Cải cách hành chính tư pháp gắn với nâng chất xét xử

12/07/2017 | 08:41 GMT+7

Tòa án nhân dân tỉnh đã thành lập Tổ Hành chính tư pháp trực thuộc Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh; tòa án nhân dân cấp huyện cũng thành lập văn phòng có nhiệm vụ giúp việc cho chánh án trong tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn khiếu nại, tố cáo, thụ lý các loại án thuộc thẩm quyền; tham mưu, phân loại và lập danh sách các loại án để trình chánh án phân công thẩm phán giải quyết theo quy định pháp luật.

Ông Lê Bình Dân, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh (phải) trực tiếp tiếp đương sự tại phòng tiếp công dân Tòa án nhân dân tỉnh.

Người dân, cơ quan, tổ chức khi đến liên hệ công việc tại tòa án chỉ cần thông qua tổ hành chính tư pháp, văn phòng (tòa án nhân dân cấp huyện) sẽ có cán bộ hướng dẫn thủ tục liên quan đến hoạt động của tòa án một cách tận tình, chuyên nghiệp và trách nhiệm, tránh làm mất thời gian, chi phí đi lại nhiều lần của người dân.

Ông Nguyễn Văn Thống, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, nói: “Mấy năm trước tôi đến Tòa án nhân dân tỉnh bổ sung chứng cứ, giấy tờ để giải quyết tranh chấp đất thì qua cán bộ tiếp dân rồi mới liên hệ đến người có thẩm quyền giải quyết, thậm chí phải đi lại nhiều lần, nay tranh chấp đã được giải quyết xong. Đến vụ tranh chấp tiền mua bán tôi cũng đến tòa án thì được cán bộ tiếp dân - người có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng yêu cầu của mình và hướng dẫn rất cụ thể, tôi không phải tới lui nhiều lần như trước đây”.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ, Tòa án nhân dân tỉnh đã chủ động xây dựng hệ thống theo dõi, quản lý án trên phần mềm kết hợp với việc theo dõi qua hệ thống sổ sách theo cơ chế một cửa. Đối với tòa án nhân dân cấp huyện, việc tiếp nhận đơn khởi kiện, hồ sơ vụ án được bố trí tập trung về văn phòng và bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện. Hàng tuần, lãnh đạo đều có lịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của công dân để giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của tòa án.

Sáu tháng đầu năm 2017, tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh thụ lý gần 2.900 vụ việc các loại, đã giải quyết đạt tỷ lệ 64,34%; số vụ việc còn lại đều mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết. Chất lượng xét xử luôn đạt ở mức cao, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa thấp hơn so với quy định của Tòa án nhân dân tối cao.

Ông Lê Bình Dân, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh, nói: “Việc cải cách hành chính tư pháp đã nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật, tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác giải quyết án của tòa án, đồng thời bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân. Ngoài ra, việc thiết lập cơ chế hành chính tư pháp một cửa cũng là điều kiện để cán bộ, công chức tạo cho mình phong cách làm việc thân thiện, gần gũi, cầu thị, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với hệ thống tòa án nói chung và tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Hậu Giang nói riêng”.

Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh còn quan tâm đổi mới lề lối làm việc của cán bộ các phòng, tòa chuyên trách, bảo đảm việc thụ lý, giải quyết các vụ án và tiến hành các thủ tục hành chính tư pháp nhanh chóng, thuận lợi. Ông Phạm Hồng Phong, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng trong cải cách tư pháp mà Tòa án nhân dân tỉnh quan tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, trong đó đặc biệt nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong công tác để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng giải quyết án, kiên quyết không để xảy ra án xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan. Quan tâm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp để đảm bảo xét xử đúng, nhanh chóng và kịp thời theo đúng quy định pháp luật đối với các loại án trên địa bàn tỉnh”.

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>