Tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao

21/09/2017 | 08:11 GMT+7

Với quy mô 5.200ha, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (gọi tắt là khu nông nghiệp) tại huyện Long Mỹ đã và đang dần trở thành một mảng xanh trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đây cũng là một trong những ngành nghề, lĩnh vực được tỉnh xác định ưu tiên để thu hút đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi.

Công ty Thực phẩm FA Hàn Quốc đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại khu nông nghiệp.

Vùng đất tiềm năng

Khu nông nghiệp được thành lập theo Quyết định số 1152/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích 5.200ha, trong đó diện tích khu vực trung tâm là 415ha, diện tích khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 4.785ha. Năm 2014, khu nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1066/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025. Đây được xem là trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu tàu quan trọng để đưa kết quả ươm tạo, nghiên cứu vào sản xuất. Tại đây sẽ diễn ra những lớp đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và cạnh tranh cao. Các phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nơi đây sẽ cho ra những sản phẩm chủ lực địa phương. Mô hình chuẩn của phân khu sẽ giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập. Đây cũng là mô hình để mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh Hậu Giang và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy mới thành lập chưa lâu, nhưng khu nông nghiệp đã có nhiều đổi thay vì sự quan tâm của tỉnh, địa phương và các cấp, các ngành. Từ năm 2012-2016, dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhưng để tạo thuận lợi cho việc triển khai xây dựng khu nông nghiệp cũng như kêu gọi đầu tư, tỉnh đã nâng cấp tuyến Đường tỉnh 930, nối từ trung tâm thị xã Long Mỹ đến khu nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư xây dựng 1 cầu tạm và đường tạm trong Khu vực trung tâm - Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có được nền tảng cơ bản này giúp công việc được thuận tiện, việc giao lưu, liên hệ với nông dân và doanh nghiệp dễ dàng hơn. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách sử dụng đất tại khu nông nghiệp, quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015-2020. Khi đầu tư vào khu nông nghiệp, các công ty, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi về đất đai, miễn thuế, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, đào tạo, tập huấn...

Nhờ được quan tâm hỗ trợ, xúc tiến đầu tư mà đến nay, khu nông nghiệp đã tiếp và làm việc với 6 công ty và doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc như: Công ty Cổ phần Anna Probio và Hiệp hội NPO Nhật Bản, Công ty Hand and Hand của Hàn Quốc; Công ty Dong Yang và tổ chức Fact; Công ty TNHH Thực phẩm FA Hàn Quốc... Ngoài ra, còn có các công ty trong và ngoài tỉnh, như: Công ty Minh Việt, Công ty Việt Úc, Công ty Khang Thịnh, Công ty TNHH MTV Tiến Thịnh... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị tưới nhỏ giọt, trồng chuối, cây ăn trái...

Bên cạnh đó, tại khu nông nghiệp, cấp bộ và tỉnh còn cho các nhà khoa học thực hiện 2 dự án khoa học. Đó là dự án cấp bộ về “Ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và công nghệ sản xuất giống hiện đại phát triển giống lúa chất lượng cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang; dự án cấp tỉnh “Trình diễn và xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp cho các giống lúa có năng suất, chất lượng cao làm nền tảng phục vụ cho phát triển sản xuất của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang”. Ông Phạm Hoài An, chủ nhiệm dự án cấp tỉnh, cho biết: Mục tiêu của dự án là lựa chọn ra một số giống lúa thuần có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết bất lợi bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Thông qua việc thực hiện khảo nghiệm chọn giống, thí nghiệm, trình diễn sẽ xác định được quy trình canh tác lúa thích hợp, tiết kiệm và hiệu quả để chuyển giao cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, nông dân tại địa phương. Qua thực nghiệm nghiên cứu, bước đầu chọn được 3 giống lúa phù hợp với địa phương là OM 3673, OM 4488 và OM 8108. Các giống lúa này đã được triển khai ra dân với diện tích 13ha trong vụ Hè thu 2017.

Đa dạng kênh đầu tư

Tiến sĩ Lê Hoàng Xuyên, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết: Khu nông nghiệp được chọn là nơi có tập quán sản xuất lúa lâu đời. Bên cạnh đó, vùng này dần hình thành nhiều loại cây ăn trái có giá trị cao như bưởi, mãng cầu xiêm. Về thủy sản thì người dân bắt đầu nuôi tôm tại vùng ven đê bao vào mùa xâm nhập mặn. Trong các phân khu thì có khu kêu gọi đầu tư thủy sản, lúa, cây trồng cạn và vi sinh; khu thực nghiệm trồng cây trồng cạn và vi sinh, khu thực nghiệm và trình diễn lúa. Hiện nay, Ban quản lý khu nông nghiệp và địa phương đã vận động nhân dân tham gia các dự án thử nghiệm đã được nhiều hộ đồng tình hưởng ứng.

Ông Phan Văn Học, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tôi làm ruộng đến nay hơn 30 năm, vì vậy rất muốn được ứng dụng khoa học mới. Tôi mong muốn được áp dụng kỹ thuật để vừa tiết kiệm, chất lượng mà an toàn cho sức khỏe nên rất sẵn lòng tham gia nghiên cứu của khu nông nghiệp”. Vì thế, ông Học đã dùng hơn 15 công ruộng của gia đình để thử nghiệm chế phẩm của Công ty Dong Yang, Hàn Quốc. Các chế phẩm này chủ yếu là dung dịch dinh dưỡng, phòng bệnh trên lúa rất an toàn và thân thiện môi trường.

Đặc biệt, huyện Long Mỹ có mô hình trồng tiêu rất hiệu quả, rất thích hợp với thổ nhưỡng đất phèn nơi đây. Vì vậy, Ban quản lý khu nông nghiệp đang tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng tính hiệu quả bền vững của mô hình tràm - tiêu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” với quy mô thử nghiệm 2ha. Sắp tới, Ban quản lý khu nông nghiệp sẽ phối hợp triển khai dự án trình diễn các sản phẩm Agri - Fos trên cây tiêu với Công ty Cổ phần phát triển công nghệ DONA - TECHNO (Úc).

Tuy nhiên, hiện nay khu nông nghiệp vẫn còn nhiều trở ngại. Hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan đến khu nông nghiệp còn thiếu và yếu, hạ tầng trong khu nông nghiệp chưa được đầu tư xây dựng, nguồn vốn đầu tư chưa nhiều... Vì vậy, khu nông nghiệp rất cần và luôn kêu gọi các kênh đầu tư từ công ty, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu nông nghiệp cũng cần bổ sung nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính phê duyệt nhanh gọn để xúc tiến công việc liên quan. “Nếu được Tỉnh ủy phê duyệt nghị quyết chuyên đề mà Ban quản lý khu nông nghiệp xây dựng sẽ là nền tảng để khu nông nghiệp tiến hành các công việc tiếp theo. Trong đó, có giải phóng mặt bằng 20ha đất khu thực nghiệm và khu mời gọi đầu tư mới có đất sạch cho tiến hành các nghiên cứu, ứng dụng”, tiến sĩ Lê Hoàng Xuyên bày tỏ.

Nhìn chung, Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp thì việc phát triển, nâng cao các kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất là rất cần thiết. Vì vậy, phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang là một việc cấp bách và quan trọng. Bởi khi khu nông nghiệp hoàn thiện, không những thúc đẩy lực lượng sản xuất trong nông nghiệp nói chung mà còn là chiến lược lâu dài trong phát triển của tỉnh và vùng.

Được hưởng thuế suất ưu đãi 10% khi doanh nghiệp đầu tư

Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang cho biết, Dự án đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang được kêu gọi đầu tư tới đây nằm trên địa bàn huyện Long Mỹ. Quy mô diện tích chung 5.200ha, trong đó diện tích khu vực trung tâm là 415ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 50 triệu USD. Mục tiêu dự án là kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, bao gồm phần xây lắp, cung cấp trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao kèm theo đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc để tạo tài sản cố định; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước ít nhất 15 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Doanh nghiệp hoạt động trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang được hưởng các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được quy định tại Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 28/12/2015 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>