Tích cực chăm sóc lúa Thu đông

16/09/2019 | 08:10 GMT+7

Để góp phần vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cho khu vực I của huyện đạt chỉ tiêu kế hoạch vào cuối năm, ngành chức năng huyện Long Mỹ đang phối hợp với nông dân tăng cường chăm sóc vụ lúa Thu đông nhằm đạt hiệu quả sản xuất tốt nhất.

Ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ thường xuyên thăm đồng cùng nông dân để hướng dẫn phòng trừ các dịch hại trên lúa hiệu quả.

Giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, tình hình dịch tả heo châu Phi đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ về mặt kinh tế cho nhiều hộ dân của huyện, đồng thời kéo theo ảnh hưởng đến GRDP của khu vực I vào cuối năm. Cụ thể, theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, đến thời điểm đầu tháng 9, toàn huyện ghi nhận có 669 ổ dịch tả heo châu Phi, với tổng số heo chết và bị tiêu hủy là 18.539 con, ước thiệt hại 31,66 tỉ đồng. Trước tình hình trên và thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh thì một trong những giải pháp để góp phần vực dậy GRDP khu vực I cho huyện do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi là địa phương đẩy mạnh việc khuyến khích người dân canh tác lúa Thu đông (lúa vụ 3) tại những vùng đảm bảo đủ điều kiện sản xuất nhằm tăng sản lượng lúa, cũng như tạo nguồn thu nhập cho người dân.

Ông Hồ Anh Vũ, Phó phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: Vụ lúa Thu đông năm nay, huyện Long Mỹ đề ra kế hoạch gieo sạ 6.000ha. Đến thời điểm này, bà con đã xuống giống được 5.429ha, tập trung ở xã Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm và Lương Nghĩa. Trong đó, xã Vĩnh Thuận Đông là địa phương xuống giống nhiều nhất với 1.567ha, vượt kế hoạch 117ha. Do đặc thù của vùng đất huyện Long Mỹ là thường bị xâm nhập mặn vào mùa khô nên các vụ lúa trong năm bà con phải gieo sạ trễ hơn các địa phương khác. Điển hình, có không ít bà con ở xã Vĩnh Viễn A đang thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ sau đó gieo sạ lại lúa Thu đông nên khả năng diện tích sẽ đạt kế hoạch. Vì sạ muộn nên đa phần lúa đang ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh, đồng thời có khoảng 1.800ha sạ sớm trong giai đoạn trổ chín.

Cùng với việc khuyến khích người dân tăng diện tích lúa Thu đông thì ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ còn yêu cầu cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để phối hợp cùng nông dân tăng cường thăm đồng nhằm quản lý và phòng trừ kịp thời, hiệu quả các đối tượng dịch hại cho cây lúa. Vừa phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông xong cho gần 1ha lúa (giống OM 5451) của gia đình, ông Mai Văn Duy, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, cho biết: “Hiện lúa của tôi và bà con ở cánh đồng này được hơn 50 ngày tuổi. Do đó, trước khi lúa trổ tôi chủ động phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau đó phun lần cuối khi lúa trổ đều. Với kinh nghiệm này mà nhiều vụ lúa qua, ruộng của tôi không bị bệnh đạo ôn tấn công làm giảm năng suất. Mặt khác, từ đầu vụ tới giờ, nhờ được cán bộ khuyến nông của xã phối hợp thăm đồng nên tình hình dịch bệnh ít và lúa đang phát triển tốt, bà con đặt nhiều kỳ vọng là lúa sẽ đạt năng suất cao, cũng như giá bán hấp dẫn trong đợt thu hoạch sắp tới”.

Giống như ông Duy, ông Nguyễn Văn Thành, nông dân có gần 2ha lúa đang sản xuất vụ Thu đông được hơn 30 ngày tuổi, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, thông tin: “Vụ lúa nào cũng vậy, tôi thường chủ động thăm đồng để kịp thời phát hiện dịch hại và phòng trị hiệu quả. Riêng vụ lúa Thu đông này, ngoài ảnh hưởng của tình hình áp thấp nhiệt đới thì nhìn chung thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa phát triển. Trong thời gian ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đã gây mưa dầm và kéo dài liên tục nhiều ngày nên làm cho một số diện tích lúa bị bệnh đạo ôn lá, nhưng sau mưa dầm thì bà con điều trị dứt điểm. Ngoài ra, khu vực này có hệ thống đê bao khép kín nên việc tiêu thoát nước dễ dàng, nhờ vậy phần nào đỡ lo ngại về lũ và cây lúa đang phát triển tốt, ít sâu bệnh”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, hiện toàn huyện ghi nhận có 505ha lúa Thu đông bị dịch hại tấn công, trong đó có 148ha lúa ở giai đoạn mạ bị ốc bươu vàng cắn phá, 152ha bị nhiễm rầy nâu, 205ha bị bệnh đạo ôn lá và sâu cuốn lá. Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, cho hay: Từ đầu vụ xuống giống lúa Thu đông đến nay, đơn vị đã mở nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất lúa theo hướng tiết giảm chi phí và quản lý dịch hại trên đồng hiệu quả theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Nhờ vậy, tuy dịch bệnh có xuất hiện rải rác nhưng mật số gây hại thường dao động từ 2-3% nên không đáng ngại. Tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục làm tốt công tác trên để vụ lúa Thu đông của bà con đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, khuyến cáo nông dân không nên bón thừa phân đạm, cần tăng cường bổ sung thêm phân kali và silic giúp lúa cứng cây để hạn chế đổ ngã do mưa bão gây ra. Ngoài ra, cần theo dõi phun trừ bệnh bạc lá và phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt cho lúa ở giai đoạn trước và sau khi trổ đều.

Ông Hồ Anh Vũ, Phó phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết thêm: Dù các diện tích lúa Thu đông của huyện đều nằm trong hệ thống đê bao kiên cố, tuy nhiên, ngoài thực hiện tốt công tác thăm đồng thì ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra bờ bao, cống, đập dẫn nước vào ruộng để kịp thời phát hiện và duy tu lại những đoạn bị xuống cấp nhằm ứng phó với lũ được dự báo là sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 tới. Qua đây, bảo vệ tốt diện tích lúa Thu đông, góp phần mang lại hiệu quả sản xuất cho bà con…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>