Triển vọng giống lúa chịu mặn

25/04/2018 | 09:04 GMT+7

Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa nghiên cứu thành công 2 loại giống lúa chịu được độ mặn cao, qua đây đã mở ra hướng đi mới cho nông dân sản xuất lúa trong vùng.

Nhiều ưu điểm

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT thì vùng ĐBSCL đang gặp phải xu hướng nhiễm mặn gia tăng. Trong đó, mùa khô năm 2016 được xem là đỉnh điểm của hạn, mặn gây thiệt hại lớn đối với sản xuất lúa trong vùng, đặc biệt ở các tỉnh ven biển. Xu hướng này sẽ tác động tiêu cực đến năng suất cũng như tính bền vững trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Song song đó, hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo cũng đang đòi hỏi giống lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị tăng thêm và thu nhập cho nông dân.

Trước nhu cầu bức thiết đó, các nhà chuyên môn thuộc Viện Lúa ĐBSCL vừa nghiên cứu thành công 2 giống lúa chịu được độ mặn cao đó là OM 9577 và OM18. Hai giống lúa này đã được chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm từ năm 2011. Nhóm tác giả của Viện Lúa ĐBSCL bao gồm PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa và kỹ thuật viên Huỳnh Thị Phương Loan (riêng giống lúa OM 9577 có thêm sự tham gia của tiến sĩ Phạm Trung Nghĩa).

Hai giống lúa mới OM 9577 và OM18 trồng thử nghiệm ở ĐBSCL cho năng suất cao, chịu mặn tốt, rất triển vọng.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Đây là hai giống lúa có những phẩm chất nổi trội, phù hợp để canh tác trong cả 3 vụ, thích hợp trồng cả trong các vùng hạn, mặn, phù hợp để sản xuất gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Cả 2 giống lúa mới này đã được Bộ NN&PTNT công nhận vào năm 2017 và cho phép sản xuất thử tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ. 

Cụ thể, giống OM 9577 là giống lúa cao sản, ngắn ngày (khoảng 100-107 ngày), cho năng suất cao, có khả năng chống chịu rầy nâu, đạo ôn và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Giống này có khả năng chống chịu mặn khoảng 4‰, tính thích nghi rộng và canh tác được các vụ trong năm, có thể đưa vào cơ cấu canh tác để dần thay thế giống lúa đang trồng phổ biến tại vùng nhiễm mặn ĐBSCL. Đối với giống lúa OM18 có nhiều ưu điểm nổi trội như chống chịu mặn cao ở ngưỡng 3-4‰, kháng sâu bệnh, nhất là kháng cao và ổn định đối với bệnh đạo ôn, năng suất cao và thời gian sinh trưởng ngắn. OM18 còn có các ưu điểm là giống lúa thơm, phẩm chất gạo tốt với hàm lượng amylose thấp (18-19%), gạo có dạng hạt thon dài (trên 7mm), tỷ lệ gạo nguyên khá (41-43%); chất lượng gạo tốt, cơm trắng đẹp, mềm và có mùi thơm, mặt gạo đẹp, trong, ít bạc bụng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi đưa vào sản xuất thử, giống lúa OM18 phát triển mạnh ở các vùng nhiễm mặn ven biển thuộc vùng ĐBSCL. Qua điều tra bước đầu, diện tích sản xuất giống lúa OM18 được Sở NN&PTNT các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và Cà Mau xác nhận hơn 2.014ha.

Hợp tác nhân rộng

Có thể nói, việc các nhà chuyên môn của Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu thành công 2 giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, chịu độ mặn cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu gạo... đã mở ra hướng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL, làm nhiều nông dân phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, tâm sự: “Qua theo dõi thì tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng không nhỏ cho việc cơ cấu sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm ở các vùng ven biển. Thông thường sản xuất lúa vào mùa khô nên dễ bị thiệt hại nếu mặn về sớm, độ mặn cao… Nay, các nhà chuyên môn của Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu thành công 2 giống lúa chịu mặn 4‰, là cơ hội tốt để nông dân chúng tôi an tâm canh tác lúa, hướng tới nền nông nghiệp bền vững”.

Để nhanh chóng đưa những giống lúa chịu mặn này đến với nhiều nông dân sử dụng, Viện Lúa ĐBSCL vừa hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời (một trong những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp) chuyển giao 2 giống trên nhằm nhân rộng. Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, bộc bạch: “Lộc Trời là tập đoàn lớn về nông nghiệp, được đầu tư bài bản từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến; có đội ngũ cán bộ kỹ thuật rộng khắp các tỉnh ĐBSCL và nhiều nơi khác, có quan hệ mật thiết, gần gũi với nông dân... Do đó, Viện rất an tâm khi chuyển giao 2 giống lúa chịu mặn này để Lộc Trời phát triển nhanh chóng, đáp ứng tốt cho việc sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu và nhu cầu xuất khẩu gạo của nước ta”.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ: “Tập đoàn Lộc Trời rất vui mừng khi vừa được Viện Lúa ĐBSCL tin tưởng, chuyển giao 2 giống lúa chịu mặn cao để tập đoàn nhân rộng, đưa vào sử dụng rộng rãi ở các tỉnh ĐBSCL và những nơi khác. Chúng tôi sẽ thực hiện thật tốt 2 giống lúa này nhằm đưa xuống cho nhiều nông dân sử dụng, hưởng lợi…”. PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL), nhận định: “Lộc Trời hiện có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh hạt giống. Tập đoàn có đội ngũ các nhà di truyền chọn giống, có trình độ chuyên môn trong lai tạo chọn lọc các giống lúa mới, có trang thiết bị sinh học phân tử hiện đại. Lộc Trời cũng có vùng nguyên liệu để có thể thử nghiệm các giống lúa mới trong quá trình sản xuất thử. Cùng với mạng lưới phân phối hạt giống rộng khắp nhờ kết hợp với mạng lưới phân phối thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Lộc Trời luôn có thế mạnh để đưa các loại giống mới, chất lượng cao vào thị trường… Từ những lợi thế đó nên việc chuyển giao 2 giống lúa mới chịu độ mặn cao cho tập đoàn sẽ nhanh chóng được nhân rộng cho nông dân thụ hưởng”.

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>