Án tuyên có khách quan ?

14/03/2018 | 07:34 GMT+7

Vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Mai Văn Dũng và ông Mai Văn T., ở ấp Tân Bình 2, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, đã được tòa án nhân dân (TAND) hai cấp xét xử, bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, trong quá trình xét xử, cấp phúc thẩm bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng khiến bản án tuyên không khách quan.

Ông Dũng bên căn nhà hiện tại được cất tạm, nằm cạnh phần đất tranh chấp.

Theo trình bày của ông Dũng, nguồn gốc đất tranh chấp là do ông Mai Văn Luôn (cha ruột ông Dũng và ông T.) cho vợ chồng ông Dũng, bà Tam (vợ ông Dũng) vào năm 1993 với diện tích 2.500m2, trong đó có 1.200m2 đất vườn và 1.000m2 đất ruộng.

 Khi cho đất có làm giấy tay, vợ chồng ông T. cũng có ký tên. Do ông T. là con út nên ông Luôn để ông T. kê khai đứng tên toàn bộ phần đất của ông Luôn, trong đó có phần đất đã cho vợ chồng ông Dũng.

Năm 2004, ông T. bỏ địa phương đi, mẹ của ông Dũng và ông T. là bà Lê Thị Thế đứng ra lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông T. tách ra cho ông Mai Văn Dũng đứng tên. Đến năm 2004, vợ chồng ông Dũng, bà Tam và vợ chồng ông T. phát sinh mâu thuẫn, ông T. lấn chiếm phần đất vườn của ông Dũng, bà Tam theo đo đạc là 918m2.

 Tuy nhiên, theo trình bày của ông T., sau khi cha mẹ cho đất, ông đã được UBND huyện Long Mỹ (trước đây) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1995, thấy ông Dũng có hoàn cảnh khó khăn nên ông cho ông Dũng mượn đất với diện tích 400m2 để cất nhà, sau đó cho mượn thêm 1.300m2 đất ruộng, việc cho mượn chỉ thỏa thuận miệng.

Năm 2002, ông T. đi làm ăn xa, đến năm 2004 thì ông Dũng tự ký tên của ông T. để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Dũng đứng tên. Đến năm 2008, khi ông T. chuyển nhượng đất cho người khác mới phát hiện sự việc.

Vụ việc được TAND thị xã Long Mỹ xét xử sơ thẩm, tuyên xử: Buộc ông T. phải trả lại phần đất có diện tích 918,9m2 cho ông Dũng. Sau đó ông T. có đơn kháng cáo bản án cấp sơ thẩm. Ngày 31-8-2017, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, tuyên sửa án sơ thẩm của TAND thị xã Long Mỹ, công nhận phần đất có diện tích 918,9m2 cho ông T. và buộc ông Dũng có trách nhiệm giao phần đất trên cho ông T. theo nội dung bản án.

Theo nhận định của TAND tỉnh, phần đất tranh chấp của hai bên có diện tích là 918,9m2 và đất ruộng có diện tích 1.299,9m2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Dũng. Quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, ông T. phủ nhận việc ông có ký tên vào tờ cho đất ngày 17-8-2004, nhưng qua kết quả giám định thì phần chữ ký trên là do ông T. ký. Tuy nhiên, xét nội dung tờ cho đất, phần đất vườn có tẩy xóa nên không rõ diện tích, riêng phần đất ruộng thể hiện diện tích là 1.300m2, do ông Luôn, bà Thế đã chết nên tòa án không thể tiến hành đối chất để làm rõ nội dung tờ cho đất.

 Ngoài ra, tuy xác định được chữ ký của ông T. trong tờ cho đất nhưng không đồng nghĩa với việc ông T. đồng ý cho ông Dũng phần đất vườn và đất ruộng. Bởi lẽ, chỉ có thể xác định ông T. cho ông Dũng phần đất ruộng, còn phần đất vườn bị bôi xóa nên chưa thể hiện ý chí tự nguyện của ông T.; hơn nữa ông T. cũng không thừa nhận cho ông Dũng phần đất này, đồng thời tờ cho đất này chỉ là giấy viết tay, chưa được lập theo thể thức và công chứng, chứng thực nên chưa phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định.

Không đồng tình với nhận định của cấp phúc thẩm, ông Dũng bức xúc nói: “Bản án TAND thị xã Long Mỹ tuyên là hợp lý hợp tình, dựa trên chứng cứ thực tế trong vụ án, nhưng khi xét xử tại TAND tỉnh không xem xét mà còn phớt lờ những chứng cứ hợp pháp của gia đình tôi. Cụ thể, chữ ký trên tờ cho đất đã được thẩm định đúng là chữ ký của ông T., thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng tôi đúng pháp luật, vợ chồng tôi trong suốt quá trình sử dụng đều có đóng thuế đầy đủ, ngoài ra những người làm chứng đều xác nhận việc cho đất cho vợ chồng tôi, nhưng khi xử phúc thẩm tòa chỉ xem hồ sơ mà không căn cứ vào thực tế, lời khai nên bản án tuyên không khách quan”. 

Còn bà Trần Thị Tam chia sẻ thêm: “Giờ đất ruộng vợ chồng tôi đã cầm cố cho người khác, chỉ còn mảnh đất vườn để sinh sống, nếu phải thi hành án thì gia đình với 5 miệng ăn không biết sẽ ở đâu?”. 

Ông Đào Văn Cảnh, một người dân sinh sống ở đây, cho biết, trước đây, ông có biết ông Luôn, bà Thế ở xóm gọi là ông Sáu, bà Sáu cùng ông T., bà H. (vợ ông T.) có ký tên cho vợ chồng ông Dũng đất ruộng và đất vườn được một công tầm lớn”.

Còn theo ông Lê Văn Cưng, ngụ cùng xóm với ông Dũng và ông T., thì ông biết bà Luôn có cho ông Dũng 1 công đất ruộng và một công đất vườn nhưng không rõ diện tích bao nhiêu.

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, các bên đương sự phải thi hành. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh xét xử không đúng thực tế, không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án thì ông có quyền thông báo đến những người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Về thẩm quyền giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>