Tập trung chuyển đổi cây trồng hiệu quả

18/03/2019 | 08:52 GMT+7

Gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, phát triển mạnh, kỳ vọng sẽ nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân xã Tân Thành đang đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng.

Theo UBND xã Tân Thành, phong trào chuyển đổi cây trồng phát triển mạnh khoảng 2 năm trở lại đây. Chủ yếu là từ cây cam, mía sang sầu riêng, mít và các loại cây trồng khác với kỳ vọng mang về giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của chính quyền địa phương, diện tích chuyển đổi từ cây cam sang các loại cây trồng khác khoảng 350ha. Trong đó, chuyển đổi từ cây cam sang mít là 19ha, chuyển từ cam sang sầu riêng 27ha, còn lại chuyển đổi sang cóc, vú sữa, bưởi, chôm chôm và một số loại cây khác...

Ông Huỳnh Văn Chành, ở ấp Sơn Phú 2, xã Tân Thành, cho biết: “Cây chôm chôm thích nghi tốt nhất ở Hậu Giang là vùng Châu Thành, Ngã Bảy. Tôi thấy giá trị kinh tế cây này mang lại khá ổn định, giá thấp nhất khoảng 10.000 đồng/kg, cao nhất cũng trên 20.000 đồng/kg. Trước kia, có giai đoạn tôi trồng cam, sau đó chuyển sang trồng chôm chôm. Đây cũng là loại cây chủ lực trong vườn. Ước tính 1ha chôm chôm thu về trên 300 triệu đồng”.

Ngoài ra, nhiều hộ chuyển đổi còn tiến hành trồng xen canh các loại cây trồng khác. Ông Huỳnh Hoàng Anh, ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, cho biết ông chuyển sang trồng mít xen cây sầu riêng đã 3 năm nay. Mít cho thu hoạch từ tháng 10 năm trước, giá bán khoảng 50.000 đồng/kg. Theo ông Hoàng Anh, mít hiện có giá cao, dễ trồng, thời gian sinh trưởng nhanh, mau thu hoạch.

“Khi chuyển đổi thì mình cũng lấy ngắn nuôi dài, mít cho thu hoạch trước, sầu riêng thì lâu năm hơn. Từ lúc trồng đến thu hoạch mít khoảng 18 tháng. Lúc mới chuyển đổi tôi quan tâm nhất là thị trường đầu ra, bây giờ thì tương đối ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua. Như hiện nay thì mít có giá, nhưng lo ngại là người ta trồng nhiều sẽ gây ra dư thừa, từ đó giá mít bị sụt giảm, nông dân thu nhập thấp xuống. Theo tôi, để giúp việc chuyển đổi duy trì được hiệu quả, thiết nghĩ cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, nguồn vốn, có thể thành lập hợp tác xã thu mua, cũng như giúp nông dân được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi. Mặt khác, chính quyền địa phương cần làm cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra”, ông Hoàng Anh cho biết thêm.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, thông tin: Đối với việc chuyển đổi, ngành chức năng có hỗ trợ kỹ thuật, cây giống đối với một số loại cây như bưởi da xanh, bạc hà. Riêng mít và sầu riêng chỉ hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có chính sách hỗ trợ vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Chúng tôi đang tranh thủ liên hệ với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đây cũng là tiêu chí nông thôn mới nâng cao mà xã đang tập trung. Hiện tiêu chí thu nhập của xã đạt trên 48 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên năm 2019 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao thì thu nhập phải tăng lên. Muốn được như vậy, ngoài việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thì phải trồng xen canh cây trồng khác để nâng cao đời sống, thu nhập của bà con. Tuy nhiên, ngoài diện tích vận động chuyển đổi thì hiện nay người dân tự phát chuyển đổi cũng khá nhiều. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con xem xét chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, tránh tình trạng cung vượt cầu. Về thị trường đầu ra xã đang hướng đến việc vận động doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Theo nội dung Kế hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi năm 2019, xã Tân Thành sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển nhóm cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa phương như: cây có múi, chôm chôm, sầu riêng, mít Thái… theo hướng liên kết tăng giá trị sản phẩm. Cụ thể, về cây ăn trái sẽ tập trung chuyển đổi 200ha cây trồng kém hiệu quả, diện tích cam sành già cỗi; 56ha mía không ổn định, manh mún sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây có múi, chôm chôm, sầu riêng và đây cũng là cây trồng chủ lực của xã, tập trung ở các ấp như: Đông Bình, Đông An 2, Đông An 2A và Sơn Phú 2. Bên cạnh đó, đối với cây mít hiện nay đang phát triển mạnh trong vùng, do đó xã khuyến cáo nông dân nên cân nhắc thật kỹ trước khi chuyển đổi sang trồng mít.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>