Xây dựng nông thôn mới: Còn nhiều bất cập

11/08/2017 | 06:27 GMT+7

Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp... Tuy nhiên, do thiếu sâu sát, cứng nhắc, không đánh giá thực tế nguồn lực, không đi vào bản chất của chương trình nên sau khi đạt chuẩn nhiều vùng quê NTM vẫn là “bình rượu cũ”.

Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là phải nâng chất lượng cuộc sống người dân.

Vừa giữ chuẩn vừa trả nợ

Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ cuộc sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết trong tiến trình xây dựng NTM. Song, quá trình thực thi, nhiều địa phương vì chạy theo thành tích, áp lực về đích bằng mọi giá đã dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, nhất là những xã về đích NTM đều thấy số nợ đọng vượt ngưỡng kiểm soát.

Là một huyện nghèo của tỉnh Bạc Liêu, cuối năm 2010, huyện Phước Long được Trung ương chọn làm chỉ đạo điểm của cả nước về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, huyện này đã để xảy ra nhiều vấn đề. Trong đó có tình trạng nợ 5-6 tháng lương đối với hàng ngàn người lao động; nợ đọng xây dựng cơ bản 400 tỉ đồng đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Để có thể trả nợ cho huyện Phước Long, từ năm 2016 đến nay các huyện, thị, thành phố khác đã cùng tỉnh chia sẻ bằng chính sự “thắt lưng buộc bụng” của mình. Đồng thời hóa giá một số quỹ đất của huyện để thanh toán khoản nợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tỉnh đã ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn; có cơ chế, chính sách phù hợp giúp huyện Phước Long trước mắt thanh toán dứt điểm khoản nợ lương đối với cán bộ, công chức và người lao động. Đến nay, số nợ đã giảm còn 70 tỉ đồng. Theo lộ trình cuối năm 2017 sẽ xử lý xong tình trạng nợ của huyện”.

Trong câu chuyện “hậu NTM”, bên cạnh nợ đọng, vấn đề giữ vững và nâng cao chất lượng một số tiêu chí NTM sau khi đã “cán đích” toàn lộ trình cũng khiến không ít người đau đầu. Đối với những tiêu chí “mềm” để giữ vững và phát huy hiệu quả sau khi đã vất vả hoàn thành thực sự hóc búa, bởi khoảng cách giữa đạt và không đạt các tiêu chí này vốn mong manh, thiếu bền vững.

Tìm hiểu thực tế từ nhiều địa phương, qua quá trình rà soát, phần lớn các xã đạt NTM “rớt” chuẩn tập trung ở tiêu chí hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm… Ngoài ra, do xuất phát điểm thấp nên dù đã đạt chuẩn nhưng các xã vẫn còn nhiều khó khăn trong hoàn thiện cũng như nâng chất lượng các tiêu chí. Hiện nay, một số tiêu chí được tỉnh cho nợ trước khi về đích NTM vẫn giậm chân tại chỗ.

Tại tỉnh Trà Vinh, theo Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, qua kiểm tra 23 xã đã được công nhận xã NTM không giữ được tiêu chí. Trong đó có 8 xã còn giữ từ 1-14 tiêu chí trở lên; 14 xã giữ được từ 10-13 tiêu chí và 1 xã giữ dưới 10 tiêu chí. Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: “Hiện tại, Trà Vinh vẫn loay hoay với tiêu chí môi trường. Vì một số địa phương vẫn chưa có địa điểm tập kết rác thải tập trung, do đó tình trạng người dân xả rác bừa bãi không tránh khỏi. Tiêu chí thu nhập và hộ nghèo… cũng khiến địa phương “thấp thỏm” khi giữ chuẩn. Bởi Trà Vinh là tỉnh thuần nông lại đông đồng bào Khmer nên tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm hơn 50%, nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn hạn chế, do vậy việc nâng cao mức thu nhập đối với những địa phương này vô cùng khó khăn”.

Cũng theo ông Hiền, sau khi đạt chuẩn, các nguồn hỗ trợ gần như không còn nên đa phần các địa phương phải dựa vào nguồn vốn huy động tại chỗ để thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vận động nhân dân đóng góp ngày càng hạn hẹp vì thế nguy cơ “rớt chuẩn” là rất lớn.

“Lệch chuẩn” NTM

Được công nhận xã đạt chuẩn NTM, thế nhưng nhiều năm qua, tại kênh Mười Sơ, thuộc xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, khoảng 40 hộ dân phải sử dụng điện câu đuôi làm nhiều người bức xúc. “Khi địa phương được chọn xây dựng NTM, ai cũng vui vì nghĩ đời sống sẽ được nâng lên, sẽ không còn phải sử dụng câu đuôi. Nhưng tới bây giờ dân chúng ở đây cũng không có điện an toàn để sử dụng”, anh Nguyễn Thanh Hùng, ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, bày tỏ.

Còn tại xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, sau khi được công nhận NTM, đời sống người dân vẫn không cải thiện. Dù là xã NTM nhưng lộ giao thông xuống cấp nghiêm trọng, không có cống thoát nước, cỏ mọc um tùm trong các khu đô thị, không có hành lang vỉa hè… Thay vì sử dụng nước hợp vệ sinh theo chuẩn NTM thì người dân sống tại tuyến kênh Rạch Rập (đoạn từ phường 8 đến xã Lý Văn Lâm) lại phải sinh hoạt bằng nước kênh ô nhiễm nặng.

Bản chất của NTM là cải thiện cuộc sống hàng ngày cho người dân, thế nhưng những gì đang diễn ra hoàn toàn trái ngược với mục tiêu chung của chương trình. Hàng loạt công trình, dự án tiền tỉ bị bỏ hoang, trong khi đó một phần rất quan trọng là môi trường lại không được chú trọng đúng mực. Hàng ngày, người dân vẫn phải dùng nước ô nhiễm, sử dụng điện câu đuôi, nhiều nơi học sinh còn phải chèo xuồng đi học,… Rác thải sinh hoạt phần lớn mới thực hiện khâu thu gom tốt nhưng chưa chú ý đến xử lý…

Thực tế xây dựng NTM không nên áp dụng một bộ tiêu chí cho tất cả các xã mà cần bắt đầu bằng những gì cần thiết nhất, sát sườn nhất. NTM không chỉ là trụ sở hoành tráng, nhà văn hóa hiện đại, quy mô với mức đầu tư vài trăm tỉ đồng chỉ để họp 1-2 lần trong năm thậm chí “cửa đóng then cài” mà phải uống sạch hơn, ăn sạch hơn và hít thở không khí trong lành hơn.

Bài, ảnh: THÚY AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>