Trồng ấu sừng thu lãi cao

19/07/2019 | 07:28 GMT+7

Ấu là loại cây trồng thích hợp ở những vùng đất trũng thấp nên được bà con nông dân ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, lựa chọn trồng trong mùa nước nổi cho nguồn thu nhập cao.

Anh Mậu đang chăm sóc ruộng ấu của mình.

Là một trong những hộ trồng ấu sừng lâu năm ở địa phương, anh Ngô Văn Mậu, ngụ ấp Nhì, xã Thạnh Hòa, cho biết gia đình có 8.000m2 đất nông nghiệp. Một năm anh chỉ làm lúa vụ Đông xuân, còn vụ Hè thu anh cho nước vào ruộng bắt đầu dọn đất để trồng ấu rồi thu hoạch dần cho đến khi người trồng lúa vụ Thu đông kết thúc. Anh Mậu cho rằng, trong các loại cây thủy sinh như: rau nhút, rau ngổ, sen... thì cây ấu sừng được nhiều nông dân ở địa phương chọn để canh tác nhiều. Vì đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, khi phần lớn diện tích đất trồng lúa vụ 3 đều bị ngập nước.

Đối với cây ấu sừng có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, thu hoạch kéo dài nên được nhiều nông dân lựa chọn để canh tác. Ngoài ra, loại ấu này có chất lượng ngon, ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt ấu là loại cây dễ trồng, chủ yếu là bón phân và phòng ngừa sâu, ốc tấn công lúc cây còn nhỏ. Cây ấu trồng sau thời gian 2 tháng là có thể thu hoạch, thời điểm này mực nước đang lên, lượng phù sa nhiều, đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây nên người trồng nhẹ công chăm sóc. Tuy nhiên, để ấu đạt năng suất cao, người trồng cần phải chuẩn bị giống tốt, đảm bảo không có mầm bệnh hay dị tật.

Về kỹ thuật canh tác, anh Mậu cho biết ấu giống khi thả xuống ruộng thì cho nước ra vào thường xuyên, tránh tình trạng nước trong ruộng bị ứ đọng, hôi thối. Ngoài ra, trong quá trình canh tác phải thường xuyên bón các loại phân hữu cơ để thúc đẩy cây phát triển nuôi trái, kéo dài được thời gian thu hoạch từ 6-8 đợt/vụ. Bên cạnh đó, năng suất trái cũng được nâng lên không dưới 800-900kg/công, còn nếu ấu được chăm sóc tốt hơn thì 1 công ấu có thể cho năng suất hơn 1 tấn trái/công/vụ.

Còn anh Phạm Minh Lâm, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết điều kiện đất đai nơi đây không đồng đều, một số khu vực trong xã thuộc vùng trũng thấp, nông dân không sản xuất được lúa vụ 3, nhưng nhờ trồng ấu mà bà con vẫn có nguồn thu nhập khá. “Gia đình tôi canh tác gần 1ha ấu sừng đen, đã thu hoạch được 2 đợt, đợt 1 năng suất 900kg/công, đợt 2 đạt 700kg/công. Thương lái mua tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg, tính ra sau khi trừ đi các khoản chi phí còn lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/vụ”.

Anh Lâm còn cho biết ngoài việc tạo được nguồn thu nhập thêm cho bà con nông dân thì việc canh tác ấu trong những tháng nước nổi còn góp phần tạo được công ăn việc làm cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương, bằng cách thuê mướn người chăm sóc, thu hoạch ấu, bình quân mỗi lao động cũng có mức thu mức nhập từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh nguồn lợi kinh tế từ cây ấu, nông dân còn tận dụng thân và lá của cây ấu để làm phân hữu cơ cho ruộng lúa trong những vụ tiếp theo. Ngoài ra, trong quá trình canh tác ấu, ruộng lúa có được lượng phù sa bồi lắng, giúp cây lúa phát triển tốt. Đồng thời, hạn chế được dịch bệnh gây hại do cách ly được thời gian canh tác giữa 2 vụ.

Một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã Thạnh Hòa đi cùng và nói với tôi rằng: Người trồng ấu cũng cần am hiểu nhiều về kỹ thuật canh tác mới đạt được năng suất cao. Trước khi cấy ấu là khâu làm đất phải sạch cỏ, diệt tận gốc ốc bươu vàng, mỗi công đất ruộng chỉ cần cấy từ 800-1.000 cây ấu giống. Bên cạnh đó, còn tùy theo sự phát triển của ấu mà cho nước vào vừa đủ, đến khi ấu được 1-2 tháng tuổi rễ ấu dài thì nước ngập cao cũng không ảnh hưởng. Đến khoảng 85-90 ngày thì ấu bắt đầu ra hoa và cho trái ở cổ nhất, thu hoạch được khoảng 3 đợt trái, mỗi đợt cách nhau khoảng 15-20 ngày. Sau đó thì tới cổ nhì là hái cho tới lúc nước rút, tầm tháng 10 âm lịch ấu hết trái và kết thúc vụ. Đó cũng là thời điểm bà con mình làm đất, chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông xuân.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>