Vui xuân không quên đồng ruộng

13/02/2018 | 08:26 GMT+7

Dù bận rộn nhiều công việc chuẩn bị đón mừng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thế nhưng bà con nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn không quên chăm lo cho những mảnh ruộng của gia đình đang oằn bông với mong muốn vụ lúa Đông xuân thắng lợi về mọi mặt.

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân theo dõi dịch hại trên lúa trong dịp tết. 

Những ngày này, về các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, đâu đâu cũng thấy không khí rộn ràng của bà con với những công việc như vệ sinh cảnh quan trước, trong và xung quanh nhà, cũng như chưng nhiều chậu hoa với đủ loại và màu sắc quanh thềm nhà để chuẩn bị đón mừng xuân mới đang cận kề. Tuy công việc trang trí nhà đón tết bận rộn, thế nhưng bà con không quên công việc ruộng đồng mà thường xuyên theo dõi và chủ động phòng, ngừa sâu bệnh cho cây lúa.  

Dưới cái nắng buổi trưa của những ngày cuối năm, ông Huỳnh Văn Tạo, nông dân ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đang rảo thăm 8 công lúa của gia đình (giống RVT) đã trổ bông cong trái me, phấn khởi cho biết: “Buổi sáng tranh thủ cùng vợ, con dọn dẹp nhà cửa một chút là tôi lại ra ruộng thăm lúa. Dường như đây là công việc không thể thiếu hàng ngày của tôi từ khi xuống giống lúa Đông xuân cho đến nay và sẽ còn tiếp tục đến ngày thu hoạch. Nhờ thăm đồng thường xuyên thế này mà lúa của tôi được phòng ngừa sâu, bệnh đúng thời điểm nên cây phát triển tốt và đang trĩu bông. Với tình hình lúa hiện tại, vụ này tôi đánh giá năng suất không dưới 1 tấn/công”.

Giống như ông Tạo chủ động phòng trừ sâu bệnh cho ruộng lúa, ông Đào Văn Hùng, ở ấp Long Hòa 2, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, thông tin: “Những ngày gần tết, thời tiết lạnh kèm theo sương mù và thấy lúa có xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu nên tôi vừa phun xong thuốc phòng trừ các loại dịch hại trên. Do đây là vụ lúa chính trong năm nên tôi và bà con nơi đây không ai dám lơ là bỏ lúa để ăn tết mà luôn theo dõi nhằm sớm phát hiện dịch hại và phòng trị cho kịp thời để đảm bảo năng suất lúa khi thu hoạch. Công việc này không chỉ thực hiện trong lúc này mà ngay cả trong và sau tết”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ lúa Đông xuân 2017-2018, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được gần 80.000ha. Hiện tại, có khoảng 10.000ha lúa đang trong giai đoạn trổ - chín, tập trung ở huyện Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh. Diện tích còn lại chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh (khoảng 31.000ha) và làm đòng (khoảng 33.000ha). Theo đánh giá của bà con nông dân, năm nay thời tiết rất thuận lợi cho cây lúa phát triển, mặt khác, do được chủ động phòng trừ dịch hại ngay từ đầu vụ và cho đến thời điểm này nên tình hình sâu bệnh ít, từ đó các ruộng lúa đều phát triển tốt, hứa hẹn mùa bội thu.

Ngoài việc lúa phát triển tốt, một niềm vui khác mà bà con rất phấn khởi vào những ngày cận tết là giá lúa đang được các “cò lúa” đến ngã giá với nông dân ở mức hấp dẫn. Cụ thể, giống lúa OM 5451 được thương lái đặt tiền cọc trong lúc này dao động từ 6.300-6.500 đồng/kg, còn giống RVT từ 6.800-7.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao nhất của vụ lúa Đông xuân trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Với giá lúa thế này dù bận công việc đón tết thì bà con ở đây ai nấy đều dành thời gian chăm chút cây lúa để có thể đạt năng suất cao nhất. Khi qua tết bước vào vụ thu hoạch sẽ trúng mùa, trúng giá và có được nguồn lợi nhuận cao ngay đầu năm”.

Hiện nay, tuy tình hình dịch hại xuất hiện trên lúa không đáng ngại và diện tích cũng ít khi toàn tỉnh ghi nhận chỉ có gần 4.000ha lúa bị nhiễm các loại sâu, bệnh nhưng tất cả đều được nông dân chủ động phòng trừ, khống chế mật số, từ đó không ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Thế nhưng, theo dự báo của ngành chức năng thì thời tiết trong những ngày tới sẽ tiếp tục có không khí lạnh, sáng sớm có nhiều sương mù, ngày nắng yếu và trời nhiều mây. Với khí hậu như trên sẽ thuận lợi cho một số sinh vật phát triển, gây hại trên lúa nên cần có giải pháp phòng trị hiệu quả. 

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Hiện đơn vị đã chỉ đạo các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật ở các địa phương lập kế hoạch, phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp cùng nông dân tiến hành thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh vật hại trên lúa, đồng thời tổ chức tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý phòng trừ sinh vật gây hại trong thời điểm trước, trong và sau tết. Bằng mọi giải pháp không để dịch hại phát sinh và làm thiệt hại trên cây lúa. Trong thời gian nghỉ tết, khuyến cáo bà con “vui xuân không quên ruộng đồng” mà thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm các sinh vật gây hại, từ đó phòng trị kịp thời để vụ lúa Đông xuân được thắng lợi trên mọi mặt.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>