Tất bật xuống giống lúa Đông xuân

06/12/2018 | 08:26 GMT+7

Giống như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, hiện nay huyện Vị Thủy ráo riết hoàn thành việc xuống giống lúa Đông xuân 2018-2019 với nhiều kỳ vọng cho một vụ mùa bội thu.

Nông dân huyện Vị Thủy đang xuống giống lúa Đông xuân.

Từ sáng sớm là bà con nông dân ở các xã Vị Đông, Vị Bình, Vị Thanh, dọc theo tuyến Quốc lộ 61C đã ra ruộng. Có người chỉ mới chạy máy san phẳng mặt ruộng, cũng có người đã bắt đầu kéo những đường máy sạ hàng đầu tiên lên mặt ruộng đã bằng phẳng. Tiếng máy bơm giòn giã như chạy vội vàng để kịp rút nước trên vài mảnh ruộng còn lại. Nhiều âm thanh vang vọng trên cánh đồng càng làm không khí gieo sạ đầu vụ thêm phần nhộn nhịp. Cũng có người đã gieo sạ xong, giờ tranh thủ ra thăm đồng để theo dõi mạ. Ông Nguyễn Văn Nuôi, ở ấp 1, xã Vị Đông, đang đứng trên bờ mẫu nhìn lúa lên xanh, phấn khởi cho biết: “Tôi gieo sạ được hơn 10 ngày nay theo đúng lịch thời vụ mà địa phương khuyến cáo. Vụ này thời tiết khá thuận lợi nên giờ có thể yên tâm vì mạ khỏe, lên đều, chắc sắp tới nhẹ công giặm lúa”.

 Từ đầu vụ đến nay, ông Nuôi cũng như nhiều nông dân ở huyện Vị Thủy thấy lạc quan vì trước mắt có nhiều điều kiện khá thuận lợi. So với năm ngoái, nước lũ trên các cánh đồng cao hơn từ 10-20cm, dù còn phụ thuộc vào tình hình thời tiết sắp tới nhưng theo kinh nghiệm của nhiều nông dân vụ Đông xuân năm nay sẽ trúng mùa, ông Nguyễn Văn Nuôi chia sẻ thêm: “Năm nào con nước lên cao thì năm đó lúa trúng. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng lúa giống được ngành chức năng thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ ngay từ đầu và thông tin với người dân nên chọn mua giống được cấp xác nhận, có bao bì, nhãn mác và nguồn gốc rõ ràng, bởi điều này ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất lúa về sau. Ông Nguyễn Thành Lâm, ở ấp 1A, xã Vị Đông, cho biết thời điểm ông mua giống lúa RVT thì giá đã là 20.000 đồng/kg nhưng vẫn tìm cơ sở lớn, có uy tín, chứ không dám mua bên ngoài, rẻ hơn thì có nhưng rủi ro cũng cao.

Từ khâu chọn giống đến chăm sóc, người nông dân luôn chăm chút, tính toán kỹ lưỡng sao cho lúa đạt năng suất cao, chất lượng tốt để bán được giá cao. Nắm bắt được tình hình thực tế và để người dân yên tâm sản xuất, công tác kêu gọi doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng bao tiêu được đẩy mạnh, tất cả các đơn vị xã, thị trấn trong huyện đều quan tâm thực hiện. Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, thông tin: Trước đợt xuống giống, UBND huyện đã tổ chức 3 cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề bao tiêu và tiêu thụ lúa có sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hợp tác xã, cán bộ ngành nông nghiệp và bà con nông dân. Qua đó, người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, tìm hiểu kỹ hơn về yêu cầu chất lượng cũng như giá cả để đi đến sự đồng thuận ngay từ trước khi xuống giống. Kết quả đạt được rất khả quan khi tính đến nay diện tích lúa được công ty, doanh nghiệp ký kết bao tiêu trên toàn huyện đạt trên 10.000ha, tăng gần 3 lần so với năm ngoái. Được biết, nhiều người dân khi vừa sạ là đã có tiền cọc, giá bao tiêu từ trên 5.000-6.800 đồng/kg tùy theo giống lúa. Mặt khác, đối với những hộ chưa được doanh nghiệp bao tiêu, ngành chức năng cũng tìm kiếm, liên hệ với các đầu mối thương lái có uy tín, đã làm ăn lâu dài và giữ đúng cam kết trong các năm trước, nhằm đảm bảo cho người dân tiêu thụ được thuận lợi.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết thêm: Kể cả khi điều kiện thuận lợi để cây lúa phát triển tốt thì sau khi gieo sạ bà con nông dân vẫn cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình ruộng lúa để kịp thời phát hiện khi có sâu hại, dịch bệnh và thông báo ngay cho ngành chức năng để có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, thực hiện bón phân cân đối, khuyến khích người dân sử dụng các loại phân hữu cơ để cây lúa phát triển tốt, chống chịu được sâu, bệnh gây hại.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, tính đến nay diện tích xuống giống trên địa bàn được 15.276ha, còn trên 1.000ha nữa để đạt chỉ tiêu xuống giống vụ Đông xuân 2018-2019 của huyện (16.400ha). Phần diện tích còn lại chưa gieo sạ tập trung chủ yếu ở các khu vực trũng, nước rút chậm thuộc xã Vĩnh Trung, Vị Đông, Vĩnh Tường, nhưng dự kiến sẽ gieo sạ dứt điểm vào ngày 10-12 tới đây. Trong số diện tích đã gieo sạ, giống lúa RVT chiếm 46% diện tích, giống OM 5451 (khoảng 30%), còn lại là Đài Thơm và các loại giống khác.

 

  Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>