Về ấp Tân Phú

05/09/2017 | 08:17 GMT+7

Ấp Tân Phú, thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành, có 158 hộ dân sinh sống. Hiện hạ tầng giao thông nơi đây đang rất cần được hoàn thiện, bởi điều kiện đi lại của người dân còn nhiều trở ngại.

Đây là tuyến đường ven sông mà người dân ấp Tân Phú đi lại mỗi ngày.

Ấp này có vị trí tiếp giáp với địa bàn xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy và địa phận xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Chạy dọc tuyến sông xáng Cái Côn là những ngôi nhà của người dân sống bằng nghề làm than đã bao đời. Trong một buổi chiều mưa rỉ rả, theo chân cán bộ giao thông địa phương, chúng tôi tìm đến ấp Tân Phú bằng một chiếc đò dọc. Được biết, ven tuyến này có chiều dài khoảng 2.600m, các hộ dân nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề hầm than. Người cán bộ này nói vui với chúng tôi rằng, “người lạ mà đến một lần thì chưa chắc đến lần thứ 2 biết đường đi”. Quả thật như vậy! Để đi bộ dọc tuyến dân cư ven sông Cái Côn này không phải là điều dễ dàng vì đường đi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Hết đoạn lấm lem bùn đất, lại đi xuyên qua những lò than và khu vực chứa gỗ, chiều ngang đường đi chỉ chừng 1m.

Ông Võ Văn Chiến, người dân sinh sống ven tuyến, cho hay: “Ở đây, có mấy chiếc đò dọc hoạt động, giúp người dân đi lại và nhà nào cũng có số điện thoại của chủ đò. Khi cần đi chợ, hay qua sông thì gọi trước để người ta sắp xếp đưa rước mình cho kịp giờ. Đò cũng là phương tiện chính chở học sinh trong xóm đi học mỗi ngày”. Gọi là đò, thực ra đó là mấy chiếc vỏ lãi cỡ lớn do người địa phương làm phương tiện đưa rước. Nhưng đò cũng ít lắm, trong khi học sinh trong xóm lại nhiều nên thỉnh thoảng các em cũng bị trễ giờ học.

Khi dừng chân ở một nhà dân khác thuộc ấp Tân Phú, chúng tôi trò chuyện với gia đình ông Đinh Văn Út thì được biết người dân ở đây rất mong mỏi có được con đường nhỏ ven sông để lối xóm qua lại dễ dàng hơn. Ông Út tâm sự: “Dù điều kiện đi lại khó khăn, nhưng con cháu trong xóm này đa phần đều được học hành. Giờ người dân ở đây chỉ mong có con lộ nhỏ chừng một, hai mét để tới lui cho thuận tiện. Chứ như nhà tôi ở giữa tuyến, muốn đi công việc ở đầu tuyến hoặc cuối tuyến lại phải gọi đò, còn đi bộ thì càng vất vả, nhất là ngày mưa”.

Trong chuyến khảo sát phương án tuyến Tỉnh lộ 927C tuần trước, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh đã đến thị sát, tìm hiểu đời sống, điều kiện sinh hoạt của người dân ấp Phú Tân, nhất là những hộ dân sinh sống dọc sông Cái Côn. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND huyện Châu Thành khẩn trương xây dựng một nhà văn hóa hoặc nhà thông tin ấp Tân Phú. Tiến hành vận động nhân dân ở khu vực này làm một con đường nhỏ từ 1-1,5m chạy dọc tuyến sông Cái Côn để đi lại sạch sẽ. Sở Giao thông Vận tải tỉnh nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, chọn vị trí mở phà qua sông Cái Côn giúp người dân ấp Tân Phú có điều kiện thuận lợi nhất khi ra đến trung tâm xã Phú Tân. Đồng thời, sớm cho mở tuyến đường nối từ xã Tân Thành đến ấp Tân Phú, xã Phú Tân. Ngoài ra, địa phương cần xem xét vấn đề sử dụng nước sạch của người dân nơi đây và từng bước tính toán đến việc chuyển đổi việc làm cho bà con ở khu vực lò hầm than.

Theo chính quyền địa phương, ngoài ấp Tân Phú thì trên địa bàn xã Phú Tân hiện nay có khoảng 72.000m đường giao thông, trong đó có khoảng 40.000m đã được bê tông hóa. Chủ yếu là lộ nông thôn từ 2-3m đã được xây dựng cách đây 5-10 năm nên đa phần đều xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và học sinh trên địa bàn. Địa phương đang tranh thủ các nguồn lực để duy tu giặm vá phần nào giúp lưu thông của người dân thuận lợi. Vừa qua, xã Phú Tân cũng được UBND huyện đầu tư tuyến lộ 3,5m từ trung tâm xã đến cầu chữ Y, giúp người dân địa phương di chuyển từ trung tâm xã đến thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành dễ dàng hơn.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>