Tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp bền vững

09/02/2019 | 11:15 GMT+7

Những định hướng phù hợp cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện Phụng Hiệp năm vừa qua đã tiếp tục là nền tảng để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Văn Lẫy (bên phải), Bí thư Huyện ủy, tham quan mô hình chuyển đổi vật nuôi hiệu quả trên địa bàn.

Điều đó được minh chứng qua lĩnh vực sản xuất nông nghiệp năm 2018 tiếp tục phát triển; năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đều đạt và vượt chỉ tiêu với tổng giá trị sản xuất đạt 3.500 tỉ đồng, vượt kế hoạch năm gần 3%. Đây còn là kết quả tích cực sau một năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng mô hình phát triển bền vững (giai đoạn 2017-2020) theo tinh thần Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.

Quan tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Nhiều nhà vườn trồng nhãn Ido trên địa bàn xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 với tâm trạng đầy phấn khích. Một phần là nhờ giá cả, thị trường tiêu thụ loại nông sản này khá ổn định trong suốt năm qua. Có chung tâm trạng như thế, anh Đặng Văn Phước, ở ấp Tầm Vu 2, xã Thạnh Hòa, thừa nhận: “Nhờ chuyển đổi 28 công ruộng sang trồng nhãn Ido mà cuộc sống gia đình tôi ngày càng sung túc hơn”.

Trồng nhãn Ido - một trong những mô hình sản xuất hiệu quả ở huyện Phụng Hiệp.

Anh Phước cũng chia sẻ rằng, nhãn Ido là trái cây có hương vị ngọt thơm đặc trưng nên khách hàng ưa chuộng, đầu ra sản phẩm rộng. Đáng nói là năm qua, loại nhãn này được thương lái thu mua tại vườn của nông dân với mức giá khá cao, dao động từ 20.000 đồng/kg trở lên. Tính ra, 1ha nhãn Ido 5 năm tuổi có thể cho năng suất bình quân khoảng 15-16 tấn trái, sau khi trừ các khoản chi phí, nhà vườn còn lời hơn 250 triệu đồng.

Ngoài nhãn Ido ở xã Thạnh Hòa, Bình Thành thì hiện nay các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện còn tập trung định hướng người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang canh tác nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao.

Trong đó phải kể đến mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, trồng mãng cầu xiêm, chanh không hạt theo hướng an toàn thực phẩm… góp phần tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện nhà.

Chưa kể là trên cơ sở Nghị quyết số 04 về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng mô hình phát triển bền vững, giai đoạn 2017-2020”, ngành chuyên môn huyện đã tập trung rà soát, điều chỉnh, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương; xác định cụ thể từng vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo hướng chuyên canh, tập trung và phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, như: vùng mía nguyên liệu 5.100ha, sản xuất lúa 19.900ha; cây ăn trái 7.800ha, nuôi cá tra thâm canh 350ha...

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết thời gian qua, đơn vị luôn quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện. Cùng với đó là triển khai xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung theo hướng hàng hóa lớn, nâng cao năng suất, chất lượng; phát triển nhãn hiệu, kênh tiêu thụ để tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, góp phần cải thiện đời sống người dân trên địa bàn.

Gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản

Những tháng chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, huyện Phụng Hiệp tổ chức Hội nghị về thực trạng, giải pháp sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Tại đây, nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm thực hiện tốt khâu liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao đời sống người dân. Điều đặc biệt là hội nghị diễn ra trong bối cảnh địa phương đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đưa nông sản do bà con làm ra có thể tiêu thụ ổn định trên thị trường.

Cụ thể, giải pháp trước mắt là thực hiện các cơ chế, chính sách của Chính phủ trong khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng trong liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp.

Cùng với đó, ngành chuyên môn sẽ hỗ trợ các dự án xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu cũng như hình thành điểm thu gom đầu mối, trưng bày nông sản; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.

Theo ngành nông nghiệp huyện, hiện địa phương đã liên kết sản xuất và tiêu thụ nhiều loại nông sản chủ lực như lúa, mía, mãng cầu xiêm, chanh không hạt… với doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện. Phát huy lợi thế này, đơn vị sẽ tiếp tục khuyến khích bà con đẩy mạnh sản xuất theo hướng GAP, công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu.

Ông Võ Văn Phải, Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu xiêm ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, cho hay: “Trước nhu cầu của doanh nghiệp còn nhiều nên tới đây chúng tôi sẽ vận động bà con bên ngoài tham gia vào hợp tác xã để tăng diện tích trồng và sản lượng mãng cầu xiêm. Đồng thời, thực hiện việc trồng mãng cầu theo hình thức bón phân hữu cơ, hạn chế bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật để vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, vừa hạn chế độc hại cho bản thân”.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lẫy thông tin, sắp tới Huyện ủy sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, định hướng xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất công nghệ cao, hữu cơ, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 04.

Từ sự thành công bước đầu của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kết hợp giải pháp chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao cuộc sống người dân nông thôn trên địa bàn huyện…

Ông Nguyễn văn Lẫy, Bí thư Huyện ủy:

- “Việc ban hành Nghị quyết số 04 đã cho thấy sự quyết tâm triển khai, thực hiện thắng lợi khâu đột phá của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng và phát triển nhãn hiệu một số mặt hàng nông sản chủ lực, đáp ứng yêu cầu thị trường”.

 

Toàn huyện Phụng Hiệp hiện có 822 tổ chức, hộ gia đình xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trừ chi phí cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có nhiều mô hình tiêu biểu thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, như: trồng mãng cầu xiêm (200ha ở xã Hòa Mỹ); sầu riêng (65ha ở xã Tân Bình, Thạnh Hòa, Hòa Mỹ); trồng nhãn Ido (36ha ở xã Thạnh Hòa, Bình Thành); dưa lưới (ở xã Bình Thành); nuôi ba ba, cua đinh (ở xã Thạnh Hòa, Hiệp Hưng, Hòa An)…

 

AN CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>