Vào vụ thu hoạch lúa Hè thu

17/07/2018 | 09:45 GMT+7

Dù thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên lúa nhiều, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật nên vụ Hè thu này khả năng nông dân có lãi khá.

Lúa của ông Nguyễn Tấn Phát, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, đang chuẩn bị thu hoạch.

Trong niềm vui vừa thu hoạch xong hơn 3ha lúa của gia đình, ông Trần Văn Học, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tôi mới thu hoạch xong diện tích lúa, năng suất đạt 630kg/công (1.300m2), tăng khoảng 100 kg/công so với cùng kỳ. Dù giá lúa giảm còn 5.300 đồng/kg, tuy nhiên vẫn cao hơn so với năm trước 700 đồng/kg. Có thể thấy, đây được xem là vụ lúa đạt năng suất cao nhất trong nhiều vụ Hè thu đã qua”.

Theo ông Học, trong thời gian sinh trưởng, lúa của gia đình phát triển tốt và ít sâu bệnh. Để giảm chi phí sản xuất, ông đã giảm lượng giống gieo sạ và sử dụng giống xác nhận để cây lúa khỏe ngay từ giai đoạn đầu và chủ động lúc thủy triều để đưa nước vào ruộng nhằm giảm chi phí bơm tưới. Ngoài ra, ông cũng thăm đồng thường xuyên và chú ý thực hiện các giải pháp “né rầy” nên trong suốt vụ sản xuất này, tỷ lệ phun trừ thuốc rất ít.

Theo nhiều nông dân, liên tục trong những ngày gần đây thời tiết diễn biến phức tạp nên giá lúa đã giảm. Ông Nguyễn Tấn Phát, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, chia sẻ: “Vụ lúa này, tôi gieo sạ giống OM 5451, lúa đang chuẩn bị thu hoạch. Mấy năm nay, gia đình tôi đã đẩy mạnh cơ giới hóa, gieo sạ đồng loạt né rầy và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất năm nay khá ổn định. Tuy nhiên, do đang rơi vào mùa mưa nên sợ lúa bị sập, ảnh hưởng đến năng suất nên tôi tranh thủ thu hoạch cho xong để dự trữ lại, đợi giá ổn định sẽ bán ra”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, để vụ Hè thu thắng lợi, cùng với sự chủ động của nông dân, để giảm giá thành sản xuất vụ lúa Hè thu, địa phương còn quan tâm hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, để giúp giảm được chi phí, hạ giá thành trong sản xuất lúa. Song song đó, ngành còn đề nghị các địa phương tập trung cho vụ mùa, từ việc làm đất đến sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương và chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho các vụ lúa.       

Bà Bùi Thị Kim Cúc, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho rằng: Mặc dù mới vào vụ thu hoạch, nhưng theo dự báo năng suất lúa sẽ bằng hoặc cao hơn so với cùng kỳ. Để có kết quả này, ngành luôn quan tâm hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho nông dân bằng cách tưới nước tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học và công nghệ sinh thái trong quản lý sâu rầy. Nhằm tạo điều kiện cho cây lúa khỏe, giảm áp lực sâu bệnh và giảm được lượng sử dụng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Theo bà Cúc, hiện nay, tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên địa bàn huyện diễn biến rất phức tạp. Thêm vào đó, mùa mưa đã bắt đầu và có khả năng gây thiệt hại đến lượng giống gieo sạ đầu vụ cũng như ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, vụ Thu đông có kế hoạch gieo sạ 13.900ha; khung thời vụ gieo sạ vụ Thu đông chia làm 3 đợt. Cụ thể, đợt 1 xuống giống từ ngày 3-7 đến 9-7, đợt 2 từ 2-8 đến 8-8 và đợt 3 từ 4-9 đến 10-9. Bên cạnh đó, nông dân cần chọn giống phù hợp với vùng sinh thái, tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ khuyến cáo, thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão khi quyết định xuống giống.

Vụ lúa Hè thu 2018, huyện Long Mỹ đã xuống giống gần 18.000ha, đến nay nông dân đã thu hoạch khoảng 1.000ha với năng suất bình quân là 6,1 tấn/ha; diện tích còn lại đang trong giai đoạn trổ chín và phát triển tốt. Một số trà lúa có xuất hiện rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, chuột cắn phá gây hại... nhưng với mật số thấp, nằm trong vòng kiểm soát.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>