Cảnh giác tội phạm lừa đảo công nghệ cao

18/01/2019 | 08:33 GMT+7

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội facebook, zalo... hoặc thông qua các số điện thoại cố định. Tại Hậu Giang, những phương thức hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp này đã làm không ít nạn nhân sập bẫy với thiệt hại không nhỏ.

Một hình thức lừa đảo tặng quà trên mạng xã hội facebook.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong đó, đáng chú ý đã xuất hiện một số vụ lừa đảo tài sản thông qua mạng xã hội hoặc thông qua các hình thức công nghệ cao. 

Các đối tượng lừa đảo này hoạt động ngày càng phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi như: lợi dụng công nghệ cao tấn công vào giao dịch điện tử để chiếm đoạt tiền; thông qua mạng xã hội để kết bạn, làm quen rồi lừa tình và tiền của những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin... Gần đây, bọn chúng còn sử dụng chiêu thức làm quen qua mạng xã hội, giả vờ gửi quà có giá trị lớn từ nước ngoài về, bố trí người giả làm nhân viên sân bay, nhân viên bưu điện đến yêu cầu các nạn nhân nộp lệ phí làm thủ tục nhận quà rồi chiếm đoạt.

Điển hình như vào tháng 6-2017, thông qua mạng xã hội facebook, chị N.T.H. (37 tuổi, ngụ thành phố Vị Thanh) kết bạn và làm quen với một người có nickname Alex Smith. “Tâm sự” với nhau qua mạng, người này nói là đang sống và làm việc tại London, Vương quốc Anh. Qua thời gian nói chuyện thân thiết, ngày 12-10-2017, người đàn ông này nói là sẽ tặng chị H. quà và 300.000 euro nhân dịp sinh nhật của chị. Để nhận được quà thì chị H. phải nộp phí vận chuyển hơn 48,6 triệu đồng vào tài khoản tên Nguyễn Thị Ngọc Thy.

Khi chị H. gọi điện thoại liên hệ với Thy, Thy nhận mình là người quản lý vận chuyển, yêu cầu chị H. ra ngân hàng nộp tiền phí rồi quà sẽ được giao.

Tin tưởng, ngày 13-10-2017, chị H. đến ngân hàng nộp tiền vào tài khoản của Thy. Chiều cùng ngày, người tên Alex Smith tiếp tục liên lạc nói là do số tiền gửi quá nhiều, chị H. cần phải nộp thêm 6.000USD mới nhận được quà, nếu nộp chậm thì tiền phí tăng thêm. Lúc này, chị H. nói mình không có tiền nên không nộp nữa. Sau đó thì chị không còn liên lạc được với tài khoản Alex Smith và Thy.

Sau khi tiếp nhận tố giác và mở rộng điều tra, đến tháng 10-2018, Công an Hậu Giang đã khởi tố và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Ngọc Thy sau khi phát hiện bằng các thủ đoạn móc nối với các đối tượng nước ngoài như trên, Thy đã lừa đảo nhiều nạn nhân khác số tiền lên đến 7 tỉ đồng.

Cũng theo các ngành chức năng, thời gian gần đây, nhiều thông tin liên quan tới thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng cũng có chiều hướng gia tăng. Những kẻ lừa đảo sẽ giả mạo người thân, bạn bè của các nạn nhân và nhờ nhận hộ tiền gửi qua các hình thức chuyển tiền từ nước ngoài. Các đường link giả mạo trang web chuyển tiền quốc tế sẽ được cung cấp. Khi nạn nhân truy cập vào các đường link này sẽ ngay lập tức bị đánh cắp thông tin và đối tượng xấu sẽ sử dụng thông tin đó để thực hiện các giao dịch lừa đảo mà nạn nhân không hay biết.

Ngoài các phương thức, thủ đoạn nêu trên, bọn tội phạm còn lợi dụng các số điện thoại hoặc tổng đài tự động có địa chỉ từ nước ngoài để lừa đảo người dân.

Vào tháng 7-2018, ông Nguyễn Thành Sáu, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, bất ngờ nhận được điện thoại từ một người lạ thông báo gia đình ông thiếu cước phí điện thoại hơn 8 triệu đồng. Danh bạ điện thoại hiện trên màn hình là số điện thoại với đầu số khá lạ. Đáng chú ý, đối tượng này lại biết rõ họ tên và địa chỉ gia đình ông. Nghi ngờ cuộc gọi trên có dấu hiệu lừa đảo, ông Sáu thử tra cứu thì được biết các đầu số đều đến từ Singapore.

Với cùng thủ đoạn trên, trên toàn địa bàn tỉnh đã có hơn 70 người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định bị đối tượng lạ yêu cầu đóng cước phí như trường hợp của ông Sáu. Lầm tưởng nhà mạng gọi đòi tiền, một số người dân đã cung cấp tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân cho bọn xấu.

Theo đại tá Đặng Thanh Giang, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh, đa số các trường hợp bị mắc lừa qua mạng xã hội hoặc các hình thức gọi điện thoại như trên thường là phụ nữ hoặc người lớn tuổi.

Để phòng tránh loại tội phạm lừa đảo với các hình thức này, ông Đặng Thanh Giang nói người dân cần phải nêu cao ý thức cảnh giác, khi nhận được các thông tin thông báo từ mạng xã hội cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ mới tiến hành thực hiện các giao dịch; không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Nếu người thân hoặc bạn bè nhắn tin qua các ứng dụng facebook, zalo… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận nội dung thông tin. Đồng thời, khi phát hiện các dấu hiệu bị lừa đảo cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để tiến hành xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn không để bọn tội phạm thực hiện được hành vi phạm tội.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích