Thuận mùa hoa, kiểng tết

15/01/2020 | 18:28 GMT+7

Những ngày này, ở các vùng sản xuất hoa, kiểng tết trọng điểm của ĐBSCL... không khí vô cùng sôi động. Rất nhiều thương lái đến thu mua hoa kiểng đưa đi các nơi tiêu thụ dịp Tết Canh Tý 2020...

Nông dân Bến Tre chăm sóc kiểng thú hình chuột phục vụ Tết Canh Tý. Ảnh: HƯNG TÂN

Nông dân bội thu hoa tết

UBND thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, tình hình hoa tết năm nay diễn ra thuận lợi hơn. Đến thời điểm này, hầu hết các diện tích hoa tết được người dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác… chăm sóc ổn thỏa. Đáng mừng là nhiều loại hoa như cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc tiger, hoa vạn thọ, mai vàng… dự báo ra hoa đúng dịp Tết Canh Tý 2020. Với tình hình này, làng hoa kiểng Sa Đéc sẽ cung ứng cho thị trường tết hơn 3 triệu sản phẩm các loại.

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng hoa tết đang khoe sắc, trông rất đẹp mắt, ông Võ Thành Tuấn, Chủ nhiệm Hội quán Tân Tây (xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc), hớn hở: “Hội quán của chúng tôi sản xuất các loại hoa kiểng, rau màu… và hiện đang vào cao điểm thu hoạch. Năm nay, thời tiết tốt nên rất phù hợp cho hoa tết phát triển. Thương lái đang kéo về thu mua với giá khá cao, như cúc pha lê được giá từ 600.000-700.000 đồng/cặp, làm cho nông dân trồng hoa rất vui…”.

Ông Dương Tấn Khải, ngụ xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc, tiết lộ: “Năm nay ít mưa trái mùa, thời tiết tốt, độ nắng vừa phải… nên rất phù hợp cho hoa tết phát triển. Hơn 2.000 chậu hoa vạn thọ và cúc pha lê của gia đình tôi đang tươi tốt và trổ hoa ngay dịp tết. Hiện tại, đã có thương lái đến làng hoa Sa Đéc hỏi mua hoa vạn thọ giá 80.000-120.000 đồng/cặp, cúc mâm xôi 200.000-300.000 đồng/cặp… giá này đảm bảo người dân có lãi”. Lãnh đạo UBND thành phố Sa Đéc nhìn nhận, hoa kiểng ở xứ này sản xuất quanh năm nhưng tết vẫn là mùa chủ lực. Nếu như mọi năm người trồng hoa tết phập phồng lo thời tiết thay đổi thất thường khiến cúc mâm xôi, mai vàng… trổ hoa trước tết; tuy nhiên năm nay mọi việc ổn thỏa khi hoa tết trúng mùa…

Tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, ông Huỳnh Thanh Cần, Giám đốc HTX hoa kiểng Phú Thọ vui mừng cho biết, hầu hết các xã viên trồng hoa tết như cúc, hướng dương, vạn thọ, hồng nhung, hoa dừa… được chăm sóc và phát triển ổn định. Nhờ thời tiết phù hợp và nước mặn không vào đến xứ này nên hoa tết năm nay được mùa. Hơn 320.000 sản phẩm hoa tết của hợp tác xã đã và đang cung ứng ra thị trường phục vụ đa dạng nhu cầu trang trí, làm đẹp ngày tết của bà con.

Ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, nổi tiếng với nghề trồng hoa, kiểng tết từ nhiều năm nay. Ấp này có 370 hộ dân, trong đó đến 84 hộ trồng hoa, kiểng. Năm nay, Xáng Mới có khoảng 150.000 chậu hoa tết phục vụ cho thị trường, tăng 40% so với tết năm 2018. Từ 21 âm lịch, bà con đã chuẩn bị chuyển hoa cho các thương lái và đưa hoa lên các lô bán tết. Trong đó, chiếm số lượng lớn là vạn thọ, hoa cúc, cát tường, păng xê, ban mai, hướng dương…

Anh Huỳnh Văn Mãi, ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tâm đắc: “Tôi chuẩn bị 2.000 chậu hoa cho tết này, gồm các loại hoa vạn thọ, ban mai, păng xê. Từ khi xuống giống hoa vào cuối tháng 10 âm lịch cho đến nay thời tiết rất thuận lợi, tỷ lệ hao hụt ít, giá bán cao hơn năm trước. Mỗi chậu vạn thọ cỡ vừa có giá 20.000-22.000 đồng. Nông dân trong làng hoa Xáng Mới thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để cùng phát triển”.

Ông Dương Văn Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, cho hay: “Tôi cùng bà con liên kết với thương lái các tỉnh lân cận để mở rộng thị trường. Kết quả trên 60% khách hàng đến tận nơi mua, 20% đăng ký bán ở các lô, sạp; còn lại theo ghe bán ở các kênh, rạch phục vụ cho bà con”.

Làng hoa Xáng Mới vào mùa. Ảnh: ẨN LIÊN

Tích cực ứng phó hạn, mặn

Trong các vùng trồng hoa tết ở ĐBSCL thì làng hoa Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là gặp khó khăn nhất bởi năm nay hạn, mặn đến sớm, bao vây làng hoa. Năm trước, những diễn biến bất lợi của nước mặn nên nhiều nông dân Chợ Lách đã chủ động nhiều giải pháp ứng phó phù hợp. Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, những ngày qua nước mặn đã xâm nhập sâu vào các tuyến sông trên địa bàn; trong đó mặn đã xâm nhập sâu nhất vào đến huyện Chợ Lách, cách cửa sông hơn 75km, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có hoa kiểng tết.

UBND xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho hay, các tuyến sông xung quanh dùng để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp nhưng đã bị nhiễm mặn do không kịp đóng cống. Toàn xã có hơn 1.500ha đất nông nghiệp, trong đó đa phần là hoa kiểng, cây giống và cây ăn trái; hiện nhiều diện tích hoa kiểng phục vụ Tết Canh Tý 2020 bị mặn bao vây, trong khi hoa cần nước tưới mỗi ngày. Ông Nguyễn Văn Giỏi, ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, trăn trở: “Tết này, gia đình tôi trồng 2.400 chậu cúc mâm xôi và vạn thọ. Hàng ngày, chăm sóc chu đáo nhằm tránh bị mặn gây hại. Trong đó, áp dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm và theo dõi chặt khi nào độ mặn giảm thì tranh thủ bơm nước ngọt vào mương, cộng với tích trữ bằng các dụng cụ khác nhau để dành tưới cho hoa tết”.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Mặc dù nước mặn về sớm và diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chủ động các giải pháp ứng phó nên đến nay hầu hết diện tích hoa kiểng tết phát triển bình thường, cơ bản không bị thiệt hại gì nhiều…”. Theo tiến sĩ Liêm, dự kiến dịp Tết Canh Tý 2020 này, làng hoa kiểng Chợ Lách sẽ cung ứng ra thị trường hơn 11 triệu sản phẩm các loại. Điều đáng mừng là thời tiết thuận lợi, nắng không quá gay gắt, ít mưa trái mùa… nên đa phần hoa kiểng tết được mùa; trong đó mai vàng và cúc mâm xôi hứa hẹn ra hoa đúng tết. Thống kê sơ bộ cho thấy, khoảng 80% sản lượng hoa kiểng ở Chợ Lách đã được nông dân bán hết cho thương lái, với giá cao hơn cùng kỳ từ 5-10% trở lên. Cụ thể, như mai vàng giá từ 2-10 triệu đồng/cặp (tùy loại); cúc mâm xôi khoảng 300.000-400.000 đồng/cặp… Giá này, người trồng hoa kiểng tết đảm bảo lợi nhuận.

Ở làng mai Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, vào những ngày giáp tết, người dân đang bận rộn vận chuyển những cây mai vàng lên xe để giao cho các thương lái. Mùa mai tết năm nay rất thuận lợi bởi thời tiết không xuất hiện những đợt không khí lạnh, hay mưa bất thường. Từ tháng 11 âm lịch, thương lái các tỉnh sớm vào hợp tác xã tìm mua mai vàng. Ông Lê Văn Ky, Giám đốc Hợp tác xã mai vàng Phú Hưng, chia sẻ: “Năm nay, thị trường được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Từ tháng 9, những cây mai đã được cắt tỉa, tạo dáng kỹ rồi đến khâu rửa mai, lặt lá để có được một mùa mai tết như ý. Thị trường năm nay rộng hơn các năm trước, các thương lái từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Phan Thiết, Bình Thuận, Nha Trang vào đặt mua khoảng 2.000 chậu.

Tết này, Hợp tác xã mai vàng Phú Hưng cung ứng khoảng 16.000 cây mai vàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý. Riêng thương lái ở miền Trung đã sớm chuyển mai lá về để bán tết. Đến ngày 20-12 âm lịch, có khoảng 70% các xã viên trong Hợp tác xã mai vàng Phú Hưng đã đưa mai lên các lô, sạp.

Không riêng người trồng mai, lúc này nhà vườn trồng hoa tết ngắn ngày cũng bận rộn chuyện thu hoạch. Bà con cho biết, tính đến thời điểm này thời tiết khá thuận lợi cho khâu chăm sóc hoa tết. Giá bán nhìn chung tăng nhẹ so với năm trước. Năm nay, nông dân Nguyễn Vũ Khương, ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, trồng 2.000 chậu hoa vạn thọ để bán tết. Ngoài ra, ông trồng thêm các loại hoa hướng dương, hoa đồng tiền, cúc họa mi… Ông Nguyễn Vũ Khương cho biết: “Giữa tháng 10 âm lịch là tôi bắt đầu xuống giống trồng hoa tết. Thương lái tìm đến các vườn hoa để đặt hàng số lượng nhiều để được mua giá sỉ. Tiêu thụ chủ yếu ở các chợ quê, hoặc giao đến tận nhà cho khách hàng. Năm nay, nhờ chủ động trước nên nước mặn về nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến hoa tết”.

HƯNG TÂN - ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>