Tập trung phòng, trị dịch hại trên lúa Hè thu

10/05/2018 | 05:39 GMT+7

Trước tình hình dự báo dịch bệnh trên lúa Hè thu diễn biến phức tạp và có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới, nên ngành chức năng huyện Vị Thủy và bà con nông dân đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ cây lúa, đảm bảo đạt năng suất tốt khi thu hoạch.

Nông dân huyện Vị Thủy đang tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện và điều trị các loại dịch hại hiệu quả.

Một trong những dịch hại được quan tâm nhất vào thời điểm này là bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) đang xuất hiện sau nhiều năm vắng bóng và lây lan mạnh trên lúa Hè thu. Bởi qua thống kê mới đây của ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, hiện toàn huyện ghi nhận có hơn 200ha lúa Hè thu bị nhiễm bệnh VL-LXL, với tỷ lệ từ 3-10% và phân bố rải rác ở hầu hết các địa phương, trong đó diện tích nhiễm nhiều tập trung ở 3 xã, gồm: Vĩnh Thuận Tây, Vị Đông và Vị Bình; đặc biệt là xã Vĩnh Thuận Tây, với hơn 100ha.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Trước tình hình dịch hại VL-LXL đang có xu hướng phát triển mạnh trên các trà lúa Hè thu trong huyện, hiện ngành nông nghiệp huyện đã và đang mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng trị. Trước mắt là vận động bà con nhổ bỏ những cây lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL ra bên ngoài ruộng lúa nhằm tránh lây lan sang cây lúa khỏe. Do cây lúa còn nhỏ nên việc tỉa thưa như thế này không làm ảnh hưởng nhiều, vì lúa có khả năng phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình rầy nâu vào bẫy đèn để có giải pháp phòng bệnh kịp thời khi có mật số rầy đông. Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của bệnh VL-LXL thông qua các buổi tập huấn và trên Đài Truyền thanh huyện để mọi người dân biết mà chủ động phòng, trị hiệu quả.  

Đang rảo quanh thăm 9 công ruộng của gia đình được hơn 40 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Thành, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, thông tin: “Sau khi biết thông tin về tình hình dịch hại trong vụ lúa này diễn biến bất thường nên tôi và bà con nơi đây thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trị các loại dịch hại hiệu quả, đảm bảo đạt năng suất lúa tốt nhất khi thu hoạch. Hiện những cây lúa có biểu hiện lá đỏ, vàng, thân lùn và nghi là bị bệnh VL-LXL nên tôi cùng bà con đã nhổ bỏ lên bờ hết nhằm tránh lây lan sang cây lúa khỏe như ngành nông nghiệp khuyến cáo. 

Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, nguyên nhân bệnh VL-LXL đang gây hại trên nhiều diện tích lúa Hè thu của huyện là do bà con xuống giống không tuân thủ theo lịch thời vụ né rầy như khuyến cáo của ngành mà gieo sạ trước gần một tháng, vì nôn nóng sạ sớm để bán lúa được giá cao như vụ Đông xuân vừa qua. Sau khi gieo sạ được 5-6 ngày thì rầy nâu có mang mầm bệnh VL-LXL từ huyện Long Mỹ, Châu Thành A di trú về và truyền bệnh. Ngoài bệnh VL-LXL, việc gieo sạ ngay sau khi thu hoạch còn nguy cơ lúa bị ngộ độc hữu cơ trong lúc này khá nhiều. Qua thống kê, hiện toàn huyện có khoảng 380ha lúa bị ngộ độc hữu cơ, trong đó có 350ha bị nhiễm với tỷ lệ từ 5-10% và 30ha nhiễm từ 10-20%.

Ngoài hai đối tượng trên, hiện có hai loại dịch hại khác cũng đang phát triển mạnh do gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (nắng, mưa xen kẽ) là bệnh đạo ôn lá và bạc lá. Do đó, ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy cũng đề nghị cán bộ kỹ thuật các xã và bà con nông dân cần lưu ý quản lý tốt hai đối tượng dịch hại này. Đang phun thuốc phòng bệnh đạo ôn lá cho 6 công ruộng của gia đình, ông Nguyễn Văn Lục, ở ấp 12, xã Vị Trung, chia sẻ: “Thấy một vài chỗ trong ruộng lúa bị bệnh đạo ôn lá nên tôi tiến hành xịt thuốc để điều trị nhằm tránh lây lan sang diện rộng. Trước tình hình giá lúa ở mức cao như hiện nay nên hầu hết nông dân ai cũng đặc biệt quan tâm chăm sóc cho ruộng lúa của mình để cây lúa được phát triển tốt, nhưng dịch hại đang có dấu hiệu phát triển mạnh nên cũng đặt ra nhiều lo ngại”.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết thêm: Xác định tình hình dịch hại trong vụ lúa Hè thu diễn biến phức tạp hơn vụ lúa Đông xuân vừa qua nên từ đầu vụ đến nay, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tổ chức 70 lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất lúa, phòng trừ sâu bệnh và tới đây sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp tập huấn. Bên cạnh đó, từ thực tế dịch hại đang diễn ra trong vụ lúa này, đơn vị cũng không ngừng nhắc nhở bà con cần rút kinh nghiệm và nên tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành nông nghiệp để mỗi vụ sản xuất đều đạt thắng lợi như mong muốn, tránh tình trạng đầu tư không mang lại lợi nhuận.

Vụ lúa Hè thu 2018, toàn huyện Vị Thủy xuống giống được 16.435ha, đạt 100% kế hoạch, trong đó giống lúa chủ lực là OM 5451 chiếm trên 70%. Hiện có khoảng 3.460ha trong giai đoạn mạ, 11.438ha ở giai đoạn đẻ nhánh và 1.536ha trong giai đoạn làm đòng. Tình hình sinh vật hại tuy có ảnh hưởng nhưng không đáng ngại, bà con nông dân và ngành chức năng huyện tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp để bảo vệ năng suất lúa khi thu hoạch. 

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>