Triển vọng mô hình nuôi vịt biển

04/01/2018 | 10:41 GMT+7

Qua nuôi thử nghiệm dự án “Nuôi vịt biển thích ứng với môi trường nước bị nhiễm mặn” do kỹ sư Trần Quốc Yên, Trạm Khuyến nông thành phố Vị Thanh làm chủ nhiệm ở 2 hộ dân đều được đánh giá cao. Mô hình hứa hẹn sẽ đem đến cho người dân vùng bị nhiễm mặn thêm một lựa chọn sinh kế mới.

Nhận thấy giống vịt biển khỏe, hiệu quả kinh tế cao nên ông On quyết định không bán, để lại nhân giống cho lứa tiếp theo.

Chủ nhiệm dự án Trần Quốc Yên chia sẻ: “Mô hình được kế thừa từ kết quả đề tài nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, Kiên Giang và Trà Vinh. Mục tiêu của dự án là tìm ra giống vịt mới thích hợp với tình hình xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trên địa bàn thành phố Vị Thanh những năm qua. Qua mô hình, chúng tôi đã chuyển giao tiến bộ khoa học, giống vịt cho nông dân, giúp bà con phát triển kinh tế hộ. Hơn nữa, mô hình còn đặt ra mục tiêu sẽ tăng lợi nhuận cho người nuôi vịt từ 1-1,8 lần so với nuôi vịt thông thường”.

Mô hình được thực hiện tại 2 hộ dân với quy mô 300 con vịt biển một ngày tuổi. Hộ tham gia dự án được hỗ trợ 50% thức ăn, thuốc sát trùng chuồng trại, thuốc kháng sinh, vắc-xin. Ngoài ra, người dân còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn, cách phòng trị bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học, hướng dẫn ghi chép sổ sách theo dõi đàn vịt đến lúc xuất bán. Qua 6 tháng nuôi, nông dân đánh giá vịt biển kháng bệnh cao, thích hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Ông Lê Văn On, ở ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, nhận xét: “Tỷ lệ nuôi sống đạt đến 91%. Vịt ăn khỏe, nuôi gần 5 tháng là đạt trọng lượng 3kg/con. So với vịt siêu thịt mà tôi nuôi trước kia thì chất lượng thịt ngon hơn, da mỏng, ít mỡ và đặc biệt khi chế biến thức ăn không bị hôi mùi lông vịt. Thấy giống vịt này chất lượng nên gia đình tôi và chủ nhiệm dự án đã giữ lại để nhân giống, gây đàn cho lứa tiếp theo”.

Còn kết quả ghi nhận tại hộ ông Nguyễn Văn Ngọc, ở ấp Thuận An, xã Hỏa Tiến, cũng với 150 con thì có sức tăng trọng gấp 10-15% so với các loại vịt khác. Gần 6 tháng nuôi, một con vịt biển đạt trọng lượng 3,3kg, trong khi đó vịt thường chỉ đạt 2,5kg/con. Ông Ngọc cho biết: “Đợt nuôi rồi tôi bán vịt với giá 40.000-45.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 3,7 triệu đồng sau 6 tháng nuôi”.

Qua thực tế cho thấy, mặc dù đây là giống vịt biển nhưng sống tốt trong điều kiện nước lợ. Mô hình triển khai sau đợt bị ngập mặn (khoảng tháng 6-2017) nhưng vịt vẫn phát triển tốt. Chủ nhiệm dự án cho biết, vịt chịu được độ mặn gần 20‰. Nhưng tỉnh Hậu Giang bị xâm nhập với độ mặn cao nhất là 12‰ nên sẽ chịu được độ mặn này. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi thì vịt vẫn thích nghi tốt với môi trường nước lợ thường xuyên trên sông, rạch của tỉnh. Vì vậy, đây là giống vịt có thể khuyến cáo người dan nuôi thường xuyên trong tỉnh.

Đánh giá cao về mô hình mới này, ông Hồ Hồng Lâm, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, nhận định: “Mô hình này giúp đa dạng hóa giống vịt thích hợp với các vùng nước lợ, nước mặn cùng lúc áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tuy bước đầu thử nghiệm, giới thiệu trong dân nhưng người tiêu dùng vịt thương phẩm rất ưng ý vì chất lượng thịt ngon, ít mỡ. Dự kiến sắp tới, Phòng Kinh tế sẽ đề nghị Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình bằng cách thực hiện dự án nhân nuôi vịt giống. Dự án sẽ cung cấp nguồn con giống tại chỗ chất lượng, giá cả thấp hơn so với mua tại các tỉnh bạn.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>