016. Điển hình, mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến nay tại trạm Kratie (thuộc Campuchia) chỉ đạt 6,67m, thấp hơn 1,43m so với TBNN, thấp hơn 0,5m so với năm 2016. Lượng nước trên khu vực sông Mekong giảm là nguyên nhân chính gây ra tình hình xâm nhập mặn sớm hơn cùng kỳ gần một tháng và hạn hán gay gắt xảy ra tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL như thời gian qua; đồng thời dự báo còn tiếp tục kéo dài thêm một thời gian tới.

Cụ thể tại tỉnh Hậu Giang, độ mặn thường xuyên tăng nhanh đột biến ở mức cao từ tháng 12-2019 và kéo dài đến nay. Trong đó, đáng chú ý là nước mặn theo triều Biển Tây xâm nhập và gây những ảnh hưởng trong sản xuất nông nghiệp, cũng như đời sống người dân ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, với độ mặn đỉnh điểm vào thời điểm tháng 2 và tháng 3 vừa qua là 18,3-18,6‰, bình quân độ mặn ở mức khoảng 9-10‰. Và hiện nay, dù đã giữa tháng 5, nhưng độ mặn ở một số nơi trong tỉnh cũng gần 10‰. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, thông tin: Trong mùa khô năm nay, trên địa bàn huyện xảy ra sự cố vỡ 4 đập cải tiến làm cho nước mặn có nồng độ từ 2-4‰ xâm nhập vào hơn 800ha lúa Đông xuân của người dân tại thị trấn Vĩnh Viễn, xã Vĩnh Viễn A, xã Lương Tâm và xã Lương Nghĩa. Sau khi xảy ra sự cố, cùng với việc tích cực khắc phục thì ngành chức năng huyện Long Mỹ đã khuyến cáo người dân thực hiện nhiều giải pháp để đưa nước mặn trong ruộng ra ngoài nên mức độ thiệt hại không lớn.

Giống như tỉnh Hậu Giang, theo báo cáo của ngành nông nghiệp một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL thì tình hình xâm nhập mặn từ đầu năm đến nay cũng ảnh hưởng lớn diện tích trồng lúa của bà con. Điển hình, tại tỉnh Sóc Trăng có hơn 1.000ha lúa bị giảm năng suất do nước mặn, còn tỉnh Kiên Giang thì diện tích này tăng lên 1.598ha… Ngoài ảnh hưởng đến năng suất lúa thì do mùa khô năm nay kéo dài, kết hợp với nắng nóng và xâm nhập mặn gay gắt như thời gian qua nên qua thống kê sơ bộ của Bộ NN&PTNT toàn vùng ĐBSCL có nhiều diện tích cây ăn trái, rau màu và khoảng 95.600 hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt trong thời điểm xảy ra hạn, mặn từ đầu năm đến nay. Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Ngoài diện tích lúa bị giảm năng suất do ảnh hưởng mặn thì toàn tỉnh còn có khoảng 6.000ha lúa, 4.000ha cây ăn trái và 23.000ha rau màu bị thiếu nước ngọt trong sản xuất, từ đó ít nhiều cũng gây thiệt hại cho nông dân.  

Còn tại tỉnh Hậu Giang, tuy cách xa biển nhưng do hạn, mặn năm nay gay gắt nên qua khảo sát ở hai vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nặng của tỉnh là thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ thì có khoảng 229 hộ dân nằm trong diện thiếu nước ngọt trong sinh hoạt. Tuy nhiên, ngành chức năng tỉnh đã vận động mạnh thường quân và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho từng đối tượng, nhất là hỗ trợ thùng nhựa chứa nước ngọt để phục vụ lâu dài.

Hệ lụy từ dịch Covid-19

Ngoài khó khăn về tình hình hạn, mặn thì từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 cũng có nhiều tác động đến thị trường tiêu thụ và làm giảm giá bán của không ít mặt hàng nông sản chủ lực tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, từ đó tạo ra sự lo lắng cho nhà nông. Tại Hậu Giang, một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng lớn về thị trường đầu ra và giá bán giảm là khóm Cầu Đúc. Ông Vu Suổi, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thạnh Thắng, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 thì thị trường tiêu thụ và giá bán của trái khóm Cầu Đúc bị giảm hẳn, nhất là trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh từ tháng 3 đến cuối tháng 4 vừa qua. Cụ thể, trong tháng 3 mới đây, nếu như theo thông lệ hàng năm thì mỗi tuần HTX phải thu gom khóm từ bà con xã viên và nông dân bên ngoài để giao cho công ty theo đơn đặt hàng là 12-15 tấn khóm, nhưng khi có dịch bệnh thì sản lượng chỉ còn 4-4,5 tấn khóm/tuần. Do tiêu thụ chậm nên giá khóm cũng giảm phân nửa so với cùng kỳ. Những ngày đầu tháng 5 này, giá khóm tuy có hơi khởi sắc nhưng vẫn còn bấp bênh.

Còn nhà vườn trồng mít Thái siêu sớm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhất là tại huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy cũng đối mặt với tình cảnh giá bán giảm và khó tiêu thụ. Cụ thể, có thời điểm giá mít Thái từ 25.000-30.000 đồng/kg đột ngột giảm xuống còn 4.000-5.000 đồng/kg, nhiều xe container chở mít đi xuất khẩu sang Trung Quốc phải chở hàng trở về vì không qua được cửa khẩu. Hiện tại, dù giá mít được tăng lên nhưng vẫn thấp và thương lái cũng e ngại trong việc thu mua vì thị trường biến động khó lường trước tình hình dịch Covid-19. Tương tự, dù dưa hấu là mặt hàng ưa chuộng và có sức tiêu thụ mạnh trong những tháng mùa khô như hiện nay nhưng vẫn bị rớt giá còn 3.000-3.500 đồng/kg kể từ đầu tháng 4 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Còn giá xoài Đài Loan được mua tại vườn chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc có thời điểm giá bán lẻ dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, riêng thương lái thu mua tại vườn chỉ khoảng 17.000-18.000 đồng/kg.

Bà Võ Thị Thanh, một hộ dân bán xoài cặp tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ), thuộc ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Khoảng hơn 10 ngày nay, tuy tình hình buôn bán được khá hơn nhưng bình quân mỗi ngày tôi chỉ bán được khoảng mười ký xoài, giảm nhiều lần so với thời điểm không có dịch Covid-19. Mong sau tình hình sớm trở lại bình thường để việc buôn bán được suôn sẻ hơn”.

Ngoài một số mặt hàng nông sản thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại tỉnh Sóc Trăng cũng gặp khó khăn trong việc tìm đối tác để xuất khẩu tôm trong thời gian qua. Từ sự việc trên đã kéo theo giá thu mua tôm tại hộ dân giảm theo và tiến độ thu mua cũng chậm. Do đó, hiện có không ít nông dân sống bằng nghề nuôi tôm ở Sóc Trăng chưa vội thả con giống sau khi đã bán tôm xong.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Ngoài tỉnh Hậu Giang thì một số tỉnh, thành khác tại vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre hay Long An cũng có không ít mặt hàng nông sản chủ lực là thanh long, chôm chôm, cam, vải, nhãn… cũng gặp khó trong việc tìm thị trường đầu ra do nhiều nước hạn chế nhập khẩu nhằm phòng, chống dịch Covid-19, từ đó dẫn đến giá bán giảm.

Cũng theo ông Tuấn, dù từ đầu năm đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phải chịu khó khăn khép về hạn, mặn gay gắt và dịch Covid-19 đã có những tác động đến một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, với sự chủ động và kịp thời thực hiện các giải pháp theo tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là làm nông tại vùng ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”, do đó dù có khó khăn nhưng bằng sự linh động trong chỉ đạo sản xuất nên sức sống của người dân vùng hạn, mặn vẫn được thể hiện khi nhiều cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao khi thu hoạch…

Qua thống kê của Bộ NN&PTNT từ đầu năm đến nay thì một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL có số hộ dân bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt là Sóc Trăng (24.400 hộ), Cà Mau (20.100 hộ), Bến Tre (20.000 hộ), Kiên Giang (11.300 hộ), Long An (7.900 hộ), Bạc Liêu (3.300 hộ),…

 

Bài, ảnh: H.THU - H.PHƯỚC

 

Bài 2: Linh động ứng phó hạn, mặn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>