Tất bật xuống giống lúa Thu đông

04/07/2018 | 08:19 GMT+7

Tranh thủ thời tiết thuận lợi trong những ngày qua, nhiều cánh đồng sau khi thu hoạch sớm vụ Hè thu, nông dân đang tất bật vệ sinh đồng ruộng và xuống giống vụ lúa Thu đông (vụ 3) với sự tính toán kỹ càng hơn về kỹ thuật canh tác.

Nhiều nông dân áp dụng biện pháp sạ hàng trong vụ lúa Thu đông năm nay nhằm giảm chi phí và phòng tránh các đối tượng dịch hại.

Đang xem máy trục san phẳng mặt đất cho 6 công ruộng của gia đình để chuẩn bị xuống giống, ông Lê Văn Việt, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Vụ Thu đông năm nay, tôi xuống giống trễ hơn mọi năm khoảng 10 ngày. Nguyên nhân là do tôi dành thời gian này ngâm rơm, rạ trong nước cho phân hủy rồi mới dám sạ lại. Còn vụ Hè thu vừa qua do nôn nóng về giá lúa hấp dẫn nên sau khi thu hoạch lúa Đông xuân xong tôi tiến hành trục, xới đất rồi gieo sạ liền, từ đó kéo theo lúa bị ngộ độc hữu cơ, bị nhiễm rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) tương đối nhiều nên khi thu hoạch lúa chỉ đạt năng suất 300 kg/công và đây là năng suất thấp nhất trong nhiều năm qua đối với vụ lúa này”.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện không riêng gì ông Việt mà hầu hết các cánh đồng lúa đã và đang được nông dân xuống giống vụ 3 đều vệ sinh đồng ruộng rất kỹ từ trục, xới, san phẳng mặt đất bằng phẳng và để đất nghỉ ngơi từ 8-10 ngày mới tiến hành gieo sạ nhằm cách ly mầm bệnh từ vụ lúa trước, đồng thời hạn chế ngộ độc hữu cơ do rơm, rạ gây ra. “Hơn ai hết, nông dân chúng tôi thấu hiểu được nỗi buồn mất mùa do dịch bệnh làm ảnh hưởng kinh tế gia đình sau hơn 3 tháng đầu tư chăm sóc cho một vụ lúa. Do đó, để không lặp lại hoàn cảnh tương tự thì không còn cách nào khác là phải áp dụng đúng quy trình trước khi xuống giống và tuân thủ theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương nhằm né rầy nâu và phòng tránh một số dịch hại khác”, ông Việt chia sẻ thêm.

Bên cạnh làm đất kỹ trước khi gieo sạ, điều ấn tượng trong đợt xuống giống lúa đang diễn ra là nhiều bà con nông dân đã áp dụng biện pháp kéo hàng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Tranh thủ nghỉ chân khi đang kéo máy sạ hàng cho 3,2ha đất ruộng của gia đình, ông Huỳnh Văn Hải, ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Hơn 10 năm qua, vụ lúa nào tôi cũng áp dụng biện pháp sạ hàng để giảm chi phí đầu tư về lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, trước tình hình dịch hại trên lúa ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, nhất là rầy nâu và bệnh VL-LXL gây hại mạnh trở lại như hiện nay thì việc sạ hàng sẽ giúp tôi dễ dàng phát hiện và phòng trị các loại dịch hại hiệu quả hơn. Còn những hộ sạ lan thì mật số cây lúa nhiều nên công tác phòng trừ rầy nâu sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn công sức hơn”.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Được, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Cũng nhiều năm liền, tôi và một vài bà con ở cánh đồng này đều áp dụng biện pháp sạ hàng và tiếp tục cho vụ lúa Thu đông năm nay. Cái lợi trước mắt của việc sạ hàng là tôi giảm được 5kg lúa giống/công (chỉ sạ 12 kg/công, thay vì 17-20 kg/công nếu sạ lan), tính ra 1ha đất của tôi ở mỗi vụ xuống giống đều tiết kiệm 50kg lúa giống, tương đương 600.000 đồng (12.000 đồng/kg lúa giống) tiền mua giống và giảm nhiều khoản chi phí khác, nhưng năng suất lúa khi thu hoạch đều từ bằng đến cao hơn hộ sạ lan”.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến ngày 2-7, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 5.000ha lúa Thu đông, tập trung ở 4 địa phương là Châu Thành A (hơn 3.000ha), Phụng Hiệp (gần 800ha), Vị Thủy (gần 1.000ha) và thành phố Vị Thanh (hơn 20ha). Hiện các diện tích lúa đã xuống giống nằm trong giai đoạn từ 1 đến dưới 15 ngày và đang phát triển tốt. Điều đáng phấn khởi là theo báo cáo từ các địa phương, hiện các trà lúa Thu đông đều được nông dân xuống giống nằm trong khung lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh và huyện.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Theo lịch thời vụ của tỉnh thì đợt 1 từ ngày 5 đến ngày 11-6 đối với những vùng có diện tích thu hoạch lúa Hè thu sớm tại một số xã của huyện, như: Vị Trung, Vị Đông, Vị Thanh và Vị Bình, nông dân đã tiến hành vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lúa Thu đông theo khuyến cáo. Riêng đối với huyện thì có 2 đợt xuống giống cho vụ Thu đông này, gồm: đợt 1 từ ngày 3 đến ngày 9-7, đợt 2 từ ngày 1 đến ngày 7-8. Chính vì vậy, căn cứ vào lịch thời vụ trên và cộng với điều kiện thời tiết tốt như hiện nay nên nông dân đang tranh thủ xuống giống lúa Thu đông. Tuy nhiên, trong quá trình xuống giống, ngành nông nghiệp huyện cũng yêu cầu cán bộ khuyến nông các xã, thị trấn phải theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến rầy nâu vào đèn của từng địa phương để có ngày xuống giống phù hợp và đảm bảo xuống giống đồng loạt, tập trung “né rầy” trên từng cánh đồng để đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài ra, khuyến cáo bà con cần thường xuyên theo dõi tình hình dự báo thời tiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão ảnh hưởng đến cây lúa ở giai đoạn từ 1-10 ngày sau sạ.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>