Từng bước loại bỏ hóa chất độc hại

02/10/2018 | 15:18 GMT+7

Để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm là phải loại bỏ các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại; thay vào đó là các loại thuốc sinh học, bảo vệ sức khỏe con người. Tuy nhiên, làm cách nào để loại bỏ các loại hóa chất nguy hiểm này? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung , Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xung quanh vấn đề này.

Phun thuốc trừ sâu lên rau muống tại ngoại thành Hà Nội

° PHÓNG VIÊN: Nhiều nhà khoa học nhận định rằng, mỗi năm Việt Nam đổ xuống đồng ruộng khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV các loại. Theo ông, nhận định này có đúng?

Ông Hoàng Trung , Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

° Ông HOÀNG TRUNG: Thông tin cho rằng mỗi năm có tới 100.000 tấn hóa chất, thuốc BVTV dùng để trồng trọt là không chính xác. Theo tính toán của chúng tôi, trung bình mỗi năm tổng lượng hóa chất mà các doanh nghiệp của Việt Nam nhập khẩu hoặc sản xuất, kinh doanh, sử dụng là khoảng 100.000 tấn nhưng trong số đó có tới 40% là nhập khẩu sau đó gia công để xuất đi các nước khác mà không sử dụng trong nước. Khoảng 10% là các loại thuốc xông hơi, khử trùng dùng để xử lý hàng nông sản, diệt các loại mầm bệnh, nấm mốc trên nông sản trước khi xuất khẩu. Vì thế, nếu nói về các loại thuốc trừ sâu bệnh, dịch hại thì tính ra mỗi năm chúng ta chỉ sử dụng khoảng 30.000 tấn.

Cũng có thông tin cho rằng hiện ở Việt Nam đang có tới 1.744 hoạt chất thuốc BVTV. Nói như vậy là không đúng, trên thế giới cũng không thể có nhiều hoạt chất thuốc trừ sâu bệnh như thế. Thực tế, hiện nay ở nước ta chỉ có 385 hoạt chất đơn và từ các hoạt chất đơn này có thể tạo ra hơn 1.000 hỗn hợp các hoạt chất với nhau. Nếu có tới 1.744 hoạt chất dùng để sản xuất thuốc BVTV thì sẽ không thể quản lý nổi.

° Tuy nhiên, 30.000 tấn thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ mỗi năm cũng là rất lớn, chưa kể các loại phân bón vô cơ, hóa chất khác đổ xuống đồng ruộng, tàn phá môi trường, đe dọa trực tiếp sức khỏe cả người sử dụng lẫn người tiêu dùng thực phẩm. Chính sách của Bộ NN-PTNT về vấn đề này như thế nào?

° Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay, Việt Nam đã quá dư thừa các sản phẩm thuốc BVTV nên đã đến lúc phải ngăn chặn, hạn chế sử dụng, nếu không thì môi trường sẽ bị hủy hoại, sức khỏe con người không được đảm bảo. Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ rồi các loại thuốc kích thích sinh trưởng… không chỉ đe dọa sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng về mặt kinh tế tới sản xuất nông nghiệp, là rào cản lớn khi xuất khẩu nông sản, vì xu thế của các nước nhập khẩu hiện nay là siết chặt quản lý an toàn thực phẩm.

° Vậy lộ trình, chiến lược để giảm thiểu các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, trừ cỏ độc hại ở Việt Nam là gì?

° Từ năm 2017 đến nay, Cục BVTV đã tham mưu, đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét, loại bỏ hàng loạt hoạt chất thuốc BVTV độc hại, không còn phù hợp, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Cụ thể là trong năm 2017, Bộ NN-PTNT đã có quyết định loại bỏ 6 hoạt chất thuốc BVTV, không cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Việc cấm sử dụng và lưu hành các hoạt chất này đã loại bỏ hơn 1.000 tên thương phẩm (nhãn hiệu) thuốc có độc tính cao, tồn dư trên nông sản, gây ảnh hưởng cho sức khỏe con người, môi trường sinh thái và các thuốc không đáp ứng quy định.

Đến cuối tháng 8 vừa qua, Bộ NN-PTNT tiếp tục có quyết định loại bỏ thêm 4 hoạt chất khác (gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide) ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Như vậy, đến nay đã có 10 hoạt chất bị cấm sử dụng tại Việt Nam. Việc rà soát, loại bỏ vẫn còn tiếp tục. Trong thời gian tới, cục sẽ tiếp tục trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT xem xét loại bỏ thêm 3 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật khác gồm Fipronil, Chlorpyrifos (thuốc trừ sâu bệnh độc hại) và Glyphosate (thuốc trừ cỏ). Trong đó, Glyphosate là hoạt chất dùng để sản xuất thuốc trừ cỏ mà thời gian qua dư luận trên thế giới cũng như trong nước xôn xao khi có phán quyết cho rằng đây là nguyên nhân gây ung thư. Dù còn có những tranh luận với quan điểm trái ngược, song nhiều nước đã có xu thế cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate.

° Các hoạt chất đề nghị cấm lại chính là những hóa chất mà Bộ NN-PTNT từng cấp phép, bây giờ loại bỏ thì có vi phạm, doanh nghiệp sẽ xoay xở như thế nào?

° Việc loại bỏ các hoạt chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe con người, đe dọa môi trường được thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật. Có những loại thuốc bây giờ bị sâu bệnh kháng, có hiệu lực sinh học thấp, không còn phù hợp nên được phép loại bỏ. Tuy nhiên, quá trình loại bỏ cũng không thực hiện đột ngột mà để tránh ảnh hưởng tới kinh doanh của doanh nghiệp, trong quyết định cấm vẫn cho phép doanh nghiệp được lưu hành thêm 1 năm để tiến tới chấm dứt hẳn. Trong năm 2017, trong số hơn 1.000 tên thương phẩm thuốc BVTV được loại bỏ, cục đã vận động các doanh nghiệp tự rút khỏi danh mục 206 tên thương phẩm. Việc loại bỏ các hoạt chất không đảm bảo chất lượng sẽ được làm liên tục ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác và sẽ được làm triệt để. Chúng tôi sẽ rà soát tổng thể và loại bỏ dần các hoạt chất độc hại. Riêng với cây lúa, hiện nay đang có tới 3.321 loại thuốc BVTV nên nếu có loại bỏ 2.000 loại thì cũng không ảnh hưởng. Với mục tiêu quản lý chặt chẽ, chỉ để lại trong danh mục những loại thuốc BVTV thực sự hiệu quả, phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn, bền vững. Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục siết lại công tác khảo nghiệm, đăng ký thuốc BVTV. Bằng cách kiểm soát chặt chẽ ngay “đầu vào”, bao gồm xem xét kỹ lưỡng các căn cứ thực hiện khảo nghiệm, trình tự thực hiện khảo nghiệm… chắc chắn sẽ giảm thiểu được các loại thuốc độc hại, không còn phù hợp.

° Nhưng các nhà khoa học cho rằng sử dụng thuốc BVTV vẫn là giải pháp không thể khác trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Nếu cấm dần các loại hóa chất thì nông dân sẽ sử dụng loại thuốc nào?

° Chúng ta đang hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và xanh - sạch để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Quốc hội và Chính phủ cũng đã định hướng, sản phẩm nông nghiệp làm ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trả lại môi trường trong sạch trong nông nghiệp. Để làm được mục tiêu này, buộc phải giảm thiểu tình trạng lạm dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp bằng cách thay thế dần các loại thuốc hóa học, phân bón vô cơ, các hoạt chất có độc tính cao sang các loại thuốc BVTV hiệu quả, an toàn hơn, đặc biệt là các loại thuốc sinh học. Theo đề án quản lý thuốc BVTV từ nay đến năm 2020, Việt Nam cố gắng sử dụng khoảng 30% sản phẩm thuốc BVTV sinh học, ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký và sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; đồng thời rút ngắn, loại bỏ khoảng 30% tên thương phẩm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Với phân bón, hiện Bộ NN-PTNT cũng đặt mục tiêu tăng lượng phân bón hữu cơ từ 5% hiện nay lên 10% với mức đáp ứng khoảng 3 triệu tấn/năm.

° Ở những vùng canh tác đang bị nhiễm nặng thuốc BVTV thì có giải pháp nào để phục hồi hệ sinh thái không, thưa ông?


° Để phục hồi hệ sinh thái thì bên cạnh giảm thiểu lượng hóa chất dùng trong trồng trọt, điều quan trọng là phải thay đổi tập quán, quy trình canh tác. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường cho bà con nông dân, tiêu biểu như chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và các mô hình công nghệ sinh thái, chương trình thâm canh lúa cải tiến, gieo sạ né rầy… để hạn chế dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Nhưng giải pháp hiệu quả để kiểm soát tình trạng lạm dụng thuốc BVTV là đẩy mạnh các chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ, qua đó giám sát quá trình sử dụng thuốc BVTV, phân bón của bà con nông dân, tổ chức thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, không để gây ô nhiễm môi trường.

° Xin cảm ơn ông!

Theo PHÚC HẬU/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>