Cần xử lý nghiêm hành vi khai thác thủy sản tận diệt

20/06/2017 | 09:38 GMT+7

Thời gian qua, tình trạng người dân khai thác thủy sản bằng các dụng cụ đánh bắt mang tính tận diệt mà pháp luật nghiêm cấm còn xảy ra khá phổ biến ở các vùng nông thôn.

Đoàn liên ngành tỉnh đang kiểm tra một trường hợp ghe cào trên sông Hậu, đoạn thuộc địa bàn thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành.

Dạo quanh các cánh đồng trên địa bàn huyện Vị Thủy, Châu Thành A vào buổi chiều hàng ngày, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân sử dụng xung điện để khai thác thủy sản. Anh L., ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thừa nhận: “Do nguồn cá trong tự nhiên giảm nên giờ phải sử dụng xung điện mới bắt được cá chứ không thể đặt lờ, dớn như trước. Với lại, giá thành của bộ xung điện này cũng khá rẻ và dễ tìm mua ở chợ”.

Việc đánh bắt cá bằng xung điện ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong nội đồng, vì nó có thể làm chết hầu hết các loài cá, thủy sinh đang sinh sống trong vùng mà người dân sử dụng xung điện. Chưa kể là có không ít trường hợp người trực tiếp sử dụng xung điện để khai thác thủy sản gặp tai nạn nguy hiểm đến tính mạng của bản thân mình.

Ngoài tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, việc sử dụng lưới có mắt lưới nhỏ và ghe cào có sử dụng bộ kích điện trên các tuyến sông, kênh, rạch hiện nay còn diễn ra khá phổ biến, nhất là tại một số tuyến kênh và sông lớn trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành, Phụng Hiệp…

Anh L.V.T., người đi ghe cào ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Vì mưu sinh nên chúng tôi phải đánh bắt cá bằng cách này chứ giờ đây cá ngày càng ít, có ngày chạy bị lỗ tiền xăng; tôi cũng rất sợ bị ngành chức năng kiểm tra, xử phạt”.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017, chi cục đã phối hợp với lực lượng công an, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 13 đợt kiểm tra trên các tuyến sông, kênh, rạch. Qua đó, phát hiện 12 trường hợp vi phạm, gồm: 7 trường hợp sử dụng xung điện, 5 trường hợp sử dụng lưới có kích thước không đúng quy định. Các trường hợp vi phạm đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản và xử phạt theo quy định.

Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho hay: “Với đặc thù địa bàn tỉnh có nhiều khu vực nội đồng, kênh, rạch nên nghề khai thác thủy sản được xem là nghề phụ của người dân ở vùng nông thôn. Hiện nay, do nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm sút nên để đánh bắt được cá, tôm, người dân đã sử dụng các loại dụng cụ cấm. Qua kiểm tra của chúng tôi, các hành vi vi phạm thường gặp là sử dụng điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; đánh bắt cá lòng ròng, cá rô non, đánh bắt cá bố mẹ trong mùa sinh sản…”.

Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/1998 và số 19/2014 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Nội dung chỉ thị nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước”.

Còn theo quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 103/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, đối với các hành vi vi phạm về sử dụng điện để khai thác thủy sản có thể bị phạt tiền đến 2 triệu đồng và từ 1-4 triệu đồng với hành vi sử dụng ghe cào hoặc lưới có mắt lưới nhỏ hơn mức quy định.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân ý thức được tác hại của việc đánh bắt cá con và sử dụng điện khai thác thủy sản. Đồng thời phối hợp với các ban quản lý chợ cùng lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương không buôn bán các loại cá con, cũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm như đánh bắt, khai thác thủy sản bằng xung điện, ghe cào có gắn bộ kích điện, các loại dụng cụ cấm nói chung nhằm kịp thời chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên”, bà Lê Kim Ngọc cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>