Vực dậy chăn nuôi sau dịch bệnh

05/05/2020 | 07:28 GMT+7

Dịch tả heo châu Phi (ASF) làm ảnh hưởng nền chăn nuôi cả nước hơn một năm qua. Trận dịch dù được khống chế nhưng gây nhiều thiệt hại và để lại những bài học đắt giá. Sau khi công bố hết dịch tả heo châu Phi vào tháng 3 vừa qua, Hậu Giang đang từng bước nỗ lực khôi phục đàn heo gắn liền với định hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Mở ra hướng đi mới, thay đổi dần tập quán cho người chăn nuôi.

Hậu Giang đã tiêu hủy trên 55.000 con heo do nhiễm bệnh dịch tả châu Phi.

Bài 1: Nhìn lại trận đại dịch mang tên ASF

Dịch tả heo châu Phi đi qua gây thiệt hại khoảng 40% tổng đàn heo toàn tỉnh, để lại nhiều tổn thất nặng nề. Đồng thời, cảnh báo về tập quán chăn nuôi truyền thống nhiều rủi ro.

Tổn thất nặng

Dịch tả heo châu Phi lây lan với mức độ nhanh chóng đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi cả nước nói chung và Hậu Giang nói riêng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc khống chế dịch bệnh nguy hiểm này. Nhiều kịch bản được vạch ra, tuy nhiên mức độ lây lan của dịch bệnh quả thực rất khó kiểm soát. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hậu Giang, dịch ASF đi qua đã “cuốn bay” trên 40% tổng đàn heo toàn tỉnh; đỉnh dịch xuất hiện vào khoảng quý III/2019.

Còn nhớ trường hợp hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Hiệp, ở khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh, từng phải tiêu hủy 6 con heo rừng do nhiễm ASF vào năm 2019. Được biết, hộ này nuôi heo quy mô nhỏ, chuồng hở, chăm sóc theo tập quán truyền thống, tận dụng thức ăn thừa ở chợ cho heo ăn. Đây là một trong những nguồn lây lan dịch tả heo châu Phi mà ngành nông nghiệp đã sớm cảnh báo người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Có thể nhận thấy, trận dịch vừa qua xuất hiện ở hầu hết những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo tập quán truyền thống, chuồng hở, khâu phòng bệnh lỏng lẻo, không đủ điều kiện an toàn sinh học. Các nguồn lây lan dịch bệnh tại ổ dịch cũng rất khó tìm nguyên nhân chính xác. Như trường hợp đàn heo của bà Lê Thị Cẩm Thúy, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, được xác định dương tính với dịch tả heo châu Phi vào năm rồi. Dù rất cẩn trọng phòng bệnh cho đàn heo nhưng lúc đó bà Thúy rất ngỡ ngàng vì chỉ sử dụng thức ăn chăn nuôi, không để người lạ đến chuồng, nhưng đàn heo vẫn nhiễm bệnh phải tiêu hủy.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loài heo, kể cả heo nhà và heo hoang dã. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết lên đến 100%. Vi-rút gây ra bệnh dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao và tồn tại thời gian dài trong môi trường. Kể từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Hậu Giang vào đầu quý II/2019 đến khi tỉnh công bố hết dịch trên 8 huyện, thị xã, thành phố, con số thiệt hại thống kê đến trên 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, những hậu quả nặng nề mà đại dịch ASF để lại là sự thiếu hụt nguồn cung. Theo dự đoán, phải mất thời gian khá dài mới có thể phục hồi lại tổng đàn heo của tỉnh.

Những kinh nghiệm

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vào tháng 5-2019, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch tả heo châu Phi và Chỉ thị 47 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương bám sát diễn biến, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, tăng cường tuyên truyền đến người dân, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chặt chẽ trong công tác phòng, chống, xử lý dịch tả heo châu Phi.

Thực hiện chỉ đạo trên, các cấp, các ngành, 8 địa phương đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều biện pháp cấp bách với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị kiểm soát mức độ lây lan và ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Từ khi có ổ dịch đầu tiên xuất hiện trên địa bàn huyện Châu Thành A vào tháng 4-2019, các mẫu xét nghiệm dương tính tiếp tục được phát hiện. Việc khống chế ổ dịch được triển khai cấp bách với sự chung tay của chính quyền và người dân. Tuy nhiên, do đây là dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện và mức tốc độ lây lan nhanh chóng nên khâu xử lý ban đầu còn khó khăn. Về sau, từ kinh nghiệm thực tiễn, hàng loạt biện pháp được triển khai liên tục để chống dịch tả heo châu Phi. Từ đó, dịch bệnh giảm dần, mức độ lây lan được kiểm soát tốt và được khống chế. Đến tháng 3-2020, Hậu Giang công bố hết dịch tả heo châu Phi. 

Dù vậy, trận dịch đi qua cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong chăn nuôi. Bài học lớn nhất là chăn nuôi phải đảm bảo yếu tố an toàn sinh học. Cụ thể là kiểm soát không cho mầm bệnh tấn công vào trang trại chăn nuôi. Phải có giải pháp kiểm soát tốt nguồn thức ăn, con giống, nguồn nước, tiêm phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc... Thực tiễn chứng minh rõ ràng ở những nơi đã từng xảy ra dịch tả heo châu Phi, khâu phòng bệnh còn lỏng lẻo dù có nơi nuôi đến hàng ngàn con heo trong trại. Còn các trại nuôi khép kín, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì không bị ảnh hưởng bởi đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, các cấp chính quyền huy động tổng lực; ban, ngành, đoàn thể đã cùng nhau thực hiện từ lúc mới xảy ra ổ dịch đầu tiên cho đến kết thúc dịch bệnh. Đặc biệt là có sự phối hợp chặt chẽ của người dân, chính quyền cơ sở với phương châm 4 tại chỗ. Ngoài việc tổ chức hệ thống phòng, chống dịch từ huyện đến cơ sở, tổ chức phun hóa chất tại các điểm phát dịch, rải vôi bột xử lý tại các tuyến đường, khu vực công cộng thì các hộ chăn nuôi cũng đã tuân thủ, thực hiện quy trình vệ sinh phòng bệnh tại các gia trại, thực hiện cách ly, phun hóa chất và rải vôi bột tiêu độc… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên phát huy được tính chủ động của người dân, đại bộ phận đã tích cực tham gia phòng chống, khai báo khi có dịch để chính quyền xử lý… Do vậy, đã hạn chế được thiệt hại do dịch bệnh gây nên. Ngoài 2 yếu tố trên, bài học được rút ra nữa đó là vẫn còn một bộ phận nhỏ chủ quan, lơ là, đây là điều cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật thời gian tới. Đặc biệt là phải hướng người chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên động vật, từ ngày 4-5-2019 đến ngày 17-2-2020, toàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 2.686 ổ dịch tả heo châu Phi tại 463 ấp, khu vực ở 75 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo chết và tiêu hủy do dịch bệnh trên 55.000 con. 

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Bài 2: Phục hồi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>