Bình đẳng trong xét xử án hành chính

10/06/2019 | 09:13 GMT+7

Từ đầu năm 2018 đến nay, tòa án hai cấp trong tỉnh thụ lý 73 vụ, giải quyết 67 vụ án hành chính, đạt tỷ lệ 91,78%. Trong đó, không có án bị hủy, án sửa 1 vụ, chỉ chiếm tỷ lệ 1,49%. Đánh giá về chất lượng xét xử loại án này, ông Trương Đình Nghệ (ảnh), Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, cho biết:

- Trước sự gia tăng các khiếu kiện hành chính, tòa án hai cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết. Nhìn chung, đa số các vụ án tòa thụ lý giải quyết mà đối tượng khởi kiện liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai do UBND, người có thẩm quyền trong UBND ban hành hoặc thực hiện đều tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nội dung pháp luật quy định.

Đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính đã ban hành, thực hiện chưa đúng pháp luật, quá trình giải quyết thông qua đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện, tòa phân tích, chỉ ra những sai sót và được người bị kiện chấp nhận, ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định hành chính có sai sót hoặc ban hành quyết định điều chỉnh nội dung có sai sót nên quyền lợi của người dân luôn đảm bảo.

 Bên cạnh đó, qua công tác đối thoại tại tòa, nhiều vụ án giữa các bên đương sự đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án và người khởi kiện rút đơn khởi kiện. Do đó, chất lượng xét xử án hành chính đảm bảo, số vụ án bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ rất thấp so với quy định của TAND tối cao.          

Từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực cho đến nay, việc tăng thẩm quyền của TAND tỉnh có làm tăng lượng án hành chính thụ lý, giải quyết và gây quá tải không, thưa ông ?

- Lượng án hành chính tăng từ nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân từ việc mở rộng thẩm quyền và tăng thẩm quyền giải quyết cho tòa cấp tỉnh theo Luật Tố tụng hành chính. Vấn đề này đã được chúng tôi dự báo trước khi luật có hiệu lực thi hành và TAND tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Tuy nhiên, việc tăng lượng án không chỉ riêng án hành chính mà hầu hết các loại án đều tăng và tính chất ngày càng phức tạp trong khi biên chế tòa án hai cấp còn thiếu so với biên chế phân bổ và phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021 của TAND tối cao. Vì vậy, nên đôi lúc cũng gây áp lực cho công tác giải quyết án của tòa án hai cấp.

Đối với án hành chính, các bên tham gia thường bao gồm bên khởi kiện là người dân và bên bị kiện là cơ quan công quyền. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự bình đẳng của các bên khi tham gia tố tụng ?

- Việc giải quyết tranh chấp hành chính tại tòa nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đây là cách thức bảo vệ cao nhất quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.

Trong xét xử án hành chính, tòa án thực hiện nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đồng thời, luôn thực hiện nguyên tắc đảm bảo sự vô tư, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên người khởi kiện, người bị kiện đều bình đẳng trước pháp luật, hoàn toàn không có việc ưu tiên, ưu ái bên nào.

Thưa ông, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định trường hợp người bị kiện là UBND hoặc chủ tịch UBND thì chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND đại diện, theo ông quy định này có những thuận lợi, khó khăn gì cho công tác giải quyết án hành chính ở đơn vị ?

- Luật Tố tụng hành chính đã quy định người bị kiện là UBND hoặc chủ tịch UBND chỉ có thể ủy quyền cho phó chủ tịch UBND tham gia. Với quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tòa khi giải quyết vụ án vì đại diện người bị kiện là chủ tịch, phó chủ tịch UBND tham gia thì họ có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan, khác với quy định trước đây phía UBND thường chỉ cử cơ quan tham mưu.

Tuy nhiên, quy định này cũng có khó khăn nhất định bởi trong một số trường hợp lãnh đạo UBND bận nhiều việc trong công tác chỉ đạo, điều hành ở địa phương nên có khi phiên đối thoại, phiên tòa hành chính phải hoãn hoặc xét xử vắng mặt đại diện UBND.

Về phía tòa đã có những giải pháp như thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính thời gian tới ?

- Để nâng cao chất lượng giải quyết các loại án nói chung và án hành chính nói riêng, chúng tôi sẽ tăng cường đổi mới công tác tập huấn nghiệp vụ; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân, đặc biệt là thẩm phán, thư ký giải quyết án hành chính. Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.

 Tháng 5-2019 vừa qua, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường trách nhiệm, tạo điều kiện hỗ trợ các bên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

Theo đó, sẽ phối hợp triển khai, thực hiện nghiêm Quy chế và tăng cường công tác phối hợp nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính. Đây là giải pháp căn bản nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính mà lãnh đạo TAND tỉnh đề ra.

Xin cảm ơn ông !

ĐÌNH BẢO thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>