Cần tạo điều kiện trong tranh tụng

05/07/2017 | 08:36 GMT+7

Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 quy định vấn đề tranh tụng tại các phiên tòa trong hoạt động xét xử, được coi là khâu đột phá của hoạt động tư pháp nhưng thực tế việc tranh tụng chưa được bị cáo, bị hại, đương sự... hiểu đúng. 

Luật sư tham gia tranh tụng tại một phiên tòa hình sự.

Hiến pháp năm 2013 quy định rõ về vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân và đây là một trong những nguyên tắc cơ bản cho quá trình thực hiện cải cách tư pháp. Điều 13 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử...”. Từ những quy định của Hiến pháp và pháp luật cho thấy, việc tranh tụng nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được coi trọng.

Luật sư Trần Văn Độ, Trưởng Văn phòng luật sư Hữu Nhân - Đoàn Luật sư Hậu Giang, nói: “Qua tham dự nhiều phiên tòa thấy rằng, hội đồng xét xử đã thể hiện được tính khách quan, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cả kiểm sát viên, luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, đa số bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… đều chưa hiểu được nội dung tranh luận là trình bày vấn đề gì, nội dung gì để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của họ mà chỉ nói theo cảm tính. Tâm lý tại phiên tòa họ chỉ nói những gì bức xúc để giãi bày chứ không đưa ra một căn cứ pháp lý nào để chứng minh”.

“Theo tôi, để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chủ tọa cần định hướng cho họ trình bày như thế nào một cách đầy đủ trên cơ sở pháp luật để họ tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”, luật sư Độ nói.

Theo quy định của tố tụng hình sự thì chủ tọa phiên tòa cho quyền bị cáo được tranh luận, không hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến và người tham gia tranh luận có quyền phát biểu nhiều lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý nhằm tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi của mình, thực hiện tranh luận dân chủ, công khai tại phiên tòa. Hơn nữa, càng nghe được nhiều ý kiến tranh luận, đối đáp khác nhau, hội đồng xét xử càng có điều kiện để xem xét, quyết định một cách chính xác, khách quan.

Luật sư Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, phân tích: “Mặc dù pháp luật quy định việc tranh luận rất rõ, hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định pháp luật, tôn trọng tính công bằng, bình đẳng, thế nhưng thực tế, khi bị cáo tại phiên tòa là một người yếu thế không có điều kiện, thậm chí trình độ học vấn không có thì việc hiểu biết và nhận thức pháp luật càng hạn chế. Qua tham gia một số phiên tòa tôi chưa thấy được thực sự bị cáo, bị hại thể hiện phần tranh tụng”.

“Tôi nghĩ, muốn có một phiên tòa thể hiện đúng mức việc tranh tụng phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt phần tranh luận tại phiên tòa để bị cáo, bị hại hiểu được vấn đề cần nói gì trong phần tranh luận nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho mình…”, ông Bé nói.  

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>