Cảnh giác lừa đảo qua giao dịch từ tài khoản ngân hàng

18/11/2019 | 18:03 GMT+7

Gần tết, nhu cầu mua bán, trao đổi tăng mạnh cũng là lúc bọn xấu lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác để lừa đảo. Nổi lên hiện nay là đối tượng gian lận thường chủ động liên hệ với khách hàng qua điện thoại, mạng xã hội hoặc email và sau đó là các chiêu trò dụ dỗ... Người dân cần hết sức cảnh giác !

Người dân giao dịch tại một ngân hàng ở Hậu Giang.

Nhiều phương thức, thủ đoạn

Đó là lừa khách hàng tự chuyển tiền. Cụ thể, chúng giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra. Hoặc bọn chúng giả mạo thông báo trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn và yêu cầu cung cấp số OTP của khách hàng. Hay giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại.

Bọn chúng còn ra tay đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng để tìm kiếm lợi ích.

Cụ thể thông qua các phương thức: Giả mạo cán bộ của Agribank, yêu cầu cung cấp mật khẩu hoặc mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc thẻ; gửi email/tin nhắn có chứa link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là các website giả mạo.

Chúng cũng có thể lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng. Lưu trữ trái phép các thông tin thẻ và dịch vụ ngân hàng đã nhập của khách hàng trên website có rủi ro cao. Hoặc giả mạo là người cho vay trực tuyến để lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn và yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử.

Ngoài thủ đoạn trên, bọn chúng còn giả danh điều tra viên, cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện, gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập để khởi kiện khách hàng do sử dụng thẻ tín dụng mở tại ngân hàng hoặc vay nợ nhưng quá hạn chưa trả nợ.

Những khuyến nghị đối với khách hàng

Hệ thống ngân hàng khuyến nghị khách hàng nên hết sức cẩn thận trong các giao dịch chưa rõ ràng.

Trong đó, khách hàng phải thật sự giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng; không cung cấp thông tin bảo mật như mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp, nhập vào trang website không tin cậy…).

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo ngân hàng ở Hậu Giang khẳng định, đơn vị không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử, hoặc yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin để xác thực định danh khách hàng.

Vị này khuyến nghị khách không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội cũng như các kênh liên lạc email, điện thoại, thư giấy, tin nhắn điện thoại... để lừa đảo, gợi ý khách cho vay/chuyển tiền tới tài khoản của kẻ lừa đảo. Hệ thống ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển tiền, nạp tiền vào số điện thoại và tài khoản chỉ định để nhận thưởng, nhận tiền hoàn trả... bất kỳ chương trình khuyến mại nào.

Cùng với đó, người dân cần cẩn trọng khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM/POS. Cụ thể, khi giao dịch tại máy ATM/POS, quý khách hãy quan sát khe thẻ trên máy ATM bảo đảm không có thiết bị lạ gắn trên khe và che bàn phím khi nhập số PIN.

Với các giao dịch trực tuyến, người dân cũng không được chủ quan. Trong đó, hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng, tại quán café để đăng nhập, thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử; luôn tải và cập nhật các phần mềm bảo mật, diệt virus, tường lửa mới nhất cũng như phiên bản mới nhất và luôn thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng sau khi hoàn thành giao dịch.

Khách hàng không vì tiếc vài trăm đồng mà không đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư. Cần đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản vay của mình nhằm kịp thời phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các giao dịch bất thường…

Mã OTP là gì ?

Khi thực hiện các giao dịch online phải thanh toán trực tuyến hoặc thực hiện các giao dịch với tài khoản thẻ ATM nội địa,… thường được yêu cầu nhập mã OTP, chỉ chủ tài khoản mới được xem mã OTP và mã OTP sẽ mất hiệu lực trong một vài phút. Vậy mã OTP là gì ?

 

OTP là viết tắt của từ one time password, có nghĩa là mật khẩu chỉ sử dụng một lần. Nó là một dãy gồm các ký tự hoặc chữ số được ngân hàng tạo ra gửi đến số điện thoại của chủ tài khoản để xác nhận giao dịch nhằm tăng tính bảo mật cũng như đảm bảo an toàn khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc thanh toán online.

 

Mã OTP được dùng xác nhận giao dịch một lần duy nhất. Thậm chí khi chủ tài khoản chưa sử dụng thì sau khoảng 30 giây đến 2 phút, mã xác nhận này cũng không còn hiệu lực và chủ tài khoản cũng không thể sử dụng nó cho bất kỳ giao dịch nào khác.

 

OTP thường được dùng để làm bảo mật 2 lớp trong các giao dịch xác minh đăng nhập và đặc biệt là giao dịch với tài khoản ngân hàng. OTP giúp ngăn chặn, giảm thiểu những rủi ro bị tấn công khi mật khẩu bị lộ hoặc hacker xâm nhập...

 

Bài, ảnh: T.THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>