Vực dậy nền sản xuất lúa

11/12/2019 | 07:55 GMT+7

Cơ giới hóa trong gieo cấy lúa của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện chỉ đạt gần 2% tổng diện tích sản xuất lúa nên đang đặt ra nhiều quan ngại cho ngành chức năng về những hệ lụy và áp lực chất lượng hạt gạo xuất khẩu. Do đó, giải pháp để vực dậy đang được ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương triển khai quyết liệt.

Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa, nhất là ở khâu gieo cấy nhằm tăng thêm giá trị sản xuất.

Hệ lụy từ thói quen  

ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa khoảng 1,9 triệu héc-ta, với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 4,2 triệu héc-ta, sản lượng lúa ước đạt 25 triệu tấn, trong đó có khoảng 50% cho tiêu dùng nội địa và 50% phục vụ cho xuất khẩu (với khoảng 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm). Nhằm giúp người trồng lúa nơi đây đạt hiệu quả cao trong sản xuất, thời gian qua, ngành chức năng từ Trung ương đến các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp về thay đổi cơ cấu giống lúa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, việc ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa có nhiều bước tiến vượt bậc, trong đó ở khâu làm đất cơ bản đạt 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 82% và gần 80% khối lượng lúa sấy, đảm bảo tốt chất lượng sản phẩm và giảm thất thoát sau thu hoạch. Tuy nhiên, do nông dân vùng ĐBSCL có tập quán và thói quen là sạ lúa lan khi sử dụng theo hình thức này còn chiếm hơn 80% diện tích của toàn vùng, từ đó kéo theo việc cơ giới hóa ở khâu gieo cấy lúa của toàn vùng hiện chỉ chiếm gần 2%, số còn lại được bà con sạ kéo hàng. Do đó, cơ giới hóa gieo cấy lúa đang là khâu còn yếu nhất trong việc cơ giới hóa sản xuất lúa hiện nay tại các tỉnh vùng ĐBSCL. 

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Nhiều nông dân ĐBSCL có thói quen sạ lúa lan cho rằng, lúa sạ lan có ưu điểm là không cần phải làm đất kỹ, thế nhưng có nhược điểm là tốn rất nhiều hạt giống (từ 180-200kg/ha) và rất tốn công lao động, trong khi lực lượng lao động phổ thông ở nông thôn ngày một khan hiếm vì đi làm công nhân ở công ty tại các thành phố lớn. Mặt khác, mật độ sạ quá dày dễ gây ra nhiều sâu bệnh, đồng thời cây lúa thường yếu nên rất dễ đổ ngã làm ảnh hưởng và giảm năng suất. Ngoài ra, khi sạ lan bà con phải sử dụng thuốc diệt mầm cỏ dại và thuốc diệt cỏ khi lúa lớn, từ đó kéo theo tăng chi phí, ô nhiễm môi trường…

Do phải sử dụng nhiều lúa giống trong sạ lan nên nông dân không có điều kiện mua lúa giống đạt cấp xác nhận hay nguyên chủng để gieo sạ vì giá thành cao, từ đó mà bà con phải sử dụng lúa hàng hóa của vụ trước để sạ lại cho vụ kế tiếp. Chính việc làm trên nên không thể sản xuất lúa có phẩm chất gạo tốt được vì lẫn nhiều lúa nền, lúa cỏ rất khó khử lẫn, trong khi sử dụng hạt giống xác nhận ngày càng trở thành nhu cầu của doanh nghiệp để đáp ứng cho xuất khẩu.

Gieo sạ hạt lúa giống bằng thiết bị bay không người lái cũng được nông dân ĐBSCL quan tâm trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. 

Nhiều giải pháp đặt ra

Nhằm khắc phục điểm còn yếu trong thực hiện cơ giới hóa sản xuất lúa thì giải pháp mang tính hiện đại và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay là cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào khâu gieo, cấy lúa. Theo đó, để khơi dậy công tác này thì Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ phát động cho ngành nông nghiệp của 13 tỉnh ĐBSCL trong việc vực dậy con số quá khiêm tốn là chỉ có gần 2% diện tích lúa ĐBSCL được cơ giới hóa ở khâu gieo cấy lúa trong thời gian tới. Tại lễ phát động, nông dân được xem nhiều mô hình trình diễn về cơ giới hóa trong gieo cấy lúa, như: thiết bị bay sạ lúa không người lái, máy cấy lúa, máy sạ lúa theo khóm...

Sau khi xem trình diễn, ông Trần Văn Huynh, Giám đốc hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Trong điều kiện sản xuất lúa theo hướng tập trung để đáp ứng sản lượng cho doanh nghiệp như hiện nay thì việc cơ giới hóa trong sản xuất là rất cần thiết, nhất là ở khâu gieo sạ còn yếu. Riêng bản thân tôi thì rất tâm đắc với máy cấy lúa nên sau khi tham quan thực tế tôi đã mời doanh nghiệp đến HTX thực hiện trình diễn cấy lúa với diện tích thử nghiệm ban đầu là 15ha ngay trong vụ Đông xuân này. Từ mô hình trình diễn sẽ giúp thành viên HTX làm cơ sở nhân rộng trong các vụ lúa kế tiếp. Riêng sang năm 2020, diện tích canh tác lúa của HTX lên đến 500ha theo mô hình cánh đồng lớn”.

So sánh về mặt hiệu quả kinh tế, ông Nguyễn Văn Phó, ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, thông tin: “Sạ lúa bằng tay phải cần lúa giống từ 180-200 kg/ha, nhưng nếu chuyển sang bằng máy cấy theo khuyến cáo thì chỉ sử dụng 60kg lúa giống. Như vậy, với 3ha lúa của gia đình tôi mà áp dụng cấy lúa bằng máy thì mỗi vụ xuống giống sẽ tiết kiệm được hơn 360kg lúa giống. Bên cạnh đó, phương pháp này còn có nhiều ưu điểm khác như dễ khử lẫn, ít sâu bệnh, giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và năng suất lúa cao hơn 1 tấn/ha so với phương pháp sạ thông thường”.

Con số tiết kiệm trên chỉ là cá nhân của ông Phó, còn theo ước tính sơ bộ của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, với diện tích lúa hiện tại của vùng ĐBSCL, nếu toàn vùng giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn khoảng 80 kg/ha, sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000-350.000 tấn hạt giống lúa, tương đương giảm khoảng 4.500-5.000 tỉ đồng. Từ hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội khi tăng diện tích sử dụng cơ giới hóa trong gieo cấy lúa, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu là các vụ sản xuất tới đây, mỗi tỉnh ở ĐBSCL sẽ xây dựng từ 3-5 mô hình trình diễn (20-30ha/mô hình) nhằm truyền thông đến người sản xuất. Như vậy, qua mỗi năm sẽ mở rộng diện tích được 5-10% và sau 3-5 năm thực hiện thì việc ứng dụng cơ giới hóa ở khâu gieo cấy sẽ đạt từ 10-20% diện tích canh tác ở mỗi tỉnh. Đặc biệt, hiệu quả của mô hình mang lại phải tăng được năng suất ít nhất 5-10%, giảm được chi phí đầu vào sản xuất (giống và thuốc bảo vệ thực vật) và tăng được lợi nhuận ít nhất từ 15% trở lên so với sạ lan.

“Mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đề ra là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, toàn vùng ĐBSCL hiện có diện tích cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa toàn vùng ĐBSCL. Do đó, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa và máy cấy nói riêng sẽ rất thuận lợi”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Nếu chúng ta làm tốt ở khâu gieo cấy nữa thì gần như quy trình canh tác lúa sẽ được cơ giới toàn bộ. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là bảo vệ tốt môi trường sống cho vùng nông thôn trước biến đổi khí hậu. Để hỗ trợ cho các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện tốt các giải pháp trong nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong gieo cấy lúa, trước mắt Bộ NN&PTNT sẽ dùng chương trình khuyến nông Trung ương giao cho các viện và đơn vị khuyến nông địa phương cùng với doanh nghiệp xây dựng những mô hình trình diễn khép kín và dần tổ chức nhân rộng. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng lộ trình, giải pháp khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp các thiết bị máy cấy, gieo sạ lúa cần tính toán lại giá thành hợp lý và nghiên cứu hoàn thiện quy trình hoạt động cho phù hợp với từng vùng đất nhằm mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng. 

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, năm 2020, diện tích lúa được cơ giới hóa ở khâu gieo cấy đạt khoảng 70.000-100.000ha/vụ, chiếm 5-6% diện tích canh tác lúa/vụ trong toàn vùng. Riêng số máy cấy thì cần phải được đầu tư tương ứng từ khoảng 370 máy hiện tại (Hậu Giang 14 máy, diện tích cấy 400ha) lên từ 1.000-1.500 máy trong toàn vùng (với máy sạ theo khóm và máy cấy có công suất từ 2-4 ha/ngày).

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>