Tạo “sức bật” cho chuỗi rau an toàn

17/08/2017 | 07:40 GMT+7

Sau khi 2 mắt xích “sản xuất - tiêu thụ” được gắn kết thì việc tìm đầu ra cho chuỗi rau an toàn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có bước tiến mới.

Nông dân trong chuỗi đang dần thay đổi tập quán canh tác, sản xuất theo quy trình để tạo ra sản phẩm an toàn.

Sau hơn 1 tháng tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn, cửa hàng thực phẩm Phúc Lộc đang xúc tiến tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong chuỗi. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, đây là một mắt xích có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa sản xuất hàng hóa với tiêu thụ. Hiện nay, bên cạnh việc cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng, đơn vị này đang dần “giải mã” bài toán đầu ra cho sản phẩm trong chuỗi.

Để sớm hiện thực hóa bước đi đầu tiên này, chủ cửa hàng Phúc Lộc đã phối hợp với 10 điểm trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Vị Thanh tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ, nhằm hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm chuỗi vào phục vụ trong bếp ăn tập thể của các trường vào đầu năm học mới 2017-2018 này. Mặt khác, đơn vị phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh khảo sát lại sản xuất của toàn bộ 12 hộ dân trong chuỗi để có nhận xét, đánh giá cụ thể. Đồng thời, cùng với ngành nông nghiệp tỉnh từng bước tổ chức sản xuất một cách khoa học đối với những nông hộ tham gia. Trên cơ sở đó, làm phong phú thêm sản phẩm chuỗi thay vì chỉ 18 mặt hàng rau, củ, quả như hiện nay.

Với diện tích 2.000m2, nông dân Mai Văn Tửng, ở khu vực 2, phường III, thành phố Vị Thanh chuyên canh mướp, còn phía dưới mương ông Tửng tận dụng trồng cù nèo. Chưa dừng lại ở đó, ông dự định sẽ tận dụng triệt để phần đất bên dưới giàn mướp để kiếm thêm thu nhập. “Nếu được hỗ trợ kinh phí sớm, tôi thay nọc tre bằng cọc bê tông để giàn mướp cứng cáp hơn, sử dụng bề bỉ hơn. Ngành nông nghiệp cũng góp ý phần bóng râm phía dưới rất thích hợp trồng thêm ngò gai; còn ao cù nèo thì tôi nghiên cứu thả nuôi thêm các loại cá đồng để có thêm nguồn thu”, ông Tửng tâm sự.

Ông Huỳnh Hữu Phúc, đại diện cửa hàng thực phẩm Phúc Lộc tham gia tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi rau an toàn, nhận định: “Có thể thấy nhu cầu thị trường và khách hàng về thực phẩm sạch rất lớn và đa dạng. Theo tôi, trong chuỗi rau, cần bổ sung thêm các mặt hàng đang hiếm nguồn cung ở khu vực miền Tây, như: xà lách xoăn, xà lách tím… Về khâu sản xuất, do tập tính canh tác, nông dân thích gì thì trồng nấy nên vô hình trung sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa chính các nông dân trong chuỗi trên cùng một mặt hàng. Điều này, cần sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp tỉnh trong sắp xếp lại sản xuất, giúp chuỗi rau ngày càng phát triển hơn về quy mô và đa dạng sản phẩm”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, hiện nhu cầu về thực phẩm an toàn rất cao. Do vậy, Sở đang xúc tiến rà soát, trước mắt tập trung tổ chức sản xuất lại chuỗi rau đạt chuẩn an toàn. Bên cạnh Kế hoạch 67 của UBND tỉnh Hậu Giang về xây dựng thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2017, dự kiến ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục xây dựng thêm kế hoạch thứ 2. Trong đó, sử dụng thêm nguồn kinh phí khuyến nông để tiếp tục hỗ trợ cho nông dân, nhất là về nhà lưới, các dụng cụ hỗ trợ sản xuất khác… đặc biệt là chuẩn hóa hồ sơ ghi chép để chứng minh sản phẩm an toàn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, thực tế quá trình tiếp cận của nông dân với quy trình chuỗi còn hạn chế nên khi áp dụng khoa học kỹ thuật hay các quy chuẩn cao hơn thì bà con chưa tiếp thu kịp. Chẳng hạn, khi hỏi về việc ghi chép quy trình sản xuất thì nhiều người còn bỡ ngỡ và ngán ngại. Ngoài ra, trong sản xuất của nông dân còn rất nhiều vấn đề cập rập. Nhất là về kỹ thuật, bà con chưa nắm vững và hiểu sâu. Ví dụ như các loại túi bao trái hiện đã phổ biến nhưng nhiều nông dân vẫn chưa biết đến. “Vì thế, bước đầu chúng tôi sẽ tăng cường cầm tay chỉ việc cho người dân. Cụ thể, giao cho cán bộ khuyến nông và bảo vệ thực vật ở xã, phường trực tiếp xuống và cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân trong giai đoạn đầu. Hy vọng với những nỗ lực này thì sau một thời gian ngắn chúng ta sẽ có được bước khởi đầu thuận lợi. Từng bước giúp nông dân tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật để bà con tạo ra được những sản phẩm rau, củ, quả an toàn nhất phục vụ cho người tiêu dùng”, ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết.

Bên cạnh chuỗi sản xuất rau an toàn, trên địa bàn tỉnh còn nhiều đơn vị sản xuất nông sản an toàn với mô hình nhà lưới ở địa bàn huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy và có đầu ra ổn định, thậm chí cung ứng được cho các thị trường lớn. Tất cả những mô hình đang thí điểm và cả những điểm sản xuất hạn chế phân thuốc manh nha trong dân đang dần khẳng định việc Hậu Giang tiến đến một nền sản xuất nông sản sạch, an toàn sẽ không còn xa. Ngoài sự nỗ lực hết mình của nông dân, đây còn là sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc giúp người dân Hậu Giang tiêu dùng những thực phẩm sạch, an toàn. Cách làm này sẽ kiên quyết bài trừ hàng hóa kém chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện thí điểm 4 chuỗi sản xuất rau, quả và thủy sản an toàn. Cụ thể là chuỗi cá rô đồng tại Hợp tác xã nuôi cá rô đồng, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (năm 2013); chuỗi rau tại Tổ hợp tác Rau xanh Ổ Sấu, ở ấp 1, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, với diện tích 3ha (năm 2013-2014); chuỗi cá thát lát thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh với 27 hộ tham gia (năm 2016); chuỗi rau, quả an toàn trên địa bàn thành phố Vị Thanh với 12 hộ tham gia với diện tích khoảng 2ha (năm 2016) và năm 2017 đã bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định tiếp tục làm chuỗi rau, quả theo hướng an toàn thực phẩm từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

 

Bài, ảnh: THÚY HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>