Thành công từ thương hiệu khóm Cầu Đúc

24/11/2017 | 08:11 GMT+7

Xác định khóm Cầu Đúc là cây trồng chủ lực của địa phương, chính vì vậy, ngay khi bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới (NTM) theo 19 tiêu chí của Chính phủ (từ năm 2011), Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh tiếp tục dựa trên nền tảng này để tạo ra bức tranh NTM khang trang như hôm nay.

Thương hiệu khóm Cầu Đúc đang góp phần đưa Hỏa Tiến trở thành xã NTM.

Đời sống người trồng khóm phát triển

Nhắc đến xã Hỏa Tiến thì chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm khóm Cầu Đúc, vì chất lượng thơm ngon của vùng khóm nơi đây khó có nơi nào sánh được và đây còn là một trong 10 sản phẩm chủ lực và đã có thương hiệu của tỉnh trong nhiều năm qua. Chính chất lượng của trái khóm nơi đây đã giúp cho nhiều hộ dân gắn bó với nghề trồng khóm có được nguồn thu nhập cao và cuộc sống ổn định qua từng năm nhờ giá cả luôn ở mức hấp dẫn, nhất là khoảng 3-4 năm trở lại đây.

Vừa xắn xong khoảng 1.000 trái khóm trên diện tích hơn 1 công trong tổng số 7 công khóm của gia đình và đang chuẩn bị đếm cho thương lái, ông Cao Văn Ta, ở ấp Thạnh Thắng, người đã gắn bó với cây khóm hơn 10 năm qua, cho biết: “Lúc này khóm thuận mùa nên giá khóm loại I (từ 1kg trở lên) chỉ còn 4.000 đồng/trái, chứ rơi vào nghịch vụ thì giá có khi lên gấp đôi. Tính sơ trong đợt thu hoạch này, gia đình tôi kiếm được nguồn thu nhập khoảng 4 triệu đồng, nếu cộng cả năm chắc nguồn lợi nhuận hơn 40 triệu đồng”.

Cách rẫy khóm ông Ta không xa, ông Trang Văn Siêu, ở ấp Thạnh An, chỉ tay về phía rẫy khóm, chia sẻ: “Do giá khóm ở mức cao trong khoảng 3 năm nay (thấp nhất là 3.000 đồng/trái loại I, còn cao nhất là từ 9.000-10.000 đồng/trái, đếm tại rẫy) mà nhiều hộ trong ấp này giờ thoát nghèo, có của ăn, của để”.

Được biết, xã Hỏa Tiến là vùng đất nhiễm phèn và bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên ngoài cây khóm thì rất ít cây trồng khác thích nghi với vùng đất này. Chính vì vậy, dù nông dân đã trồng trước đó, nhưng khi bắt tay vào xây dựng NTM lãnh đạo xã đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung, đồng thời khuyến khích nông dân nơi đây tiếp tục chọn cây khóm để phát triển kinh tế gia đình. Theo tính toán của nông dân, khi khóm đã trưởng thành sẽ cho thu hoạch từ 2-3 vụ trong năm, bình quân lợi nhuận bà con thu được từ 30-40 triệu đồng/ha.   

Có thể nói, khi đời sống của người dân được nâng lên thì cũng là lúc đưa quá trình xây dựng NTM của xã Hỏa Tiến được nhiều thuận lợi hơn vì có sự tham gia mạnh mẽ của người dân bằng việc tự nguyện đóng góp công sức, vật chất, hiến đất, hoa màu… để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa… ngày một khang trang, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí. Nổi bật là hiện xã có đường ôtô về trung tâm xã được nhựa hoặc bê tông hóa và đường xóm, ấp không còn lầy lội vào mùa mưa, đây là điều kiện khá thuận lợi giúp cho việc vận chuyển khóm của nông dân bằng xe tải hoặc xe máy được dễ dàng.

Bên cạnh thay đổi về cơ sở hạ tầng nông thôn, điểm sáng khác trong quá trình xây dựng NTM của Hỏa Tiến là công tác giảm nghèo trong những năm qua rất hiệu quả, nhất là năm 2017 này. Bởi vào đầu năm 2017, khi Hỏa Tiến được chọn là một trong 7 xã của tỉnh phấn đấu về đích NTM trong năm nay thì các ngành chức năng đặt ra sự lo ngại về tiêu chí hộ nghèo của xã do còn ở mức cao. Cụ thể, nếu cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã dưới 3% thì sang năm 2017 khi điều tra theo hướng đa chiều thì lại tăng lên hơn 12%, trong khi theo quy định của tiêu chí là dưới 4%.

Ông Hồ Hồng Lâm, Trưởng phòng Kinh tế, Phó ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố Vị Thanh, thông tin: Tuy tỷ lệ hộ nghèo đầu năm của Hỏa Tiến là rất cao, nhưng sau khi tiến hành họp dân và lắng nghe ý kiến của từng hộ thì hầu hết mỗi hộ nghèo chỉ thiếu 1-2 chiều so với quy định, nhất là về nhà ở. Thế nhưng, một vấn đề thực tế là nhiều gia đình rất có điều kiện và hầu như các vật dụng trong nhà đều có đầy đủ nhưng họ lại thích ở nhà lá cho mát, nên khi áp dụng so với quy định thì họ bị xếp vào hộ nghèo. Như vậy, sau khi nắm bắt được tình hình, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố cùng phối hợp với xã, ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, qua đây giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã từng bước giảm xuống còn 3,80%.  

 Cùng với hai lĩnh vực trên, hiện hệ thống cảnh quan môi trường trên địa bàn xã Hỏa Tiến cũng ngày một sáng - xanh - sạch - đẹp khi trên nhiều tuyến đường nông thôn, cặp với những rẫy khóm bạt ngàn đang cho hiệu quả kinh tế cao thì còn có những luống hoa khoe sắc hay hàng rào được làm bằng cây xanh chạy dài trông rất đẹp. Từ đây, càng tô điểm cho xã Hỏa Tiến thêm giàu đẹp và tiếp tục vững bước trong thời gian tới.

Để thương hiệu ngày càng vươn xa

Nhằm giúp người trồng khóm nơi đây tiếp tục an tâm gắn bó với cây trồng có thế mạnh này của tỉnh, đồng thời để thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang ngày càng vươn xa, thời gian qua, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh đã có những động thái tích cực. Trong đó, đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Thạnh Thắng, ở ấp Thạnh Thắng để giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm cho bà con xã viên. Hiện HTX Thạnh Thắng có 75 thành viên, với diện tích canh tác khóm 160ha, tổng sản lượng khóm cung ứng cho thị trường hàng năm khoảng 3.000 tấn. Điểm nổi bật của HTX Thạnh Thắng là một trong số ít các HTX trên địa bàn tỉnh hiện có trụ sở làm việc độc lập và nhà kho khang trang.

Chia sẻ trong niềm vui, ông Vu Suổi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc HTX Thạnh Thắng, cho hay: “Mới đây, HTX được Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng để xây dựng và đã hoàn thành trụ sở làm việc, nhà kho. Từ công trình này sẽ giúp cho các hoạt động của HTX được thuận lợi, hiệu quả hơn, góp phần đưa đời sống của bà con trong và ngoài HTX tiếp tục phát triển”.

Cùng với thành lập HTX và gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng khu du lịch sinh thái khóm Cầu Đúc nhằm thu hút nhiều khách du lịch để có thể quảng bá thương hiệu. Hiện không chỉ có du khách trong nước mà còn có không ít du khách ngoài nước tìm đến. Điều phấn khởi là ngoài việc tham quan thì các đoàn khách nước ngoài còn xem xét tìm cơ hội hợp tác, đầu tư để đưa sản phẩm khóm Cầu Đúc về với nước họ. “Từ đầu năm đến nay, HTX đã đón nhiều đoàn du khách nước ngoài như: Nga, Úc và mới đây là đoàn công tác của Hiệp hội Kỹ thuật Nông nghiệp tỉnh Jeonnam, Hàn Quốc. Sau khi tham quan rẫy khóm và được thưởng thức vị ngon ngọt từ khóm thì tất cả đều đánh giá cao chất lượng khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Mong rằng, tới đây HTX Thạnh Thắng sẽ có nhiều đối tác từ nước ngoài để trái khóm nơi đây tiếp tục được vươn xa”, ông Vu Suổi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc HTX Thạnh Thắng, thông tin. 

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Ngành nông nghiệp tỉnh rất quan tâm và mong muốn thúc đẩy thương hiệu khóm Cầu Đúc của tỉnh ngày một tiến xa hơn ở thị trường trong và ngoài nước. Chính vì vậy, khi có đoàn khách lớn nào thì sở thường giới thiệu đến HTX Thạnh Thắng và cứ mỗi đoàn đến đều là một cơ hội lớn cho vùng khóm nơi đây về thị trường đầu ra. Đây cũng là nguyên nhân làm cho giá khóm trong những năm gần đây ổn định ở mức cao, góp phần đắc lực cho công tác xây dựng NTM tại xã đạt được nhiều mặt quan trọng.

Đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, việc Hỏa Tiến lấy nền tảng từ cây khóm Cầu Đúc để làm đòn bẩy trong xây dựng NTM là việc làm đúng hướng. Bên cạnh đó, cùng với sự giúp đỡ, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành có liên quan đã đưa phong trào xây dựng NTM của Hỏa Tiến hoàn thành đúng lộ trình đề ra khi hiện xã đã được các sở, ngành có liên quan của tỉnh công nhận đạt 19/19 tiêu chí NTM. Ông Hồ Hồng Lâm, Trưởng phòng Kinh tế, Phó ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố Vị Thanh, cho biết: Các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố chuẩn bị họp lại để lấy ý kiến về việc công nhận xã Hỏa Tiến đạt chuẩn NTM. Sau cuộc họp này, sẽ gửi các hồ sơ, thủ tục về Văn phòng điều phối NTM tỉnh để xem xét trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Nếu được UBND tỉnh chấp thuận thì dự kiến Hỏa Tiến sẽ tổ chức lễ ra mắt xã NTM vào dịp 22-12 tới.

Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến Dương Minh Truyền cho biết: Toàn xã có hơn 1.000ha khóm Cầu Đúc, chiếm hơn 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương và hiện diện tích khóm của xã chiếm cao nhất trong tổng diện tích hơn 1.300ha khóm của toàn thành phố Vị Thanh. Ngoài cây trồng chủ lực là khóm, xã cũng đang đẩy mạnh việc vận động người dân cải tạo tại vùng đất ven lang bãi bồi cặp sông Cái Lớn và Nước Đục để trồng cây ăn trái với diện tích hiện nay là 120ha, qua đây nhằm giúp tiêu chí thu nhập được ổn định.  

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>