Vượt khó ở xã nông thôn mới Hỏa Lựu

22/06/2021 | 06:29 GMT+7

Xác định năm nay là năm rất khó khăn do dịch bệnh và nhiều nguyên nhân khách quan khác nên tập thể lãnh đạo cũng như cán bộ, công chức, viên chức xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội bằng nhiều giải pháp căn cơ.

Dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng ông Danh Trong sẽ cố gắng tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế dù không còn được cấp miễn phí như những năm trước.

Ông Phạm Chế Linh, Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, cho biết: Hỏa Lựu là địa phương còn nhiều khó khăn so với các xã lân cận. Năm nay, tình hình dịch bệnh càng thêm khó khăn trong đời sống bà con. Tuy nhiên, bằng nội lực hiện có, xã vẫn cố gắng tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía trong công tác chuyên môn. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân duy trì mô hình sản xuất hiệu quả, cũng như vận động thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế, chính sách an sinh xã hội.

Do ảnh hưởng dịch bệnh nên nông thủy sản rớt giá, từ đó trên địa bàn còn khá ít mô hình giữ được thu nhập như trước. Tuy nhiên, địa phương vẫn khuyến khích, vận động người dân tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp an toàn. Tiêu biểu, ở ấp Thạnh Trung phát triển các mô hình kết hợp nhằm tăng giá trị trên cùng một diện tích sản xuất. Đó là mô hình nuôi bò, trồng nhãn Ido kết hợp với rau màu của ông Lữ Văn Huy Nhựt.

Ông Nhựt đã dùng giải pháp lấy ngắn nuôi dài, trồng xen với tía tô trong vườn nhãn Ido 1,5ha. Đây là loại rau gia vị dễ trồng, ít bị sâu bệnh. Tía tô trồng một lần có thể thu hoạch nhiều đợt mà không phải nhổ bỏ sau mỗi đợt hái. Giá tía tô ổn định, ít dội chợ, dao động từ 20.000 đồng/kg trở lên nên nguồn thu mang về khoảng 300.000 đồng/ngày. Song cùng mô hình, còn có đàn bò giống Pháp nuôi bán thịt và sinh sản khoảng 20 con. Ông Nhựt còn kết hợp nuôi cá rô phi trong ao gần chuồng nuôi nhằm cải tạo ao và tận dụng phân bò làm thức ăn cho cá. Mô hình kết hợp này giúp ông có nguồn thu nhập trong thời gian chờ thu hoạch nhãn và cũng mang về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

Cán bộ kỹ thuật xã Hỏa Lựu Nguyễn Thị Thanh Hiểu cho biết: Ở xã, mô hình sản xuất nông nghiệp không đa dạng, chủ yếu là khóm, lúa, mía. Nhưng các nông sản gặp dịch bệnh, lại vào mùa nên đụng hàng mất giá. Chính vì vậy, để giúp người dân có thể duy trì mô hình, phát triển kinh tế, chúng tôi đã tập trung vận động bà con áp dụng mô hình canh tác tiên tiến, giảm chi phí đầu tư và kết hợp thả cá đồng trong mương vườn để tận thu trên một diện tích thay vì bỏ mương trống. Hơn nữa, giữ vững mô hình sẽ giúp xã tiếp tục giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới.

Cùng với phát triển kinh tế thì chăm lo đời sống an sinh xã hội cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình chung nên địa phương gặp khó trong công tác vận động bảo hiểm y tế toàn dân. Nguyên nhân do ở ấp Thạnh Trung không còn thuộc diện hỗ trợ vùng khó khăn theo Chương trình 135 về bảo hiểm y tế. Dân số toàn ấp đa phần là người dân tộc Khmer nên đời sống kinh tế còn khá khó khăn. Ngoài hộ nghèo, cận nghèo thì nhiều hộ dân tộc trên địa bàn ấp cũng sẽ khá vất vả khi phải cùng lúc mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình. Bởi đa phần các hộ có mô hình sản xuất quy mô nhỏ lẻ.

Như hộ ông Danh Trong, ở ấp Thạnh Trung, chỉ có được nửa công ruộng cha mẹ cho sát nhà nhưng năng suất không cao vì đất trũng, phèn, lúa làm ra chỉ đủ ăn. Tiền chi tiêu hàng tháng phụ thuộc vào tiền bắt lươn, bắt cá mỗi ngày của ông. Ông Trong chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 người. Năm nay, nghe Trưởng ấp bảo theo quy định mới phải tự mua bảo hiểm y tế cho người nhà nên tôi cũng lo. Mới đây, vợ tôi đã đăng ký đi làm ở Công ty may Nhà Bè nên gia đình sẽ có thêm nguồn thu nhập. Chúng tôi sẽ dành dụm ít tiền và chia ra nhiều đợt để tham gia bảo hiểm y tế cho cả nhà”.

Chia sẻ về công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, ông Võ Văn Tân, cán bộ phụ trách thương binh xã hội xã Hỏa Lựu, cho biết là địa phương còn nhiều khó khăn, dân tộc Khmer chiếm hơn 1/2 dân số nên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo. Thứ nhất là tăng cường vận động những người hay có bệnh tham gia để được bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Thứ hai là giúp người dân chia nhỏ ra số tiền mua bảo hiểm theo quý. Thứ ba là tập trung tuyên truyền lợi ích của bảo hiểm trước tình hình tăng giá dịch vụ y tế, số tiền bỏ ra để mua bảo hiểm y tế chỉ vài trăm ngàn đồng, khá thấp so với chi phí một lần chữa bệnh nếu không có  bảo hiểm y tế. Đây cũng là một chỉ tiêu bắt buộc trong việc giữ vững xã nông thôn mới.

“Theo dự kiến, toàn xã Hỏa Lựu sẽ phát sinh khoảng 1.800 thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện. Vào thời điểm cuối tháng 6-2021 sẽ hết thời hạn cấp bảo hiểm y tế đối với hộ không thuộc diện hỗ trợ vùng khó khăn. Chính vì vậy, xã sẽ thường xuyên đổi mới hình thức vận động, tuyên truyền. Bên cạnh đó, gắn việc tuyên truyền theo hướng “sâu cơ sở, sát hội viên”, “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Với tất cả nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng, xã sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra”, ông Phạm Chế Linh cho biết thêm.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>