Thu nhập cao từ bán mía chục

01/06/2017 | 08:35 GMT+7

Vụ mía 2016-2017, huyện Phụng Hiệp xuống giống gần 7.500ha, trong đó các giống mía chín sớm như ROC 16 chiếm hơn 65% diện tích. Hiện nay, những diện tích này nông dân bắt đầu thu hoạch bán mía chục đã góp phần tăng thêm hiệu quả kinh tế.

Bán mía chục, nông dân tăng thêm lợi nhuận hơn 30% so với bán mía cho các nhà máy.

Canh tác gần 3 công mía giống ROC 16, thay vì đợi đến thời điểm tháng 9 bán mía cho nhà máy đường thì hơn 10 năm nay, năm nào ông Lâm Văn Y, ở ấp Thắng Mỹ, xã Phụng Hiệp cũng bán mía sớm cho thương lái đến từ Thành phố Hồ Chí Minh (thu hoạch bán mía chục). Năm nay, giá mía chục tuy không cao như mọi năm, nhưng cũng ở mức 1.500 đồng/kg hoặc 27.000-30.000 đồng/chục (10 cây), sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông đã thu về lợi nhuận gần 25 triệu đồng. Ông Y cho biết: “Bán mía chục có nhiều cái lợi, ngoài giá bán cao thì không tốn chi phí thu hoạch như bán cho các nhà máy đường. Bởi thương lái mua mía chục sẽ tự thuê nhân công thu hoạch nên chủ mía cũng hạn chế được chi phí thuê mướn nhân công, cải thiện thêm thu nhập”.

Theo thống kê, hiện toàn huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch gần 30ha mía, tập trung ở những địa phương như: xã Hiệp Hưng, xã Phụng Hiệp, thị trấn Búng Tàu... Những diện tích này đa phần là mía nông dân để lưu gốc. Cách làm này đã được nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp áp dụng khoảng 3 năm trở lại đây. Bởi mía lưu gốc mang lại nhiều hiệu quả như giảm chi phí đầu tư, giúp nông dân thu hoạch sớm, có thể trồng được 2 năm 3 vụ.

Như trường hợp của anh Tô Văn Công, ở thị trấn Búng Tàu, năm nay gần 1ha mía của gia đình tiếp tục áp dụng kỹ thuật trồng mía lưu gốc. Hiện nay, diện tích mía của anh chuẩn bị thu hoạch với hình thức bán mía chục. Anh Công cho hay: “Mía lưu gốc là cách trồng rải vụ nên nông dân có thể thu hoạch sớm bán mía chục để cho hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, khi trồng mía lưu gốc nếu chăm sóc tốt thì năng suất còn cao hơn cách trồng thông thường, bởi mía lưu gốc thường mọc thành bụi, số cây trong hàng nhiều hơn mía trồng mới”.

Theo ghi nhận, những diện tích bán mía chục thời điểm này có năng suất từ 110-120 tấn/ha, cùng với giá bán hiện tại thì mỗi héc-ta mía chục đạt lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng, tăng 30% so với bán mía đường truyền thống. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trong vài năm gần đây, nông dân huyện Phụng Hiệp có truyền thống bán mía chục, bởi cách làm này đem lại hiệu quả đáng kể so với bán mía cho các nhà máy đường. Sau khi thu hoạch, nếu nông dân áp dụng kỹ thuật lưu gốc sẽ chăm sóc để chuẩn bị cho vụ mía chục năm sau hoặc có thể trồng một vụ màu trên đất mía trước khi xuống giống vụ mía mới, từ đó góp phần nâng thêm thu nhập.

Trong sản xuất, mục tiêu hướng đến của người nông dân là lợi nhuận thu về sau gần 1 năm canh tác. Hiện nay, bán mía chục tuy chưa thật sự là giải pháp hữu hiệu cho cây mía, nhưng cũng phần nào cho thấy cây mía vẫn còn chỗ đứng. Bằng chứng là nhiều nông dân đã có được lợi nhuận bằng hình thức bán mía này.

Bài, ảnh: TRÚC DUY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>