Vững tiến xây dựng nông thôn mới

11/06/2018 | 09:10 GMT+7

Hình thức tổ chức sản xuất, môi trường, hộ nghèo là 3 tiêu chí nông thôn mà xã Đông Phước, huyện Châu Thành đang phấn đấu xây dựng và đạt trong năm nay.

Gia đình bà Liễu đang chuyển sang nuôi heo trên đệm lót sinh học để gìn giữ sự trong sạch cho môi trường.

Giờ đây, đường về xã Đông Phước gần và đi dễ dàng hơn. Đó cũng là hiệu quả của quá trình xây dựng nông thôn mới mà toàn Đảng bộ và Nhân dân xã phấn đấu xây dựng mấy năm qua. Ông Nguyễn Văn Lắm, ở ấp Đông Lợi, so sánh: “Nếu so với 3 năm trước, xã Đông Phước có nhiều đổi thay lắm vì có lộ nhựa xe tải tới tận xã, đường nông thôn cũng dễ đi vì được sửa chữa, làm mới. Nhờ vậy, việc giao thương hàng hóa của gia đình tôi được dễ dàng, giảm chi phí đầu tư”. Từ khi có lộ giao thông, mỗi năm đến mùa thu hoạch cam, mãng cầu là ông Lắm không lo khâu vận chuyển. Trước kia, lộ xe còn chưa mở rộng, xe tải không tới được, ông phải chở bằng vỏ lãi ra đến thị trấn Ngã Sáu mới bán được. 3 năm nay, đến mùa cam là xe tải vô tận xã, ông và gia đình chỉ việc hái trái, cho vào giỏ là bán ngay cho lái.

Cũng nhờ có giao thông nông thôn mà kinh tế của xã ngày càng khởi sắc. Các loại hình kinh tế của xã cũng từng bước nở rộ phát triển. Đây cũng là mục tiêu mà xã mong muốn hoàn thành trong xây dựng tiêu chí 13 - Hình thức sản xuất. Hiện nay, toàn xã đã thành lập được gần 10 tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp, nông dân sản xuất giỏi. Ngoài ra, trong xã các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn nhỏ đang làm ăn phát triển khấm khá. Ông Trương Văn Giáp, ở ấp Đông Lợi B, chia sẻ: “Tôi tham gia câu lạc bộ nông dân sản xuất giỏi. Tôi đang mong muốn câu lạc bộ nâng lên thành lập hợp tác xã trồng cam để anh em cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, xây dựng nhãn hiệu, tìm hợp đồng bao tiêu hàng hóa cho thành viên”.

Cũng đồng quan điểm đó, bà Nguyễn Ngọc Liễu, ở ấp Đông Lợi A, mong muốn phát triển kinh tế hơn nữa qua mô hình cam sành 5.000m2 của gia đình. Nhưng tiến bộ hơn, bà Liễu đang áp dụng mô hình kinh tế khép kín, ứng dụng khoa học công nghệ mới. Đó là mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học kết hợp với túi ủ biogas. Bà Liễu cho biết: “Mấy năm rồi, nhà tôi đều duy trì nuôi đàn heo 15 con và sử dụng túi ủ biogas. Năm nay, tôi chuyển sang nuôi đệm lót sinh học để tận dụng phế phẩm của heo, đệm lót làm phân bón cho vườn cam, vườn xoài”. Bà Liễu cho biết thêm, với 15 con heo và 1 mô hình đệm lót thì bà Liễu có thể bón cho diện tích vườn hơn 13.000m2. Sau 2 lứa heo, bà trộn nấm Trichoderma và ủ hơn 1 tháng rồi bón bổ sung vào gốc cho cây. Nhờ vậy mà 8 năm qua, vườn cam và xoài của gia đình lúc nào cũng xanh mướt, ít bị sâu bệnh, cho trái to, năng suất cao. Nhưng với bà Liễu, mục đích lớn nhất của bà vừa làm kinh tế nhưng vừa không gây ô nhiễm môi trường. Với cách làm trên mà mô hình của bà đã tận dụng hết tiềm năng sẵn có của gia đình, tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, cây được bón phân hữu cơ, xanh khỏe, ít bệnh, ít phải phun thuốc hóa học. Với các làm như vậy bà Liễu vừa có thể phát triển kinh tế bền vững mà còn giúp địa phương xây dựng tiêu chí 17 đường đến đích xã nông thôn mới cũng gần hơn. 

Bên cạnh bảo vệ môi trường, xã cũng hỗ trợ người dân giảm nghèo thông qua các mô hình kinh tế. Địa phương đang tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân làm mô hình, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống cho người thân, gia đình. Nhờ vậy mà đến nay, nhiều hộ thoát nghèo, nâng thu nhập toàn xã lên gần 30 triệu đồng/người/năm, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 4%.

Ông Đặng Đoàn Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Đông Phước, cho biết: Xã Đông Phước còn rất nhiều khó khăn vì kinh tế còn chưa phát triển nhiều do dịch bệnh hoành hành, thời tiết bất lợi. Vì vậy, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, năm nay, xã tiếp tục tập trung xây dựng, củng cố hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã và câu lạc bộ làm nông. Thông qua đó, trước mắt là giúp nâng chất hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể. Nông dân, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã học tập, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học, giúp nông dân nâng cao thu nhập, vừa giảm chi phí, giảm lượng phân bón, thuốc hóa học cũng là góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân làm hàng rào bằng cây xanh hoặc bằng xi măng kiên cố, xây dựng cảnh quan môi trường; trồng hoa dọc tuyến đường các ấp để xã Đông Phước càng khang trang, sạch đẹp sẵn sàng chờ đón thành quả đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>