Cần quy định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

08/06/2017 | 08:25 GMT+7

Thảo luận tại hội trường Quốc hội thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo thực thi chính sách pháp luật lĩnh vực an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Bà Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, báo cáo của Chính phủ dày 44 trang kèm theo phụ lục dày 51 trang về ban hành các văn bản chỉ đạo, bộ quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm, phụ lục về số liệu kết quả công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đã khẳng định, dù mặt trận đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn hạn chế và diễn biến ngày càng phức tạp nhưng những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy sự quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thanh Thủy thống nhất với báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội về lĩnh vực an toàn thực phẩm, đây là chủ đề giám sát tối cao của Quốc hội được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Báo cáo giám sát của Quốc hội khẳng định nhiều kết quả đạt được, tôi đề nghị làm rõ thêm, khẳng định thêm sự đóng góp hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, cụ thể là cơ quan báo, đài từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt. Thông qua nhiều chương trình, chuyên mục, phóng sự điều tra và thông tin nóng hàng ngày, hàng giờ, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cùng cán bộ ngành thanh tra và ngành công an ngày đêm đấu tranh phát hiện, thu thập chứng cứ các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không an toàn vệ sinh thực phẩm,… đưa ra ánh sáng công luận để phòng ngừa, cảnh báo và xử lý vi phạm. Cử tri đánh giá cao kết quả này và tôi cũng đề nghị bổ sung vào báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội.

Về hạn chế, yếu kém, tôi thống nhất với báo cáo giám sát và báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tốt hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đặc biệt quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương. Hiện nay, đầu tư cho công tác này còn rất hạn chế, chỉ chiếm từ 20% đến 30% so với tổng mức vốn được Chính phủ phê duyệt. Các địa phương ngân sách eo hẹp nên không có điều kiện đầu tư thêm. Do vậy, công tác này còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị cũng như kinh phí hoạt động kiểm tra và thanh tra của ngành.

Về trách nhiệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bà đề nghị báo cáo giám sát nêu đầy đủ, cụ thể hơn, làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời cũng chỉ rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, nêu cao ý thức đấu tranh với sai phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Qua giám sát tại địa phương, bà Nguyễn Thanh Thủy đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng:

Để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của đoàn công tác liên ngành về an toàn thực phẩm, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38 ngày 25/4/2012 của Chính phủ, trong đó có quy định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm và phân công phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành, bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nghĩa là không chồng chéo, không bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật từ khâu sản xuất, nuôi trồng, chế biến đến lưu thông và tiêu thụ hàng hóa hiện nay.

Bà cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và Nghị định số 185/2013 quy định trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Nghị định chỉ quy định xử lý về hàng kém chất lượng, hàng giả, phạt theo giá trị lô hàng, nhưng địa phương và cử tri đề nghị nên quy định xử phạt theo hành vi vi phạm thì cụ thể hơn.

Kiến nghị Chính phủ có chủ trương cho phép được để lại toàn bộ số tiền phạt vi phạm hành chính. Thống nhất trong nhóm giải pháp trong báo cáo giám sát của Quốc hội là bảo đảm đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử lý vi phạm để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương. Trong đó, dành 70% cho mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho quản lý an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thanh Thủy cũng kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tiếp tục ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm. Theo báo cáo của Chính phủ số tiêu chuẩn Việt Nam mà các bộ, ngành đề nghị ban hành là 457, song thực tế số lượng tiêu chuẩn Việt Nam được ban hành chỉ chiếm 80%, bộ quy chuẩn Việt Nam chỉ chiếm 56,3% so với yêu cầu. Do vậy, để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thì các bộ, ngành chức năng phải tiếp tục ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm, nhất là đối với sản phẩm, thực phẩm liên quan trực tiếp đến thức ăn, thức uống hàng ngày, hàng giờ của trên 90 triệu dân Việt Nam…

XUÂN ĐOAN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>