Tạo đà xây dựng huyện nông thôn mới

28/10/2020 | 07:23 GMT+7

Giai đoạn 2020-2025, Châu Thành quyết tâm xây dựng thành công huyện nông thôn mới, phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Những bước tạo đà cho chỉ tiêu trên đã và đang được thực hiện.

Những căn nhà mới khang trang ngày càng nhiều ở huyện Châu Thành.

Khởi sắc từ xã nông thôn mới đầu tiên

Cách đây 5 năm, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành về đích xã nông thôn mới với sự vui mừng, phấn khởi của nhiều người. Trở lại Đông Thạnh hôm nay, địa phương vẫn đang nỗ lực nâng chất xã nông thôn mới, không chỉ giữ vững danh hiệu, còn hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đời sống người dân có sự thay đổi rõ nét, từng con đường, ngôi nhà như khoác lên mình một diện mạo mới. Hiện nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, còn lại tiêu chí hộ nghèo, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, nước sạch… Ông Lê Vĩnh Bảo, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho biết: Theo lộ trình, đến năm 2023 xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao. Xã còn 75 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 2% và con số này sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Xã tiếp tục nâng cấp, nâng chất hệ thống điện, đường, trường, trạm; nâng chất hệ thống thiết chế văn hóa, tạo thêm, nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao; cải thiện cảnh quan môi trường sống cho người dân để hoàn thiện các chỉ tiêu…

Có được điều này là nhờ địa phương luôn luôn duy trì và nâng cao 19/19 tiêu chí, xem công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cũng như cán bộ, đảng viên là điểm nhấn tạo kết quả. Đồng thời, chỉ đạo các ấp lựa chọn các tiêu chí để ưu tiên thực hiện; hướng dẫn triển khai lồng ghép các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đã lồng ghép các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; huy động người dân tự đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang nhà cửa, các công trình, nước sạch, sửa chữa cầu, cống, thu gom rác thải, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả cao, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập...

Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Bà Lê Thị Cước, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Thới, là một trường hợp tiêu biểu như vậy. Hàng năm bà vận động hàng trăm triệu đồng để giặm vá các tuyến lộ, sửa chữa nhà cho những gia đình khó khăn. Không những vậy, bà còn cùng bà con trong ấp thường xuyên bảo dưỡng nâng cấp tuyến đường đẹp trên địa bàn, trồng hoa làm đẹp môi trường sống. Bà Cước chia sẻ: “Là một người dân, tôi vui và hạnh phúc khi thấy quê hương đổi thay, điện, đường, trường, trạm được kiện toàn. Là cán bộ ấp, tôi càng thấy trách nhiệm mình phải làm cho quê mình càng đẹp, những việc tôi làm cũng vì mục tiêu góp sức xây dựng và nâng chất xã nông thôn mới, hướng đến xã nông thôn mới nâng cao” …

Phấn đấu xây dựng thành công huyện nông thôn mới

Đến thời điểm này Châu Thành có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới: Đông Thạnh, Đông Phước A và Đông Phú, 3 xã còn lại đạt từ 13 tiêu chí trở lên, như xã Đông Phước, Phú Hữu, Tân Phú… Theo đó, nghị quyết về xây dựng huyện nông thôn mới được huyện Châu Thành triển khai đồng bộ và có lộ trình cụ thể với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng người dân tham gia: Năm 2021 xây dựng xã Đông Phước, Phú Hữu và năm 2022 xây dựng xã Phú Tân đạt chuẩn nông thôn mới. Bắt đầu từ năm 2023, tập trung thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, đồng thời xây dựng xã Đông Thạnh và Đông Phước A đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Để hoàn thành mục tiêu trên, những giải pháp đã được xây dựng chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, có sự vào cuộc của các ngành, các cấp có liên quan. Trong đó, việc đầu tiên thực hiện là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đầu tư, lồng ghép với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Lãnh đạo huyện cho biết cũng sẽ chú trọng thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để hình thành và phát triển mô hình kinh tế hợp tác, trang trại, phát triển các loại hình kinh tế ở nông thôn mà người dân có điều kiện tham gia như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, phát triển các loại hình du lịch là thế mạnh của huyện như du lịch sinh thái gắn với tham quan di tích lịch sử, mô hình nông nghiệp… Cùng với đó, quan tâm đào tạo lao động nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất và các hình thức sản xuất có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Ông Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, nhấn mạnh: “Mỗi địa phương căn cứ vào đặc điểm, thế mạnh, nhu cầu bức thiết của Nhân dân, phát huy dân chủ rộng rãi để có cách làm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng xã, tránh rập khuôn, máy móc. Khai thác tối đa nguồn vốn từ xã hội hóa, tranh thủ từng nguồn hỗ trợ hàng năm từ tỉnh, Trung ương, không chỉ giữ vững mà còn nâng chất các danh hiệu đã đạt trong xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới. Tất cả đều cùng mục tiêu đưa Châu Thành trở thành huyện nông thôn mới tiếp theo của Hậu Giang”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>