Sức sống vùng hạn, mặn

14/05/2020 | 17:48 GMT+7

Bài 3: Sản xuất nông nghiệp bền vững

Nhằm tạo sự bền vững trước biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt và khó lường, nông dân ĐBSCL đã và đang hình thành những mô hình nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên (bìa trái) tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của nông dân tại huyện Châu Thành.

Hiệu quả từ chuyển đổi sản xuất

Huyện Long Mỹ là một địa phương thuộc vùng sâu của tỉnh Hậu Giang, nơi đây còn là vùng đất bị nhiễm phèn và chịu ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm từ triều Biển Tây xâm nhập vào, nhất là những năm gần đây ngày càng diễn ra khốc liệt. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp, cộng với sự quyết tâm thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu, trên địa bàn huyện Long Mỹ đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao.

Tại xã Thuận Hòa, sau thời gian ngắn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả do đất bị nhiễm mặn và phèn nhiều năm làm bạc màu sang trồng cây mãng cầu xiêm tháp gốc bình bát mà hiện nay vùng đất nơi đây đang được ví như một tiểu vương quốc mãng cầu xiêm của tỉnh. Từ những vườn mãng cầu xiêm xanh mướt bạt ngàn ở phía sau những ngôi nhà tường san sát, hàng năm cây trồng này đều cho nhà vườn nơi đây nguồn thu nhập tiền trăm triệu đồng/hộ.

Dẫn chúng tôi tham quan một số vườn mãng cầu xiêm của bà con xã viên, ông Trần Phú Quốc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mãng cầu xiêm Thuận Hòa, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, thông tin: “Gốc bình bát chịu phèn, mặn rất tốt nên từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất mà nhiều năm qua nông dân từ một vùng đất chịu nhiều khó khăn ngày nào thì nay đã dần thay đổi cuộc sống do nguồn thu nhập từ trái mãng cầu xiêm khá hấp dẫn. Theo đó, với năng suất bình quân đạt 46 tấn/ha, giá bán được công ty hợp đồng bao tiêu là 9.000 đồng/kg (loại I), sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng mãng cầu xiêm ở Thuận Hòa có được nguồn lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 10 lần so với trồng lúa”. Hiện HTX có tổng diện tích đất trồng mãng cầu xiêm là 67ha, với 56 thành viên. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” cho HTX. Nhờ vậy, thị trường đầu ra của mãng cầu ở HTX nói riêng và trên địa bàn xã Thuận Hòa nói chung ngày càng phát triển tốt hơn khi tạo lòng tin cho khách hàng.

Cũng là vùng đất bị nhiễm phèn và xâm nhập mặn nhưng lại khốc liệt hơn do gần với Biển Tây xâm nhập vào theo sông cái Ngan Dừa, do đó nhiều nông dân sống ngoài tuyến đê bao khép kín thuộc ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đã tận dụng nguồn nước mặn trong những tháng mùa khô để nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Nhiều nông dân nuôi tôm nơi đây cho biết, sau ba tháng thả nuôi, tôm sú có thể cho năng suất khoảng 400kg/ha. Với giá bán hiện nay là 200.000-220.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí đầu tư (khoảng 20 triệu đồng/ha), người nuôi còn kiếm được nguồn lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả kinh tế mang lại nên số lượng hộ nuôi tôm tăng dần. Đến nay, toàn xã Lương Nghĩa có 82 hộ thả nuôi với diện tích gần 100ha.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Mô hình tôm - lúa tại xã Lương Nghĩa cũng là một trong những mô hình sản xuất thích ứng BĐKH của huyện mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, Sở NN&PTNT Hậu Giang cũng đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng và phát triển mô hình tôm - lúa luân canh ở vùng đất phèn nhiễm mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ” nhằm khai thác triệt để vùng đất viên lang bãi bồi nằm ngoài bờ bao ở các xã như Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn A… với tổng diện tích khoảng 2.000ha.

Giống như Hậu Giang, hiện các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhằm thích ứng với BĐKH và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Chẳng hạn, trong năm 2019 vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện việc chuyển đổi hơn 4.000ha từ những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang mô hình kinh tế mới cho nguồn thu nhập hấp dẫn hơn. Trong đó, chỉ tính riêng việc chuyển đổi từ đất trồng mía kém hiệu quả sang nuôi tôm là gần 2.900ha. Còn kế hoạch trong năm 2020 này, Sóc Trăng tiếp tục chuyển đổi khoảng 9.600ha, trong đó chuyển sang trồng cây hàng năm là 1.130ha, nuôi trồng thủy sản là gần 8.000ha. 

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đang được nhiều nông dân tại vùng xâm nhập mặn huyện Long Mỹ nghiên cứu nhân rộng.

Hướng đến sản xuất công nghệ cao

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì ngành chức năng tỉnh Hậu Giang còn đang xây dựng và khuyến cáo nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là mô hình canh tác theo hướng công nghệ cao để thích ứng với BĐKH một cách hiệu quả nhất. Theo đó, một trong những mô hình thí điểm đang mang lại nhiều kỳ vọng cho nông dân là việc trồng dưa lưới trong nhà kính kết hợp với công nghệ tưới nước nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới tại các vùng sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt như hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho hay: “Với việc gắn thiết bị tưới nước nhỏ giọt thì mỗi ngày 1.000m2 dưa lưới  tại HTX chỉ tiêu thụ từ 40-60 lít nước (cách một giờ tưới một lần, mỗi lần tưới từ 1-2 phút). Trong điều kiện bà con nơi đây phải thường xuyên đối mặt với tình hình xâm nhập mặn và hạn hán vào mùa khô nên tình trạng thiếu nguồn nước ngọt để tưới tiêu cũng thường gặp phải. Do đó, với việc chỉ tốn nguồn nước ít ỏi trong quá trình sản xuất như trên nên bước đầu bà con rất tâm đắc với cách làm này. Ngoài tiết kiệm nước, mô hình còn hạn chế sử dụng thuốc hóa học, phân bón vì được trồng trong nhà kính, từ đó tạo ra sản phẩm sạch và an toàn.

Hiện mô hình thích ứng với BĐKH bằng công nghệ cao như trên không chỉ xuất hiện ở xã Lương Tâm mà còn được một số nông dân của huyện Long Mỹ nói riêng, trong tỉnh Hậu Giang nói chung đang áp dụng khá nhiều và đều mang lại hiệu quả tương tự. Theo đó, qua khảo sát sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh đã triển khai hơn 5 điểm, tập trung ở huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành.

Cùng với mô hình trên, hiện có nhiều nông dân tỉnh Hậu Giang còn áp dụng mô hình tưới nước phun sương tự động cho vườn cây ăn trái nhằm tiết kiệm nguồn nước ngọt. Vừa được hỗ trợ 50% chi phí để đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 1ha bưởi da xanh gần 3 năm tuổi của gia đình, ông Đặng Văn Út, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Nhờ có mô hình này mà đợt xâm nhập mặn năm nay gia đình tôi đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho vườn bưởi đến thời điểm này. Ngoài ra, khi áp dụng mô hình còn giúp nông dân giảm công lao động và tiết kiệm được chi phí. Bởi, khi còn tưới nước thủ công bằng vòi phun từ chiếc máy Honda có gắn mô-tơ bơm thì với 1ha vườn bưởi, tôi thường mất khoảng một buổi mới tưới nước xong và tốn từ 2-3 lít xăng (tương đương 20.000-30.000 đồng). Nhưng khi chuyển sang mô hình tưới nước tiết kiệm, tôi chỉ cần bật cầu dao điện là vận hành và tưới trong vòng 15 phút là đủ lượng nước cho cây trồng, đồng thời tốn khoảng 1-2kWh điện (chưa đến 4.000 đồng). Với tình hình thời tiết bây giờ là ngày càng nắng nóng gay gắt, nước mặn lấn sâu thì mô hình tôi đang áp dụng là rất cần thiết”.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện Hậu Giang đang xây dựng Đề án “Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong đó, tỉnh xác định sẽ tiếp tục phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ 4.0. Ngoài ra, cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển có chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, một số loại cây ăn trái có thế mạnh, phù hợp với thị trường. Mặt khác, tỉnh cũng phát huy tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên để trồng các loại cây ăn trái như: khóm, cam, quýt, chanh không hạt, bưởi, xoài, mãng cầu xiêm, mít... Đặc biệt, việc khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao phải gắn với thị trường tiêu thụ và chuỗi liên kết.

Đồng tình với quan điểm của tỉnh Hậu Giang về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay: Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với BĐKH đang là nhu cầu tất yếu hiện nay. Do đó, Bộ NN&PTNT đang tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất rau quả an toàn, áp dụng công nghệ cao và thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trước mắt, mỗi địa phương chỉ tập trung vào 1-2 loại cây chủ lực và ưu tiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sau đó làm cơ sở đánh giá để tổ chức nhân rộng. Để mô hình nông nghiệp bền vững phát huy hiệu quả thì những công trình và phi công trình ứng phó với BĐKH cũng cần triển khai có hiệu quả, đặc biệt là vấn đề quy hoạch và lựa chọn cây trồng phù hợp theo từng vùng phải có định hướng lâu dài để đảm bảo đầu ra sự ổn định, hạn chế rơi vào tình cảnh khó khăn về thị trường như những tháng đầu năm nay mà nhiều mặt hàng nông sản gặp phải…

Qua thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng trong vụ lúa Đông xuân 2019-2020 vừa qua, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa của toàn vùng ĐBSCL là khoảng 41.230ha. Trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm là 32.648ha, cây ăn trái là 8.922ha và nuôi trồng thủy sản là 719ha. Hiện tại, một số loại cây ăn trái được nông dân vùng ĐBSCL ưu tiên chọn trồng do có hiệu quả kinh tế cao là cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng…   

 

Bài, ảnh: H.THU - H.PHƯỚC

Bài 4: Định hướng mới cho vùng hạn, mặn 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>