Tiếp tục phát huy lợi thế nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

21/09/2020 | 07:46 GMT+7

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của địa phương để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và giúp các địa phương đạt nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM); thời gian qua, ngành chức năng huyện Vị Thủy đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm và đạt được những kết quả tích cực. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: 

Ông Trương Trần Trọng Hiếu (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, thăm mô hình sản xuất lúa thông minh tại xã Vị Thắng.

- Vị Thủy là huyện thuần nông, với diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 90% so với tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Do đa số người dân của huyện sống bằng nghề trồng lúa nên trong phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa đang là cây trồng chủ lực và Vị Thủy được xem là một trong những địa phương có vùng lúa nguyên liệu chủ yếu của tỉnh. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm đều đạt trên 46.000ha, năng suất bình quân 6,1 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt từ 280.000 tấn trở lên, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo giữ vững tiêu chí sản lượng lúa của tỉnh là đạt trên 1 triệu tấn/năm. Đặc biệt, huyện Vị Thủy có khoảng 8.000ha đất sản xuất lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Ngoài cây lúa, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và các loại rau màu, cây ăn trái khác cũng đang là thế mạnh đặc thù của huyện. Theo đó, diện tích rau màu gieo trồng hàng năm đạt trên 2.000ha, với sản lượng bình quân 30.000 tấn/năm. Rau màu là loại cây trồng đã và đang góp phần đáng kể trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương, giúp nâng cao thu nhập và mức sống của người dân trên cùng đơn vị canh tác. Bên cạnh đó, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đạt trên 500ha/năm, sản lượng hàng năm đạt trên 3.000 tấn. Mặt khác, toàn huyện còn có hơn 940 vèo nuôi thủy sản và có trên 5,5ha nuôi ba ba, nuôi lươn bể bạt,... đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và nâng thêm nguồn thu nhập của người dân địa phương. Song song đó, tổng đàn gia súc hàng năm của huyện đều đạt trên 17.000 con/năm, gia cầm đạt trên 600.000 con/năm. Nhờ các ngành chức năng của huyện và người chăn nuôi quan tâm nên con giống gia súc, gia cầm ngày càng được nâng cao về chất lượng khi có trên 95% con giống được sản xuất theo hướng nạc hóa, an toàn sinh học. Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đang tạo nguồn thu nhập quan trọng và không thể thiếu trong đời sống nông hộ.

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Vị Thủy đã triển khai những chương trình, dự án gì để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hiệu quả, thưa ông ?

- Thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, huyện Vị Thủy đã triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đây, góp phần xây dựng quê hương Vị Thủy ngày thêm giàu đẹp nhờ bà con sản xuất hiệu quả. Điển hình là Đề án cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã hỗ trợ 25 máy gặt đập liên hợp và một số máy làm đất khác cho người dân, từ đó góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí nhân công lao động, giảm thất thoát trong thu hoạch và giảm chi phí sản xuất cho người dân. Đến nay, đa số các khâu trong sản xuất lúa của người dân huyện Vị Thủy đều được cơ giới hóa, như: khâu làm đất và thu hoạch lúa được cơ giới hóa 100%, còn trong khâu gieo sạ người dân cũng áp dụng nhiều phương pháp như sạ hàng, máy sạ kết hợp phun phân, máy cấy, trong khâu bơm tưới thì hiện nay nhiều trạm bơm điện được đầu tư từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và xã hội hóa.

Bên cạnh đó, mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa không ngừng được nhân rộng. Cụ thể, mô hình này được triển khai đầu tiên vào vụ lúa Thu đông 2012 tại xã Vị Thanh, quy mô 107ha với 121 hộ dân tham gia. Sau nhiều năm triển khai, tính đến nay mô hình được nhân rộng thêm tại các xã Vị Trung, Vị Thủy, Vị Thắng,… với tổng diện tích được nâng lên hơn 1.252ha. Điều phấn khởi là các khu vực cánh đồng lớn trong canh tác lúa đã cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh về kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất và đảm bảo cơ giới hóa 100% trong khâu bơm tưới, làm đất và thu hoạch. Hiện nay, vào các vụ lúa hàng năm trên địa bàn huyện Vị Thủy có khoảng 16 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tham gia liên kết sản xuất và thu mua lúa cho người dân; đặc biệt là 100% diện tích lúa trong khu vực cánh đồng lớn được các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Ngoài ra, nhiều năm qua, ngành chức năng huyện Vị Thủy còn phối hợp với Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh tổ chức mở 795 lớp huấn luyện nông dân về canh tác lúa theo hướng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” tại các xã trên địa bàn huyện. Qua đây, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất lúa theo hướng tiết kiệm chi phí đầu tư trong các khâu canh tác để tăng lợi nhuận. Đồng thời, dự án VnSAT còn đầu tư, hỗ trợ cho nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện về cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ sản xuất hiệu quả.

Đặc biệt, để góp phần chung sức xây dựng NTM cho các địa phương trong huyện, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các đề tài, dự án khoa học. Đến thời điểm này đã tổ chức hỗ trợ cho hơn 200 hộ dân thực hiện các mô hình phát triển sản xuất như: mô hình trồng chanh không hạt, bưởi, dừa xiêm, nuôi vịt trời, nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi lươn thương phẩm, nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa, mô hình lúa cấy và canh tác lúa thông minh… Nhìn chung, các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được ngành chức năng huyện thực hiện có hiệu quả, kịp thời đã giúp người dân có điều kiện tổ chức sản xuất và ổn định việc làm, từ đó nâng cao nguồn thu nhập cho người dân.

Hướng đi đột phá trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được huyện Vị Thủy đã và đang thực hiện là gì, thưa ông ?

- Đó là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Cụ thể, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng và môi trường trước biến đổi khí hậu; thời gian qua, huyện Vị Thủy đã triển khai thực hiện được nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn, sạch và ứng dụng những khoa học công nghệ mới vào canh tác. Nổi bật như mô hình sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX sản xuất dưa hấu VietGAP ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây; mô hình trồng lúa hữu cơ tạo ra thương hiệu “gạo sạch Vị Thủy” ở HTX Tân Long, xã Vĩnh Tường; mô hình canh tác lúa thông minh ứng dụng công nghệ cao tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ Vị Thắng; mô hình sản xuất nấm rơm trong nhà lưới theo hướng an toàn tại HTX Nông sản sạch An Phát… Ngoài ra, nhiều nông dân trong huyện còn chọn hướng đi đột phá với việc đa dạng mô hình sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo tại xã Vĩnh Thuận Tây và Vị Thắng; mô hình nuôi lươn thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp; mô hình trồng nấm rơm trong nhà ở xã Vị Trung, Vĩnh Trung; mô hình trồng rau trong nhà lưới; mô hình sản xuất lúa giống bằng phương pháp cấy; mô hình kết hợp 2 vụ lúa - 1 vụ cá, 1 vụ lúa - 2 vụ màu...

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, có sản lượng hàng hóa quy mô lớn, ổn định; huyện Vị Thủy đang thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2020 này có 90% nông dân được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp; có 70% diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc tương đương trên 80%; đồng thời có 60% diện tích sản xuất lúa được doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ; 100% diện tích vườn tạp được cải tạo; 100% số xã được khép kín kiên cố theo chuẩn NTM.

Từ những đóng góp tích cực của lĩnh vực nông nghiệp, đến thời điểm này, công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện Vị Thủy đã đạt được những kết quả nào, thưa ông ?

- Đến thời điểm này, toàn huyện có 4/9 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 44,44%, gồm: Vị Thanh, Vị Thủy, Vị Thắng và Vị Trung; số tiêu chí bình quân là 15 tiêu chí/xã; đơn vị cấp ấp được công nhận đạt chuẩn nông NTM là 28/70 ấp, chiếm tỷ lệ 40%. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trong giai đoạn 2016-2019 là 448,5 tỉ đồng; riêng vốn cộng đồng dân cư đóng góp là 41,7 tỉ đồng, chiếm 9,3%. Có được kết quả xây dựng NTM như trên thì ngoài sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của Văn phòng điều phối NTM và các sở, ban, ngành tỉnh thì còn có sự nỗ lực của Huyện ủy, UBND huyện và sự tham gia tích cực của thành viên Ban chỉ đạo NTM huyện cũng như các ngành, đoàn thể và Nhân dân trong toàn huyện với nhiều chương trình, giải pháp hữu hiệu. Nổi bật là sản xuất nông nghiệp phát triển phù hợp với đặc điểm của địa phương như: nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo chuỗi giá trị... được triển khai sâu rộng. Nhờ vậy, chất lượng sản xuất được nâng cao, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với mục tiêu của địa phương đề ra.

Mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2020 của huyện Vị Thủy là xây dựng xã Vĩnh Thuận Tây đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt thêm từ 1-2 tiêu chí. Bên cạnh đó, các địa phương trong huyện luôn chú trọng chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn, đảm bảo diện mạo nông thôn thực sự sáng - xanh - sạch - đẹp...

 

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>