Chế tài chưa đủ mạnh để xử lý không chấp hành kết luận thanh tra

05/08/2019 | 08:02 GMT+7

Theo cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh còn nhiều kết luận thanh tra chưa được thi hành về tiền và xử lý tập thể, cá nhân. Điều đó phần nào giảm hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Về vấn đề này, Chánh Thanh tra tỉnh Lưu Ngọc Đông (ảnh) có cuộc trao đổi cụ thể với phóng viên Báo Hậu Giang.

Thưa ông, 6 tháng đầu năm 2019, qua thanh tra hành chính, cơ quan thanh tra phát hiện sai phạm gần 300 triệu đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi 235 triệu đồng nhưng đến nay chỉ thu hồi 13 triệu đồng; kiến nghị xử lý 5 tập thể, 25 cá nhân nhưng đến nay chưa đơn vị nào xử lý, theo ông nguyên nhân do đâu ?

- Do các kết luận thanh tra đang trong giai đoạn thực hiện nên cơ quan, tổ chức, cá nhân đang khắc phục hậu quả đối với số tiền sai phạm.

Với các kết luận, tôi cho rằng, thủ trưởng trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm sẽ căn cứ vào kết luận để khắc phục hậu quả, tiến hành xem xét, áp dụng mức hình thức xử lý vi phạm hành chính phù hợp.

Tương tự, theo thống kê, hiện có 34 kết luận thanh tra trong tỉnh với tổng số tiền sai phạm trên 16 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi 6,6 tỉ đồng nhưng chỉ mới thu hồi 2,2 tỉ đồng; kiến nghị xử lý 5 tập thể, 221 cá nhân nhưng chỉ mới xử lý 12 cá nhân. Ông có ý kiến gì về vấn đề này ?

- Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện đối với một số kết luận thanh tra từ năm 2018 về trước còn chậm, nhất là trong lĩnh vực thu hồi tiền, tài sản; việc xử lý vi phạm hành chính chưa được quan tâm thực hiện.

Theo tôi, nguyên nhân do Hậu Giang là tỉnh nghèo, đời sống cán bộ, công chức còn khó khăn nên những cá nhân có sai phạm thường chậm nộp, hoặc xin gia hạn kéo dài thời gian nộp tiền dẫn đến số tiền thu hồi thấp.

Cũng do một vài dự án đầu tư xây dựng chưa đúng tiến độ, ảnh hưởng việc xử lý giảm trừ quyết toán, gây tồn đọng, kéo dài.

Do việc theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra gặp không ít khó khăn vì chưa có quy định chế tài cụ thể nhằm xử lý các đối tượng thanh tra có sai phạm thực hiện nghiêm các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.

Và do một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng của cơ quan, tổ chức cá nhân có sai phạm chưa thực sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý sau thanh tra, dẫn đến việc thực hiện chưa nghiêm; có một số trường hợp cố tình kéo dài, không chấp hành.

Theo quy định, không chấp hành kết luận thanh tra sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông ?

- Điều 41 Luật Thanh tra năm 2010 quy định xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

Tuy nhiên, Nghị định số 33 ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định về thực hiện kết luận thanh tra không quy định cụ thể về thời gian, thời hạn thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đối với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, dẫn đến mỗi kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra yêu cầu thời gian thực hiện kết luận thanh tra khác nhau.

Nghị định số 33 chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận thanh tra và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; quy định mang tính chung nhất về chế tài thực hiện mà chưa quy định các biện pháp, chế tài cụ thể đối với trường hợp đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện hoặc không thực hiện đúng yêu cầu của kết luận thanh tra, quyết định, yêu cầu kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra; chưa có quy định cụ thể về thời hạn đối tượng thanh tra phải thực hiện nộp lại số tiền sai phạm qua thanh tra theo quyết định thu hồi tiền. Đồng thời, chưa có văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các cơ quan thanh tra nhà nước.

Thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực vật tư nông nghiệp ở tỉnh năm 2019.

Ông sẽ chỉ đạo và ý kiến gì về các kết luận thanh tra để được thi hành dứt điểm trong thời gian tới ?

- Thanh tra tỉnh sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đề nghị nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác thanh tra, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.

Tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao ngay từ khi có kết luận, kiến nghị thanh tra và chỉ đạo xử lý sau thanh tra của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, tăng cường quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện các kiến nghị thanh tra, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thanh tra.

Phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, rà soát các kết luận thanh tra còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo, thực hiện.

Hiệu quả bước đầu qua công tác thanh tra

(HG) - Theo Thanh tra tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn ngành triển khai thực hiện 28 cuộc thanh tra, 22 cuộc theo kế hoạch và 6 cuộc đột xuất, tăng 8 cuộc so cùng kỳ. Đến nay, kết thúc được 23 cuộc thanh tra, trong đó đã ban hành 19 kết luận thanh tra. Các kết luận thanh của các sở ngành, huyện, thị xã và thành phố sau khi ban hành đều được gửi về Thanh tra tỉnh, và đơn vị có thành lập Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra tham mưu cho Chánh Thanh tra tỉnh trong kiểm tra tính pháp lý của các kết luận thanh tra được gửi đến.

Qua kiểm tra, các kết luận thanh tra được ban hành đúng thời gian quy định, đảm bảo tính chính xác, khách quan; áp dụng các biện pháp kiến nghị xử lý phù hợp với kết quả kiểm tra, xác minh đã nêu trong kết luận thanh tra.

“Có thể nói hiệu quả bước đầu qua công tác thanh tra đã giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, ông Lưu Ngọc Đông nói.

 

Xin cảm ơn ông !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>