Cần khiếu nại đúng cấp, đúng nơi

04/06/2020 | 07:52 GMT+7

Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện và đạt kết quả khả quan. Song số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo sai, đơn gửi nhiều cấp, nhiều nơi vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, đặt ra nhiều thách thức trong việc giải quyết hiện nay.

Một buổi đối thoại của lãnh đạo tỉnh với công dân để giải quyết khiếu nại.

Theo Ban Tiếp công dân tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 424 đơn thư khiếu nại, tố cáo được gửi đến các cơ quan hành chính nhà nước. Qua kết quả xử lý, 70% đơn tập trung trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, các chế độ chính sách… Tuy số vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm so cùng kỳ, song theo đánh giá vẫn còn diễn biến phức tạp, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung, tích cực giải quyết.

Theo ông Tăng Minh Thêm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh, trong thời gian qua, tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội với diện tích đất thu hồi lớn. Việc thu hồi đất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, do đó, người bị thu hồi đất thường có đơn khiếu nại, kiến nghị liên quan đến chính sách thu hồi, bồi thường đất.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thêm, một thực tế trong quá trình giải quyết là các đơn thư khiếu nại, tố cáo thường được gửi nhiều cấp, nhiều nơi dẫn đến tình trạng đơn thư bị chuyển lòng vòng gây lãng phí thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan nhà nước và cho chính người khiếu nại, tố cáo.

Tại buổi đối thoại với công dân vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho rằng, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo gia tăng thời gian qua một phần xuất phát từ việc người dân chưa nắm vững các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo nên dẫn đến tình trạng một trường hợp gửi đơn đến nhiều nơi hoặc gửi đơn vượt cấp, không đúng thẩm quyền. Thế nhưng, khi tổ chức đối thoại thì nội dung khiếu nại, tố cáo lại không có căn cứ để giải quyết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền khiếu nại, tố cáo của người dân mà còn gây tốn kém thời gian, chi phí cho các cơ quan nhà nước.

Còn theo ông Lưu Ngọc Đông, Chánh Thanh tra tỉnh, cho biết: “Qua quá trình thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, chúng tôi nhận thấy rằng có nhiều đơn thư nội dung không rõ ràng hoặc trình bày không đúng nội dung yêu cầu giải quyết. Đặc biệt, một số trường hợp nội dung đơn đã được các cấp, ngành giải quyết, trả lời đúng quy định pháp luật nhưng vẫn cố tình tiếp tục khiếu nại, gửi đơn đến nhiều cơ quan”.

Trên thực tế, người dân khiếu nại, tố cáo nhiều cấp, nhiều nơi không đúng thẩm quyền giải quyết không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền của, công sức mà còn tác động không nhỏ đến uy tín của tổ chức, cá nhân là đối tượng bị khiếu nại, tố cáo và của cả chính người khiếu nại, tố cáo.

Luật Khiếu nại năm 2011 quy định, với các vụ việc giải quyết khiếu nại lần 2, khiếu nại đến các cơ quan hành chính không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Tuy nhiên, thực tế có rất ít vụ việc được khởi kiện ra tòa mà hầu hết hộ dân tiếp tục khiếu kiện lên các cơ quan nhà nước ở Trung ương, sau đó đơn thư lại được chuyển về UBND cấp tỉnh để rà soát, xem xét…

Theo ông Tăng Minh Thêm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh, đối với người dân khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo, để đảm bảo việc giải quyết được nhanh chóng, đúng quy định pháp luật, người dân có thể gửi đơn (kèm hồ sơ) hoặc đến trực tiếp tại Ban Tiếp công dân tỉnh (nếu thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh), ban tiếp công dân cấp huyện (nếu thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện). Bởi qua đây, các đơn vị kể trên sẽ làm đầu mối tham mưu UBND cùng cấp xem xét thụ lý hay không thụ lý. Trường hợp nếu thụ lý sẽ có thông báo cho người khiếu nại, người tố cáo biết và thực hiện các thủ tục còn lại theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Trường hợp đơn không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết thì sẽ hướng dẫn, chuyển trả đơn đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, khi người dân không đồng ý đối với quyết định giải quyết lần đầu thì có thể khiếu nại trực tiếp lên cơ quan quản lý cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Trong trường hợp nếu người dân không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai thì có thể khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

 Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>