Tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững

26/12/2018 | 08:44 GMT+7

Với mong muốn đến năm 2020 khu vực nông nghiệp, nông thôn vươn lên phát triển khá trong vùng ĐBSCL, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã phấn đấu quyết liệt và đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Nông dân cải thiện nguồn thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp

Từ khi thành lập tỉnh đến nay, bên cạnh phát triển “5 cây 5 con”, ngành nông nghiệp Hậu Giang còn xây dựng và triển khai mạnh mẽ các chương trình, đề án, dự án phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt là tỉnh đã xác định 10 nông sản chủ lực gắn với xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh tập trung, gồm: Cây lúa 32.000ha đất canh tác lúa chất lượng cao; cây mía 12.000ha; cây bưởi 2.000-2.500ha; cây cam sành 6.000ha; cây khóm 2.000ha; cây xoài 3.000ha; cây quýt 1.000ha; cây chanh không hạt 600ha; cá thát lát 100ha; cá rô đồng 200ha. Đến nay, 10 nông sản chủ lực đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa như bưởi Năm Roi Phú Thành Hậu Giang; cam sành Ngã Bảy; chanh không hạt Hậu Giang; lúa Hậu Giang 2; cá rô Hậu Giang; quýt đường Long Trị; cá thát lát Hậu Giang; khóm Cầu Đúc; xoài cát Hậu Giang; cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, có 3 nông sản (cam sành, khóm và cá thát lát) đã phát triển thành thương hiệu được thị trường cả nước biết đến.

Bên cạnh đó, ngành còn đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm tiết giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận cho nông dân là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp. Đề án được nông dân đồng thuận cao, số lượng máy gặt đập liên hợp đã hỗ trợ dân là 99 máy, nâng tổng số máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh hiện nay là 391 máy, đáp ứng trên 80% diện tích thu hoạch lúa của tỉnh. Nhìn chung, Đề án cơ giới hóa được người dân đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện. Lợi nhuận tính trên 1ha khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp so với thu hoạch thủ công là 4,3 triệu đồng, tiết giảm gần 20% chi phí sản xuất cho cây lúa. Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho biết: “Tất cả thành viên trong HTX đều gieo sạ bằng giống xác nhận để đảm bảo năng suất, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt là gần như 100% nông dân trong HTX áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Nhờ có máy gặt đập liên hợp mà người trồng lúa nhẹ công hơn, giảm được thất thoát, tăng phần lợi nhuận”.

Đối với Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến 2020 (Đề án 1000) cũng đã phát huy hiệu quả tích cực. Tính đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 1.844/3.000ha (949ha vườn tạp sang trồng cây ăn trái, 590ha đất mía kém hiệu quả, 305ha lúa 3 vụ sang trồng rau màu và nuôi thủy sản), chuyển đổi 1.239 hộ chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, mang lại kết quả tích cực, đây là giải pháp lâu dài, căn cơ để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp. Ông Trần Hoài Phong, Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, huyện Long Mỹ cho biết nông dân ở đây đã tích cực chuyển đổi cây trồng trên vùng đất nhiễm phèn, đặc biệt là mô hình trồng mãng cầu xiêm cho hiệu quả kinh tế cao. Theo kết quả thu hoạch của một số thành viên HTX, cây trồng được năm thứ 3 đến năm thứ 4 trung bình thu được 20-25 tấn/ha, bán với giá 15.000-20.000 đồng/kg, có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi héc-ta còn lợi nhuận từ 200-400 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng tập trung thực hiện Đề án về nâng cao chất lượng hoạt động của Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020. Ngành đã triển khai thực hiện một số nội dung và đạt kết quả như chính sách đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX; hỗ trợ HTX đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu hàng hóa nông sản và xây dựng nhãn hiệu cho các loại nông sản; chính sách tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX… Bên cạnh đó, còn xây dựng và thực hiện Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020; Đề án phát triển trạm bơm điện tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020 nhằm mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, tưới tiêu khoa học và chủ động phục vụ tái cơ cấu ngành thủy lợi và nông nghiệp. Đáp ứng được yêu cầu chống lũ, chống hạn, ngăn mặn, thời tiết cực đoan và những tác động của biến đổi khí hậu. Giúp người dân giảm giá thành, tăng giá trị và năng suất sản xuất, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp...

Lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh, hàng năm cho sản lượng trên 1,2 triệu tấn.

Những định hướng phát triển

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ngành tiếp tục tập trung đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới. Tham gia xây dựng mô hình 4.0 trong những lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp về nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất với mục tiêu đạt năng suất cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn. Chủ động phòng, tránh thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại rủi ro cho người dân.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tới đây sẽ đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Phải đặt nông dân vào vị trí trung tâm, vai trò chủ thể thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Rà soát, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng công nghiệp, hiện đại. Hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, nông dân, trong đó Nhà nước đóng vai trò cầu nối quan trọng trong mối liên kết bốn nhà, trong đó mối liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp đóng vai trò thiết yếu trong liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản đây thật sự là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.   

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng cho biết sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các đề tài khoa học công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm theo yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trong từng thời kỳ phát triển, hội nhập. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác cập nhật, theo dõi thông tin thị trường để từ đó có giải pháp, biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chất lượng sản phẩm, quy trình kỹ thuật, cân đối cung cầu. Ngoài ra, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách trong tái cơ cấu nông nghiệp như: chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển chăn nuôi nông hộ, phát triển thủy sản…

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>