Xây dựng nhãn hiệu bền vững “Mãng cầu Hậu Giang”

16/08/2018 | 07:48 GMT+7

Đây là một trong những mục tiêu mà dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” hướng đến. Dự án này hứa hẹn mang nhiều lợi ích cho nông dân trồng mãng cầu xiêm trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” sẽ giúp nông dân tăng thu nhập.

Tuy không phải là cây trồng chủ lực, nhưng mãng cầu xiêm lại có duyên bén rễ tại những vùng đất phèn, mặn của tỉnh. Nhiều nông dân huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy đã chọn cây mãng cầu xiêm để chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Cây mãng cầu từ hai năm tuổi sẽ cho trái từ 50-70 kg/cây, những cây được 5-10 năm tuổi có thể đạt từ 100-150kg/cây/năm. Với giá bán từ 9.000-30.000 đồng/kg (tùy vào thời điểm), tính ra mỗi năm 1ha mãng cầu xiêm cho thu nhập trên 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.

Nhận thấy hiệu quả của mãng cầu xiêm khá lớn nên tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ cho nông sản phát triển. Tiếp theo sau khi đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Mãng cầu Hậu Giang”, UBND tỉnh còn có Quyết định 824/2017/QĐ-UBND ngày 8/5/2017 về việc ban hành Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020”. Trong đó, có cho thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” dùng chung cho sản phẩm mãng cầu của tỉnh Hậu Giang”. Mục tiêu của dự án là hướng đến giúp cho việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu mãng cầu Hậu Giang có hiệu quả. Song song với kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc trái, dự án còn giúp nâng cao giá trị kinh tế và quảng bá, giới thiệu sản phẩm mãng cầu ra thị trường.

Chủ nhiệm dự án Nguyễn Mạnh Tuấn, Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt, cho biết: “Bên cạnh 5 nội dung dự án, chúng tôi còn xây dựng được bộ quy chế sử dụng chung đối với thành viên hợp tác xã (HTX) và nông dân muốn tham gia sử dụng nhãn hiệu mãng cầu Hậu Giang. Song song đó, từ tháng 5-2018, chúng tôi đã đưa ra được 6 mẫu hình ảnh về nhãn hiệu của mãng cầu Hậu Giang và trưng cầu ý kiến của bà con thành viên HTX để thống nhất chọn hình ảnh biểu tượng cho nhãn dán. Cũng nhờ góp ý của bà con, tôi và nhóm chủ nhiệm dự án còn chọn được phương án cho biển quảng cáo gắn tại cửa ngõ vào huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ”.

Nếu trước kia, mãng cầu được bán đơn thuần bằng cách xuất tươi nguyên trái thì đến nay đã chế biến thành nhiều món ăn, thức uống như mứt mãng cầu, nước ép mãng cầu. Ngoài ra, nhà vườn trồng mãng cầu còn linh động trong việc chế biến mãng cầu thành một loại trà để làm nước uống hàng ngày. Tuy nhiên, trà mãng cầu được sản xuất chỉ dựa trên kinh nghiệm và chưa có nhãn mác và chưa có giấy phép kinh doanh nên thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Từ đó, khiến cho HTX và nhà vườn trồng mãng cầu chưa dám mạnh dạn quảng bá và cung ứng nhiều sản phẩm trà.

Chính vì vậy, dự án là lối mở không chỉ giúp cho trái mãng cầu Hậu Giang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mà còn là điều kiện để sản phẩm từ trái mãng cầu được phát triển. Chủ nhiệm dự án Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết thêm: Trong nội dung phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang”, dự án thiết kế hệ thống nhận diện nhãn hiệu trực tiếp cho 2 đơn vị thụ hưởng là 2 HTX trồng mãng cầu trong tỉnh, thiết kế tem dán, tem treo, nhãn dán trên bao bì, tờ rơi, poster, biển báo ngoài trời, bảng quảng cáo lớn, túi lưới, túi ni-lông, bao xốp, thùng đựng sản phẩm. Sau khi dùng chung thì nông dân yên tâm hơn vì đã được bảo hộ, được quảng bá rộng rãi, người tiêu dùng thì an tâm hơn bởi biết được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của sản phẩm.

Bà Trần Thị Thủy Tiên, Phó Giám đốc HTX thương mại dịch vụ trà mãng cầu Thuận Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, thông tin: “HTX mới thành lập và cũng mong muốn được nhiều người biết đến sản phẩm. Chị em trong HTX rất vui khi có được nhãn hiệu dùng chung và hy vọng sản phẩm trà của HTX được tăng doanh số bán ra vì sản phẩm được hỗ trợ quảng bá”.

Còn ông Phạm Văn Tèo, thành viên Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đã vơi bớt nỗi lo lắng từ khi mãng cầu có nhãn hiệu. Bởi từ trước đến giờ ông cũng đã sản xuất ra được trà mãng cầu nhưng chưa có giấy phép kinh doanh nên cũng e dè trong việc giới thiệu sản phẩm. Giờ đây, có dự án hướng dẫn đăng ký tham gia dùng chung nhãn hiệu nên ông an tâm hơn vì không lo các loại thủ tục hành chính và đỡ một phần kinh phí để đầu tư nhãn hiệu.

Theo ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang, thành viên cùng sử dụng nhãn hiệu tập thể sẽ nhận được rất nhiều lợi ích vì không phải tốn số tiền lớn cho một nhãn hiệu, mà chỉ cần một khoản nhỏ chi phí đăng ký và quảng bá nhưng lại có nhãn hiệu để nhiều người cùng sử dụng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm của vùng. Ngoài ra, thành viên còn được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tập huấn và hỗ trợ thường xuyên về kỹ năng canh tác, được chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm sản xuất với nhau, được hỗ trợ cách phòng, chống dịch bệnh cho sản phẩm… Bên cạnh đó, thành viên thực hành được quy trình canh tác nông nghiệp sạch, đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng. Hơn nữa, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nên mẫu mã, việc in ấn bao bì, mẫu nhãn hiệu cho sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ không bị xâm phạm bản quyền.

Không dừng lại ở đó, trong định hướng của những năm tiếp theo, bà con còn hướng đến phát triển nhiều loại mặt hàng bánh, mứt, thức uống từ trái mãng cầu xiêm. Chính vì vậy, dự báo mặt hàng này sẽ ngày càng đa dạng và phong phú, nhu cầu sử dụng nhãn hiệu sẽ ngày càng tăng. Chính vì vậy, việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể mãng cầu Hậu Giang là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu thị trường, vừa giúp phát triển thêm một loại cây trồng chủ lực cho tỉnh nhà, vừa giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>