Tất bật chuyện đồng áng

22/06/2018 | 09:03 GMT+7

Thu hoạch lúa, xới, trục đất và nông dân sạ lúa... là những hình ảnh quen thuộc đang diễn ra trên nhiều cánh đồng lúa của tỉnh vào thời điểm này.

Một số diện tích lúa Hè thu chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã do ảnh hưởng mưa dầm mấy ngày qua.

Hối hả thu hoạch lúa Hè thu

Qua thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 5.500ha lúa Hè thu và hiện tại nhiều cánh đồng lúa, bà con vẫn đang tiếp tục vào vụ thu hoạch rộ. Thế nhưng, do ảnh hưởng của mưa dầm trong những ngày gần đây đã làm cho tiến độ thu hoạch có phần bị chậm lại nên khi có nắng thì nhiều máy cắt liền hối hả xuống đồng thu hoạch lúa để giảm bớt sự dồn công do nằm chờ trên bờ kênh.

Ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Mấy bữa nay, mưa dầm liên tục nên lúa của tôi cắt trễ hơn 2 ngày so với kế hoạch đã hợp đồng ban đầu với chủ máy. Dù có nóng lòng nhưng cũng đành chờ và cũng may mắn là lúa không bị ảnh hưởng lớn”.

So với bà con đã cắt lúa đầu vụ (đầu tháng 6) thì hiện nông dân thu hoạch lúa trong lúc này cũng có năng suất ở mức thấp, dao động từ 500-600 kg/công (1.300m2), có hộ chỉ đạt dưới 300 kg/công do bị ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) và một số đối tượng dịch hại khác, từ đó kéo theo năng suất lúa bình quân chỉ ở mức 6 tấn/ha, giảm 0,4 tấn/ha so với đầu vụ. Về giá bán vẫn ổn định như đầu vụ, trong đó giống lúa IR 50404 được thương lái cân tại ruộng có giá từ 5.000-5.200 đồng/kg, giống OM 5451 từ 5.500-5.600 đồng/kg. Với năng suất lúa và giá bán trên, nông dân đang thu hoạch lúa tính toán sẽ khó có lợi nhuận trong vụ lúa này.   

Cũng do ảnh hưởng của mưa dầm trong những ngày gần đây nên một số diện tích lúa Hè thu của nông dân trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã, khả năng ảnh hưởng đến năng suất khi đến ngày cắt là chuyện khó tránh khỏi. Đang gom từng bông lúa bị đổ ngã nằm trong nước thành lọn dựng đứng lên để buộc lại chờ máy cắt, ông Nguyễn Văn Mỹ, ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Gần 5 công ruộng của tôi còn 3 ngày nữa sẽ thu hoạch, nhưng mưa dầm trong mấy ngày qua đã làm sập nằm trong nước gần hết. Để máy cắt được dễ dàng, bông lúa không bị bỏ sót nên tôi và bà con nơi đây đang cố gắng bó lại thành chùm đứng cho hạt lúa được khô ráo. Thế nhưng, với việc lúa bị sập nhiều thế này thì chuyện thất thoát khi thu hoạch sẽ xảy ra”.  

Rộn ràng xuống giống lúa Thu đông

Bên cạnh sự hối hả thu hoạch lúa Hè thu thì tại những cánh đồng đã cắt lúa xong trước đó, sau thời gian để đất nghỉ ngơi 8-10 ngày, nông dân bắt đầu dọn đất xuống giống cho mùa vụ mới. Tranh thủ nghỉ tay khi đang kéo hàng sạ lúa cho 1,2ha đất của gia đình, ông Nguyễn Văn Sửa, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho hay: “So với cùng kỳ thì tôi và bà con nơi đây sạ trễ hơn khoảng 10 ngày. Nguyên nhân là mọi năm cắt lúa xong là tiến hành xới bỏ gốc rạ rồi quay sang xuống giống liền. Nhưng vụ lúa Hè thu do cây lúa bị bệnh VL-LXL nên vụ này không dám sạ ngay mà trục ngâm đất trong nước để cách ly mầm bệnh và giờ mới dám xuống giống. Hơn nữa, vụ này tôi quyết định sạ hàng để hạn chế sâu bệnh tấn công, nhất là rầy nâu khi có xuất hiện cũng dễ dàng phòng trị hơn”.

Theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh thì vụ lúa Thu đông 2018 này, nông dân sẽ có 3 đợt xuống giống. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 5 đến ngày 11-6 đối với những vùng có diện tích thu hoạch lúa Hè thu sớm tại huyện Vị Thủy và Châu Thành A; đợt 2 từ ngày 3 đến ngày 9-7 và đợt 3 từ ngày 1 đến ngày 7-8. Ngoài ra, do đang vào mùa mưa nên nông dân cần đánh rãnh trên đồng thật kỹ để việc rút nước được dễ dàng khi có mưa lớn, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm. Hiện nông dân toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 1.500ha lúa Thu đông, tập trung ở huyện Vị Thủy và Châu Thành A. “Xuống giống lúc này ngoài gặp bất lợi về thời tiết thì năm nay trên đồng còn xuất hiện ốc bươu vàng khá nhiều nên bà con phải tốn thêm khoản chi phí không nhỏ để mua thuốc phun xịt”, ông Nguyễn Văn Sửa, ở ấp 12, xã Vị Trung, thông tin thêm.  

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Tùy theo rầy nâu di trú vào đèn và tình hình thực tế về thời tiết, thủy văn mà từng địa phương theo dõi để quyết định thời gian xuống giống vụ lúa Thu đông cho hợp lý. Đặc biệt là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khuyến cáo người dân phải gieo sạ theo lịch thời vụ. Bởi bài học trước đó là có không ít diện tích lúa Hè thu sạ không theo lịch bị rầy nâu tấn công và nhiễm bệnh VL-LXL làm giảm năng suất đáng kể, dẫn đến không có lợi nhuận.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>