Trầm lắng vùng mía mùa thu hoạch

25/10/2017 | 08:24 GMT+7

Tuy các địa phương có vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đang bước vào mùa thu hoạch nhưng không khí rất trầm lắng. Trong khi, nước lũ đang về đã gây nhiều khó khăn và áp lực cho nông dân.

Thương lái mua mía ít, nhiều diện tích bị ngập nước đã gây khó khăn trong thu hoạch và lo lắng cho nông dân. 

Nếu vào thời điểm này của cùng kỳ năm trước, khi giá đường trên thị trường và giá mía ở mức cao thì không khí mùa vụ thu hoạch mía diễn ra rất sôi động tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi thương lái còn có những “mánh khóe” để tranh giành nguồn nguyên liệu đem về nhà máy. Thế nhưng năm nay, tuy đã vào vụ hơn 20 ngày nhưng tình hình thu hoạch mía đang rất trầm lắng do lượng thương lái có mặt để mua mía trong dân rất thưa thớt, chủ yếu là thương lái địa phương, còn thương lái ở một số tỉnh lân cận đến thu mua như những năm vừa qua là không có.

Chị Nguyễn Thị Trúc, một thương lái đang cân mía cho người dân tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, nhận định: “Năm nay, giá mía cân tại nhà máy đường giảm so cùng kỳ, hơn nữa việc đánh giá chữ đường (CCS) của nhà máy cũng có nhiều bất cập, trong khi đến rẫy phải mua mía nguyên liệu với giá cao thì nông dân mới bán. Do đó, một số thương lái chở vài chuyến mía ban đầu thấy không có lời nên sinh ra nản và không đi tiếp nữa”.

Còn ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho rằng: Với giá đường đầu vụ năm nay đang ở mức 13.500 đồng/kg, thấp hơn 2.500kg so với cùng kỳ. Mặt khác, giá mía nguyên liệu tại rẫy hiện dao động từ 950-1.050 đồng/kg đối với giống mía ROC 16. Căn cứ vào hai yếu tố này thì thương lái ngoài tỉnh khó có thể đến Hậu Giang mua mía vì không có lời do đường vận chuyển xa. Ngoài ra, hiện toàn vùng ĐBSCL chỉ có 4 nhà máy đường vào vụ ép nên số lượng thương lái có phần giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vào thời điểm này, bình quân mỗi ngày toàn tỉnh đốn khoảng 100ha mía, đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. 

Có thể nói, việc giảm thương lái mua mía đã phần nào làm chậm tiến độ thu hoạch cho bà con trong lúc này. Điển hình tại vùng mía huyện Phụng Hiệp, theo kế hoạch phân vùng đốn mía ban đầu của địa phương, trong tháng 9 và tháng 10, toàn huyện sẽ thu hoạch gần 3.800ha mía (cộng luôn diện tích bán mía chục trước đó) trong tổng số 7.493ha đã xuống giống. Đây là những diện tích thuộc giống mía chín sớm như ROC 16 và tương đương. Đồng thời, đa phần các rẫy mía ưu tiên đốn trong hai tháng này đều nằm ngoài đê bao ngăn lũ của huyện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn huyện Phụng Hiệp chỉ mới thu hoạch được hơn 2.200ha, khả năng đến cuối tháng 10 này khó đạt kế hoạch.        

Việc đốn mía chậm tiến độ đang là nỗi lo của nông dân về khả năng mía sẽ bị ảnh hưởng do lũ. Bởi do ảnh hưởng của bão nên trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua có mưa dầm và kèm theo triều cường dâng cao trên các sông, kênh, rạch… làm ngập liếp mía tại một số địa phương, gây nhiều khó khăn trong thu hoạch và lo lắng cho nông dân chưa bán mía.  

Chỉ tay về phía nhân công đang thu hoạch 5 công mía của gia đình, ông Lý Văn Suôl, ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Triều cường dâng và ngập khỏi liếp mía đã hơn một tuần qua. Xót lòng khi thấy mía bị ngập nên gia đình tôi phải chạy đôn, chạy đáo kiếm thương lái để bán mía nhưng rất khó khăn vì năm nay ít lái đi mua mía. Dù canh tác giống ROC 16 nhưng một phần mía không được đẹp, mặt khác thấy nước ngập nên thương lái chỉ mua với giá 880 đồng/kg. Tuy giá thấp nhưng cũng đành chấp nhận bán chứ càng để lâu mía bị chết thì lỗ nhiều hơn”.

Cùng nỗi lo về lũ, ông Trần Văn Nhãn, ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nước đã ngập xem xép liếp mía mấy ngày nay, nhưng cũng may là tôi vừa bán xong gần 2 công mía giống ROC 16, giá 1.000 đồng/kg cho thương lái nên phần nào đã an tâm. Bởi nhiều hộ nơi đây tuy mía đã đến ngày đốn nhưng vẫn còn nằm chờ tài và không biết đến lúc nào mới bán được vì vắng bóng thương lái, trong khi nước lũ đang về ngày một nhiều”.

Song song với nỗi lo về chuyện ít thương lái đến mua mía, nước lũ uy hiếp thì giá nhân công cũng đang là gánh nặng cho người trồng mía khi đang tăng “chóng mặt” trong những ngày qua. Nếu vào thời điểm đầu vụ (đầu tháng 10), giá thuê nhân công đốn mía ở mức 140.000-160.000 đồng/tấn (tùy theo đường xa hay gần), tăng khoảng 20.000 đồng/tấn so với cùng kỳ thì nay giá thuê đã lên 180.000-200.000 đồng/tấn. Riêng một số vùng trả tiền nhân công bằng cách đo thước mà năng suất lại thấp thì giá có thể lên đến 250.000 đồng/tấn.

“Năm nay, người trồng mía khó có mùa mía “ngọt” như 2 vụ liên tiếp vừa qua. Nguyên nhân là hầu hết các rẫy mía đều giảm năng suất từ 4-5 tấn mía/ha, cộng với giá bán trong lúc này cũng giảm từ 100-200 đồng/kg so với cùng kỳ, trong khi giá thuê nhân công thì tăng vọt”, ông Trần Văn Nhãn, ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, cho biết thêm.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, những ngày qua tuy nước lũ có dâng cao và mực nước đang cao hơn khoảng 10cm so với cùng kỳ, nhưng qua kiểm tra thực tế thì nước lũ chưa gây ảnh hưởng đến các vùng mía chưa thu hoạch trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin: Tuy toàn huyện hiện còn hơn 2.000ha mía nằm ngoài đê bao ngăn lũ, nhưng những diện tích mía đã thu hoạch xong thì đa phần thuộc diện này. Còn một phần diện dích chưa thu hoạch dù nằm ngoài đê bao nhưng vẫn có cống, bờ bao kiên cố và nằm trên bờ liếp cao nên có khả năng chống lũ nhỏ được. Mặc dù là vậy, nhưng để tránh thiệt hại do lũ, ngành nông nghiệp huyện đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương tiếp tục đi kiểm tra xác định vùng ưu tiên đốn mía; đồng thời kêu gọi các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh tăng cường thu mua, cũng như phân bổ thu hoạch mía hợp lý nhằm đảm bảo tiến độ và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>