Cẩn trọng khi vay tiền dịp tết

02/01/2019 | 07:50 GMT+7

Cho vay lãi nặng là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân làm gia tăng tội phạm khác (cố ý gây thương tích, cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản), ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Bộ Công an và ngành hữu quan, các địa phương ở Hậu Giang đã... tuyên chiến, đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, một trong những mục đích đặt ra là đẩy lùi vấn nạn này.

Quảng cáo tư vấn cho vay tiền được treo ở đường 19/8, thành phố Vị Thanh.

Công an tỉnh nhận định, tình hình hoạt động cho vay lãi nặng… gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân nhưng do vướng mắc quy định của pháp luật nên vẫn chưa tổ chức đấu tranh triệt để.

Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, quy định: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong khi đó, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, nêu: Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của Bộ luật Hình sự hiện hành được xếp ở nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ (dùng tiền để kinh doanh bất hợp pháp). Hành vi cho vay tiền dưới nhiều hình thức: vay, mượn hoặc ký nợ, thông qua hình thức hợp đồng viết hoặc thỏa thuận bằng miệng với lãi suất vi phạm quy định của Nhà nước (người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lời bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng…).

Ngoài điều kiện về lãi suất, hành vi phạm tội trên còn phải có đủ một trong các điều kiện: một là, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hai là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng trong thời hạn là mười hai tháng; ba là, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” có thể nói đã rõ ràng, hiểu thống nhất; riêng điều kiện thu lợi bất chính 30 triệu đồng trở lên còn nhiều vấn đề cần bàn.

Thực tế, đối tượng xấu thường dùng thủ đoạn tinh vi trốn tránh, lách luật để không bị xử lý cho vay lãi nặng như: Hợp đồng vay nợ không ghi thỏa thuận lãi suất; bên cho vay yêu cầu người vay viết giấy vay nhận tiền với số lượng tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng, thời gian phải thanh toán tiền vay từ 30 ngày đến 40 ngày, giấy viết không ghi mức lãi suất mà mức lãi suất các bên thỏa thuận bằng miệng với mức 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày… Trong khi đó, cấu thành vật chất tội này là thu lời bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng nhưng số tiền thu lợi bất chính đều dưới 30 triệu đồng.

Có ý kiến cho rằng, số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là tiền được tính của tất cả các hợp đồng cho vay cộng lại để làm căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử, không được trừ phần tiền thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay. Hoặc số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên được tính trên cơ sở tiền thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay và được tính trên từng hợp đồng vay để xác định cấu thành tội phạm.

Hay tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên được tính trên cơ sở đã trừ phần thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ và được tính trên từng hợp đồng vay để xác định cấu thành tội phạm, không được tính trên tổng các hợp đồng vay để xác định cấu thành tội…

Hiện chưa có hướng dẫn nào của cấp có thẩm quyền nên việc áp dụng xử lý đối với loại tội này gặp vướng mắc. Như đã nói, loại tội phạm này rất nguy hiểm cho xã hội, ngoài hậu quả do chúng gây ra còn những hệ lụy đau lòng khác…

Cơ quan chức năng Hậu Giang cho biết đã phát hiện có 106 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, trong đó có 17 đối tượng là người miền Bắc; nạn nhân có đến 201 người. Một số địa phương ở tỉnh đã bắt, xử lý đối tượng trong đường dây người Bắc cho vay lãi nặng thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích. Cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 16-7-2018 đến 30-9-2018, Công an Hậu Giang gọi hỏi, răn đe, cho 61 đối tượng cam kết không thực hiện hành vi cho vay, đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản và tập trung xác minh và điều tra làm rõ 3 đường dây cho vay lãi nặng trên địa bàn; đồng thời, sẽ tiếp tục quan tâm sát sao tình hình này thời gian tới.

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2019 là dịp để bọn xấu lợi dụng sự chưa chặt chẽ của luật để thực hiện hành vi như trên. Trong khi chờ văn bản có tính chất đầy đủ, chặt chẽ hơn, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người dân cần hết sức cảnh giác với những lời chào mời cho vay tiền...

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích